Nhớ món chè bắp của má nấu dịp lễ Vu lan!

Bài, ảnh: Ba Cần Thơ Thứ ba, ngày 25/08/2015 06:15 AM (GMT+7)
Mùa này đi trên đường, bắt gặp xe bán chè cùng bắp nướng tỏa hương thơm ngát làm lòng tôi lại miên man nhớ về quê nhà. Vào dịp Vu lan, má tôi thường làm món chè bắp dâng cúng ông bà.
Bình luận 0

Tôi vẫn nhớ như in, cứ vào mùa thu hoạch bắp, thường sau buổi cơm chiều xong là ba tôi mang đồ nghề (thúng, dao…) cùng anh em tôi xuống xuồng bơi qua cồn hái trái.

img

Nhớ những hàng bắp trong mùa thu hoạch được ba trồng bên cồn năm xưa.

Nhìn những trái bắp nếp màu xanh nhạt, no tròn, đầy đặn trông thật hấp dẫn!. Theo kinh nghiệm người lớn truyền lại, bắp bẻ tại cây, nấu (hoặc nướng) tại chỗ ăn mới ngon ngọt. Ấn tượng ban đầu trong tôi như thế, nên khi bắp vừa bẻ xong, anh em chúng tôi liền xin ba vài trái bắp vàng bẹ (bắp vừa ăn, không quá già) và dùng nhánh tre chọc giữa cùi làm cán, lấy rơm phủ lên nướng. Đợi một lúc rơm tàn, cào than ra là bắp chín. Do lửa không đều, nên hạt bắp có nơi khét, nơi không. Thế là, anh em chúng tôi dùng que tre cào bỏ lớp khét đi và đưa lên miệng “cạp” một cái ngon lành!...                 

Vào thời điểm khó khăn lúc bấy giờ, bắp được xem như là “thực đơn chính” trong bữa ăn hàng ngày của gia đình chúng tôi. Sáng bắp nấu; trưa bắp trét nấu (bắp già nấu chín hạt nở bung, có nhựa rất ngon!) ăn cặp với mắm sống (mắm sặt) thay cơm; chiều cơm nếp bắp, v.v…Trong số các món ăn do má chế biến vào mùa bắp, ấn tượng khó quên trong tôi là vào mùa Vu lan, má tôi lụi hụi nấu món chè bắp với đường thốt nốt.              

Sau khi ba cùng các con mang bắp hái từ cồn về nhà, má phân loại bắp ra rổ rồi lụi hụi chuẩn bị nấu nồi chè bắp cúng nhân ngày Vu lan. Má cẩn thận chọn những trái bắp vừa ăn (không non cũng không gìà) lột vỏ, rút bỏ những sợi râu bắp còn dính nơi hạt cho sạch. Dùng dao bén (hoặc bàn bào) xát hạt bắp thành từng miếng mỏng, để ra tô. Nếp lựa loại nếp sáp dẻo thơm (không lẫn tạp chất). Dừa khô nạo vắt lấy nước cốt và nước dão cùng vài tán đường thốt nốt nữa. Tôi ngạc nhiên hỏi:”Sao không nấu với đường cát hả má?”. Má nhìn tôi mỉm cười và ôn tồn nói: "Đây là bí quyết để có món chè thơm ngon đậm đà, và có hương vị đặc trưng của quê hương miền Tây đó con ạ!”.

img

Những trái bắp nếp với những hạt trắng nõn, đều tăm tắp trông thật bắt mắt.

img

Tô chè bắp đường thốt nốt thơm ngon và hấp dẫn.

Nguyên liệu khi đã chuẩn bị xong, tôi đứng nhìn xem các công đoạn má làm. Trước hết, má cho nếp vào nồi vo sạch, rồi cho bắp (đã xát) vào theo một tỉ lệ thích hợp (4 bắp + 1 nếp) cùng nước dão nấu sôi. Chờ nước sôi vài dạo (khoảng 30 phút) khi thấy nếp nở bung nhừ sền sệt, bắp chuyển sang màu trắng trong, má cho đường thốt nốt vào. Má dùng vá đảo đều cho đường hòa tan. Cuối cùng, má cho nước cốt dừa vào, nhắc xuống, múc ra tô dâng lên bàn thờ cúng ông bà. Má tôi còn căn dặn thêm, phần nước cốt dừa có thể để riêng, mỗi khi múc ra chén ăn chan lên cũng được!.).

Thật đầm ấm và hạnh phúc khi cả nhà họp mặt đông đủ ngày lễ Vu lan, trước là dâng lên ông bà, sau cũng là dịp để cả nhà quây quần thưởng thức món chè bắp thơm lừng và hấp dẫn. Dùng muỗng múc miếng chè bắp “nóng hổi vừa thổi vừa ăn”. Vị béo của bắp, của  nước cốt dừa hòa quyện cùng vị ngọt, thơm đặc trưng của đường thốt nốt,... lan tỏa khắp vị giác, len vào tận thực quản. Má nhìn các con đang ăn lòng hân hoan vui sướng nhân ngày lễ thật có ý nghĩa này!.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem