Nhóm chia sẻ yêu thương: Lan toả những tấm lòng nhân ái

Lê San Thứ tư, ngày 25/02/2015 15:23 PM (GMT+7)
“Nhìn những em nhỏ tiều tụy, nằm trong bệnh viện hết từ năm này sang năm khác, bố mẹ các em phải chắt chiu từng đồng một để bám bệnh viện tìm một hy vọng chữa trị cho các em mà thấy lòng mình se sắt, thấy mình phải có trách nhiệm làm một việc gì đó để giúp đỡ các em” – chị Phạm Lan Anh - Trưởng nhóm Chia sẻ yêu thương Hà Nội tâm sự sau buổi tình nguyện phát cơm miễn phí cho các bệnh nhi ở Viện Huyết học T.Ư.
Bình luận 0

Bữa cơm chan chứa yêu thương

Gần 3 năm nay, cứ buổi trưa thứ 7, người nhà và bệnh nhân của Khoa nhi Bệnh viện Huyết học Trung ương lại tíu tít rủ nhau xách cặp lồng đi lấy cơm từ thiện. Khoa bệnh nhi là một trong những khoa có số trẻ em nhập viện đông nhất cả nước và hầu hết thường mắc phải những bệnh hiểm nghèo khó chữa, phải nằm trong viện thời gian lâu dài. Các em đến từ những tỉnh thành xa xôi khác nhau, hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ các em đều làm nông dân với thu nhập ít ỏi. Vậy nên mỗi bữa cơm được hỗ trợ là một chia sẻ rất lớn.

img
Nhóm Chia sẻ yêu thương Hà Nội phát cơm miễn phí cho người nhà các bệnh nhi tại Viện Huyết học  Trung ương. (L.S)

Mỗi buổi, nhóm Chia sẻ yêu thương dành 150 suất cơm, mỗi suất trị giá 25 nghìn đồng cho người nhà và bệnh nhân nhi. Chị Phạm Lan Anh – Trưởng nhóm Chia sẻ yêu thương Hà Nội kể: “Bữa cơm từ thiện được khởi nguồn từ việc giúp đỡ các em trong độ tuổi từ 0-12 tuổi mắc các bệnh hiểm nghèo hay bị bỏ rơi. Vào bệnh viện, thấy rất nhiều em gặp hoàn cảnh khó khăn nên chúng tôi quyết định tổ chức phát cơm miễn phí cho các em vào thứ 7 hàng tuần. Buổi phát cơm đầu tiên thấy những em bé ánh mắt trong veo nhưng đầu trọc vì hóa trị, xạ trị, đi nhận cơm tay vẫn còn ống máu, những em bé khác đẩy cả cây truyền đi nhận cơm, những ông bố bà mẹ gương mặt đầy mệt mỏi vì chăm con ở viện lâu ngày, tự dưng cảm thấy nghẹn lòng quá, tối về nhìn con bỗng thấy mình quá may mắn tuy con mình có chút khiếm khuyết nhưng ơn trời con khỏe mạnh, con được vui chơi, không bị đau đớn và con sẽ sống, sẽ lớn lên và làm những điều con mong muốn. Thế nên càng thấm thía hơn nỗi buồn của những phụ huynh có con bị đau ốm”.

Chị Hoàng Thị Hoài, 30 tuổi, quê Nghệ An lấy chồng rồi theo chồng vào Quảng Bình sinh sống. Lấy nhau mấy năm chưa xây được cái nhà để che mưa che nắng, thì đứa con đầu lòng của anh chị được chẩn đoán thiếu máu ba dòng. Để chữa trị cho con, chị đưa đứa con thứ hai mới được 4 tháng tuổi về quê gửi bà ngoại, chồng chị đi làm thuê để nuôi cả nhà. Chị và con lớn cùng lên Bệnh viện Huyết học để điều trị. “Mỗi tháng, hai mẹ con phải ở bệnh viện khoảng 20 ngày, từ ngày con bị bệnh, chúng tôi đã phải vạy mượn hơn 50 triệu rồi. Nhưng bác sĩ bảo bệnh này phải điều trị lâu dài, không biết đến bao giờ thì khỏi. Chồng tôi đi làm thuê tháng chỉ được 3 – 4 triệu đồng, vừa phải chi tiêu vừa phải lo thuốc thang cho con. Mỗi ngày riêng tiền ăn cho cả hai mẹ con đã hết hơn trăm nghìn. Nhiều lúc hết sạch tiền, chỉ dám mua cho con 10 nghìn cháo, còn mình thì mua ít cơm trắng rồi về chan nước mắm ăn qua bữa. Cứ tới thứ bảy, hai mẹ con háo hức lắm, vì có bữa cơm từ thiện, có nhiều món và rất ngon”- chị Hoài chia sẻ.

Ông Hoàng Khắc Sâm, quê ở Hà Tĩnh bị bệnh ung thư đã 10 năm. Từ 2 năm nay, Bệnh viện Huyết học trở thành ngôi nhà thứ hai của ông. Thương ông bệnh tật, nhóm đã cấp phiếu ăn miễn phí thường xuyên cho ông. “Có ra vào bệnh viện nhiều, mới thấy những bữa cơm này quý như thế nào. Bệnh tật như thế này nhưng vẫn cảm thấy mình được quan tâm, giúp đỡ. Thấy xúc động và cảm ơn lắm lắm” – ông Sâm bộc bạch.

Lan toả tình thương

Từ chương trình bữa cơm miễn phí do nhóm Chia sẻ yêu thương làm đầu tiên, đến nay có rất nhiều nhóm từ thiện khác đã tham gia đóng góp các bữa ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo vào chiều thứ 7 và Chủ nhật. “Những ngày đầu nhóm mình phát cơm miễn phí, chỉ đăng trên trang web của nhóm. Qua mỗi lần đưa ảnh và thông tin lên mạng, lại có nhiều người ở khắp cả nước gửi tiền về ủng hộ, chương trình vì thế ngày càng có sức lan toả. Có những nhóm muốn tổ chức chương trình riêng của mình, cũng thông qua nhóm để xem cách thức tổ chức thực hiện như thế nào. Đến nay đã có mấy nhóm thực hiện phát cơm miễn phí ở bệnh viện rồi đấy” - chị Lan Anh chia sẻ.

Ngoài hoạt động thường niên là phát cơm miễn phí ở Bệnh viện Huyết học Trung ương, nhóm Chia sẻ yêu thương Hà Nội còn quyên góp tiền ủng hộ tiền cho những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nhưng gia đình khó khăn. Cháu Phàn Mảy Phần, dân tộc Dao bị tim bẩm sinh đã được nhóm hỗ trợ 50 triệu đồng để mua máy tạo nhịp tim. “Nhóm mình ưu tiên hỗ trợ các em nhỏ từ 0 – 12 tuổi bị bệnh hiểm nghèo hay bị bỏ rơi. Nhiều khi đến bệnh viện, thấy các em bé bỏng, ngây thơ như vậy mà đã bị bố mẹ bỏ rơi. Xúc động và thương các em lắm, chỉ mong sao các cháu có được một mái ấm đúng nghĩa. Có lần, bọn mình còn lần theo địa chỉ của người mẹ, gọi điện thoại, năn nỉ người mẹ đến đón con về, rồi hỗ trợ cho họ qua khỏi những khó khăn ban đầu”- chị Phạm Thị Cẩm Nhung, thành viên của nhóm kể.

Những chuyến đi đầy trăn trở

Quan điểm

Chị Lan Anh tâm sự
  Kết thúc chuyến đi, chúng tôi lại lên kế hoạch mới cho chuyến thiện nguyện khác. Quyên góp xây dựng khu bán trú cho các em để những đôi chân trần nhỏ bé, yếu ớt không phải hàng ngày vượt bao con suối, bao đèo dốc   đến lớp nữa”.  
Cứ trung bình mỗi tháng, nhóm đều tổ chức chương trình từ thiện mang tấm lòng của mình tới những người có hoàn cảnh khó khăn ở khắp các vùng miền Bắc. Mỗi chuyến đi là cả thời gian, công sức, đóng góp của rất nhiều người. Có những chuyến đi về chưa kịp thở đã phải bắt tay vào làm việc nhưng cả nhóm vẫn cảm thấy rất vui và tự hào. Tháng 1.2015 vừa qua, nhóm đã khởi động chương trình Xuân yêu thương, tặng quà cho các em học sinh trường tiểu học và mầm non xã Châu Quế Hạ, Văn Chấn, Yên Bái. Trường Mầm non Châu Quế Hạ nằm trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn với 5 dân tộc khác nhau. Trường được thành lập năm 2006 nhưng cơ sở vật chất rất khó khăn, các em học sinh phải học nhờ trong những nhà kho, trụ sở UBND xã ...Thời gian vừa qua, được sụ vận động và ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm nên trường đang được xây dựng để kịp khánh thành vào năm học tới, nhưng toàn bộ trang thiết bị học tập, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ bếp ... hoàn toàn không có gì.

“Chúng tôi có tới tận nơi mới thấy được ở nơi đấy cần sẻ chia như thế nào. Đường vào trung tâm xã lầy lội, xóc tung người, phải vượt qua những con suối trơn trượt đến thót tim. Vào tới nơi, mới biết ở đây chẳng có sóng điện thoại, cũng không có điện, thiếu thốn đủ đường. Thứ mà mọi người dư thừa là cái đói, cái nghèo. Các em học sinh đi chân trần, ăn mặc phong phanh run rẩy trong mùa đông lạnh giá vượt qua nhiều đèo dối, lội suối đến trường, đã làm cho chúng tôi cực kỳ xúc động” – chị Lan Anh chia sẻ.

Đoàn đã mang theo chăn, quần áo ấm, bánh kẹo, sách vở, những thứ cực kỳ thiết yếu để tặng các em. Những món quà không lớn nhưng đã sẻ chia kịp thời khó khăn của các em học sinh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem