Nhớ phượng hồng - hoa của một thời và của muôn đời!

Bùi Việt Phương Thứ năm, ngày 21/05/2015 10:05 AM (GMT+7)
Dường như, ở mái trường nào trên đất nước mình cũng có một tán phượng. Loài cây từ lâu đã không chỉ còn là của tự nhiên, của mùa hè mà đã đi vào đời sống tâm hồn, gắn với thời đi học của mỗi người.
Bình luận 0
Có được may mắn đó, đâu phải chỉ bởi sắc hoa đỏ như ngọn lửa bùng nở đúng thời khắc kết thúc năm học, mãn khóa, mùa thi…mà bản thân nó đã chứa đựng các giá trị của một biểu tượng về những gì sôi nổi, trong sáng nhất của tuổi học trò.
img
Hoa phượng đỏ thắm sân trường (ảnh: BVP)
Trong cuộc đời mỗi con người đều có một khoảng thời gian rất dài gắn với trường lớp. Hay nói đúng hơn, có một phần đời sống với những khát vọng, hoài bão khi ngồi trên ghế nhà trường. Cũng từ đó, trong mỗi người lại bước vào hiện thực cuộc sống bên ngoài để thấy yêu hơn quê hương, đất nước mình. Trong khoảng thời gian còn đi học đó, ký ức lắng đọng phải kể đến tiếng ve - loài côn trùng có tiếng kêu vang râm ran làm náo nức lòng người, có những bông hoa phượng đỏ rực rỡ như ngọn đèn không tắt soi sáng trang sách mùa thi.

Trường tôi lúc ấy có một cây phượng đã nhiều năm tuổi. Đến cả các thày, cô giáo lớn tuổi chuẩn bị rời bục giảng cũng không thể biết rõ nó đã được trồng ở đó từ khi nào. Nhưng mỗi khi cùng nhìn ra sân trường trong ngày hè rực nắng ai cũng rưng rưng cảm động.

Nghe nói những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, có một thày giáo đã trồng cây phượng nhỏ trước khi chia tay học trò và đồng nghiệp để lên đường ra mặt trận, hẹn ngày đất nước thống nhất sẽ trở về. Cho đến giờ cây phượng vẫn đứng đó, tàn hoa rơi đỏ góc sân mà người thày ấy đã ra đi mãi mãi trong một trận đánh trước mùa hoa phượng nở.

Những năm tháng sau chiến tranh, cuộc sống còn khó khăn, sau những đêm thức trắng với ngọn đèn dầu ôn bài, chúng tôi hân hoan bước tới trường trong mùa thi, giật mình tưởng như cây phượng là một ngọn đèn khổng lồ nở ngàn hoa lửa đang rực cháy ngoài kia sau một đêm thức với tuổi học trò. Biết bao lứa học trò cũ của trường đã mãn khóa, trong số đó có cả "cô, cậu học trò" phải li hương, bôn ba khắp nơi, khi sang đò, về đến giữa sông nhìn thấy sắc hoa nở đỏ trên ngôi trường làng mà rưng rưng nước mắt nghĩ đến thầy cô, trường lớp  thuở nào. Bao người dân quê tôi cả ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, những trưa hè nắng nỏ dắt trâu về qua con đường đất ven trường, ngoái nhìn cây phượng lại ấm lòng nghĩ đến con, em mình đang miệt mài học tập dưới mái trường nơi đó.

Còn nhớ bác lao công già, dáng vóc gầy guộc nhưng tiếng chổi tre luôn cần mẫn trên sân trường. Bác vẫn bảo chúng tôi rằng: riêng chỗ gốc phượng, bác thường để lại đợi khi hoa héo tàn mới quét đi, chứ lúc hoa mới rớt xuống còn thắm tươi không nỡ đưa tay chổi. Bác bảo đi nhiều nơi rồi mới nghiệm ra: hoa phượng là hồn vía của mùa hè, miền quê nào trồng nhiều phượng, đến mùa hè nhìn thích lắm, hẳn nơi đó "sẽ phát" về đường học hành. Nhìn những chùm phượng theo những tốp học trò tan trường lan đi khắp nơi như thấy yêu thêm một thời sôi nổi.

Chẳng biết có phải màu hoa ấy đã ám ảnh về một thời cắp sách không mà khi đã trưởng thành, mỗi lần đi về dưới mầu hoa, bóng phượng, lòng tôi vẫn thấy bồi hồi như ngày nào còn cắp sách. Những bông phượng như đã gài theo trên mỗi chiếc bao lô của những khóa học sinh đã rời ghế nhà trường để lên đường nhập ngũ, bảo vệ Tổ quốc. Màu hoa ấy đã hóa thân thành màu máu của các anh hòa vào từng tấc đất non sông để rồi lại hồi sinh bằng sắc hoa thắm đỏ ở những ngôi trường mới mọc. Hoa phượng của một thời và của muôn đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem