Nhọc nhằn gánh chữ qua sông

Thứ sáu, ngày 01/04/2011 08:49 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Ngày lại ngày, để đến được với học sinh, các thầy cô của phân trường Nà Héng, trường tiểu học Pác Ròm, xã Nam Quang, Bảo Lâm, Cao Bằng phải vượt qua dòng sông Gâm luôn ồn ào chảy xiết.
Bình luận 0

Phải nghiên cứu bản đồ rất kỹ càng, chúng tôi mới tìm được con đường ngắn nhất để đến với Bảo Lâm - một huyện vùng cao của tỉnh Cao Bằng, cách Hà Nội ngót 500 cây số. Nói là ngắn nhưng cũng mất cả ngày đường chúng tôi mới có mặt ở thị trấn Pác Mầu, trung tâm của huyện Bảo Lâm.

Sau một đêm dài nghỉ ngơi, sáng sớm hôm sau, điểm đầu tiên chúng tôi tìm đến là bến sông Kiềm Mình, nơi các cô giáo của phân trường Nà Héng (Trường Tiểu học Pác Ròm, xã Nam Quang) vẫn ngày ngày cõng chữ vượt sông Gâm.

img
Các thầy cô giáo phân trường Nà Héng vượt sông Gâm bằng mảng.

Ám ảnh sông Gâm

Phân trường Nà Héng hiện có 5 cô giáo, 1 thầy giáo. Hàng ngày, để đến được với các em học sinh, các thầy cô phải vượt qua dòng sông Gâm luôn ồn ào chảy xiết. Theo ngón tay chỉ của cô giáo trẻ Nông Thị Giang, tôi giật mình khi thấy phương tiện qua sông chỉ là chiếc mảng được giằng lại từ vài thanh tre và neo giữ nhờ một sợi dây thừng căng ngang sông. Trước sức cuốn của dòng chảy, sợi dây thừng thẳng băng như có thể phựt đứt bất cứ lúc nào.

Cô giáo Giang bảo: "Mùa này nước chảy hiền lành đấy anh ạ, chứ vào mùa lũ (từ tháng 5 đến tháng 9), nước sông dâng cao đến 10m, chảy cuồn cuộn, chẳng dây thừng nào giữ được mảng cả. Để có thể sang sông, bọn em phải khênh mảng ngược lên phía thượng nguồn mấy trăm mét rồi thả trôi thì mới sang được đúng điểm cần đến. Để dừng được mảng để lên bờ, bọn em phải túm lấy các cành cây gần bờ chứ lúc này sào chống cũng không còn tác dụng nữa".

Trò chuyện với Giang, được biết cô giáo trẻ này đã không dưới một lần suýt xuống thăm Hà Bá khi vượt sông sang phân trường trong mùa nước lũ. Kỷ niệm kinh hoàng nhất đối với Giang chính là một lần vượt sông Gâm khi cô đang mang bầu 6 tháng. Dòng nước dữ đã giật đứt sợi dây thừng giữ mảng, cuốn phăng cả người và mảng về phía hạ nguồn.

Nhớ lại tai nạn đó, Giang vẫn thấy lạnh sống lưng: "Khi dây thừng đứt, một ý nghĩ thoáng đến trong đầu em, là mình sẽ chết. Thế nhưng may mắn sao chiếc mảng lại trôi trước, em trôi sau nên được hơn chục mét thì em bám được vào mảng và leo lên. Nghe tiếng em kêu cứu, người dân 2 bên bờ sông đã tìm cách giữ chiếc mảng lại và đưa em vào bờ. Đúng là hút chết!".

Khi tôi hỏi về khả năng bơi lội, hầu hết các cô giáo đều ngượng nghịu lắc đầu. Thế nhưng chính sự ngượng nghịu của các cô lại làm tôi tăng thêm phần cảm phục sự dũng cảm của những "người lái đò" đích thực này.

Cô giáo Nông Thị Hằng đang mang bầu 8 tháng nhưng vẫn đều đặn qua sông mỗi ngày 4 lần để bám lớp, bám trường. Hằng bảo: "Không biết bơi mà phải qua sông kiểu này nhiều khi em cũng sợ lắm. Nhưng cứ nghĩ đến các em học sinh phải trèo đèo lội suối hàng cây số đến trường, mọi sợ hãi lại tan biến trong em".

Các cô giáo cho biết, từ năm 2002 đã được nghe nói đến một dự án xây cầu ở khúc sông này, thế nhưng đến nay vẫn chưa thấy làm. Hàng tháng, các cô giáo phải nộp mỗi người 50 nghìn đồng tiền mảng qua sông cho người quản lý bến.

Làm giáo viên vượt sông, các cô chỉ mơ ước có được một chiếc áo phao để bảo đảm cho tính mạng của mình nếu chẳng may xảy ra sự cố. Thế nhưng, những lần có dịp về thị xã Cao Bằng, đi khắp thị xã cũng không tìm được nơi bán.

Biết trước hoàn cảnh của các thầy cô giáo, Báo Nông Thôn Ngày Nay đã kêu gọi sự hỗ trợ của độc giả gửi tặng mỗi thầy cô ở phân trường Nà Héng một chiếc áo phao. Mong rằng khi khát vọng có được một cây cầu còn chưa thành hiện thực thì những chiếc áo phao sẽ giúp các thầy cô nơi đây thêm sức mạnh chiến thắng Hà Bá sông Gâm.

Cưỡi trên đầu Hà Bá

Từ bến sông Kiềm Mình, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Nà Ca ở bản Pác Miầu, xã Bảo Hà, huyện Bảo Lâm. Ngôi trường này tuy ở gần thị trấn nhưng chỉ vẻn vẹn có 6 lớp tiểu học, 3 lớp mầm non, không kể các phân trường ở sâu trong bản.

img
Các em học sinh là động lực mạnh mẽ giúp các thầy cô giáo ở Bảo Lâm vượt sông đến trường.

Được xây năm 2001 từ nguồn vốn kiên cố hóa trường lớp của nhà nước nhưng cũng mới chỉ có 6 lớp tiểu học của trường được xây gạch lợp ngói chắc chắn; 3 lớp mầm non đành phải thu gọn lại một lớp trong căn nhà gỗ tạm. Trường Tiểu học Nà Ca có 21 cô giáo, nhiều cô chưa lập gia đình, từ các vùng xa xôi đến với Nà Ca, thuê trọ nhà dân để cố gắng bám trường bám lớp.

Ngọ Thị Minh Yến - cô giáo trẻ nhất trường, sinh năm 1988, nhưng đã có 3 năm thâm niên vượt núi băng sông bám lớp, bám trường.

img Em thì nhỏ bé thế này, một mình ôm mảng vượt sông Gâm cũng sợ lắm chứ. Nhưng đã đảm đương công việc trường lớp, phải đi sớm về muộn, nếu không chủ động được việc qua sông thì biết làm sao. img

Quê tận vùng đất Phú Bình (Thái Nguyên), tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên, Yến vượt mấy trăm cây số đường rừng để đến với "miền đất lạ" Bảo Lâm. Đầu tiên Yến được phân công về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nà Đon. Trường Nà Đon cũng nằm chênh vênh bên sườn núi đá nhưng muốn đến được trường phải chèo mảng qua sông Gâm. Yến không mấy khi thấy sông nước nên cũng chẳng hề biết chèo thuyền hay bơi lội.

Ngày đầu tiên Yến đến trường đúng vào mùa nước lũ. Nhìn dòng nước gầm gào, tung bọt đỏ ngầu dữ dội, Yến hoảng hốt không dám bước lên chiếc mảng tre đang tròng trành, vặn mình chống chọi lại dòng nước dữ. Sau vài lần được mọi người động viên, giúp đỡ, cuối cùng Yến cũng đủ can đảm để qua sông một mình.

Yến kể: Một lần, khi sắp vào đến bờ, bất ngờ một đợt sóng ào tới xô cả em và mảng ra xa. Thấy phía trước là một thác nước trắng xóa, em liều mình lao xuống sông. Thật may, chỗ đó nước nông nên em thoát chết trong gang tấc. Đoạn sông Gâm này đã cướp đi nhiều mạng người rồi. Mẹ và em của Hoàng Thị Mũ, một học sinh của em cũng mới bị dòng nước cuốn trôi".

Năm học 2009 - 2010, Yến thoát nỗi ám ảnh sông Gâm khi được phân về Trường Tiểu học Nà Ca đảm nhiệm bộ môn âm nhạc cho toàn trường. Dù không phải qua sông Gâm hàng ngày nữa nhưng cô gái "vùng gang thép" này vẫn luôn mơ ước một ngày nào đó, trên dòng sông Gâm nơi bến Kiềm Mình sẽ xuất hiện một cây cầu để những đồng nghiệp của cô sẽ không còn nỗi lo phải cưỡi trên đầu Hà Bá.

Ông Hoàng Đình Thiên - quyền Trưởng phòng GDĐT huyện Bảo Lâm - chia sẻ: Bảo Lâm là một huyện nghèo, địa hình trắc trở. Chúng tôi cũng muốn quan tâm đến các thầy cô hơn nhưng kinh tế địa phương rất eo hẹp, muốn làm cũng không làm được. Đến việc trang bị áo phao cho các thầy cô chúng tôi còn chưa làm được nữa là xây dựng một cây cầu. Chẳng biết đến bao giờ các thầy cô mới bớt được nhọc nhằn khi vẫn còn phải gánh chữ qua sông.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem