“Nhòm” học phí khi chọn ngành

Thứ năm, ngày 10/01/2013 06:48 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nếu đề án đi vào thực tế, đồng nghĩa với việc trong tương lai, sinh viên khối ngành “hot” hiện nay sẽ phải “cõng” mức học phí cao ngất mà không có sự đầu tư của Nhà nước.
Bình luận 0

Giảm hỗ trợ ngân sách cho các ngành dư thừa nhân lực như tài chính, kinh tế, ngân hàng, tăng đầu tư cho các ngành có nhu cầu xã hội cao như kỹ thuật, nông, lâm, sư phạm… là nội dung của đề án thí điểm tự chủ học phí đang được liên Bộ GDĐT và Tài chính thực hiện.

Nếu đề án này đi vào thực tế, đồng nghĩa với việc trong tương lai, sinh viên khối ngành “hot” hiện nay sẽ phải “cõng” mức học phí cao ngất mà không có sự đầu tư của Nhà nước.

img
Thí sinh dự thi ĐH năm 2012 tại Học viện Tài chính.

“Miếng bánh” ngân sách sẽ được chia lại

Theo tính toán của Bộ GDĐT, năm 2013 “miếng bánh” ngân sách ngành giáo dục sẽ được “chia” cho các trường theo 3 nhóm: Tự đảm bảo chi phí hoạt động, tự đảm bảo một phần và do nhà nước “bao” toàn bộ.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết, Bộ đang dự thảo đề án theo hướng: Nhóm 1 gồm 7 trường ĐH thuộc khối kinh tế, tài chính phải tự đảm bảo các chi phí hoạt động thường xuyên. Nhóm 2 gồm 37 trường, trong đó các trường sư phạm được ngân sách nhà nước đảm bảo từ 60 – 70% chi phí hoạt động thường xuyên; các trường ĐH khối văn hoá, thể thao được từ 50 – 70%; ĐH khối nông - lâm - ngư từ 30 – 50% và khối công nghệ - kỹ thuật từ 20 – 40%. Nhóm còn lại gồm 7 trường thuộc khối hữu nghị, trường vùng cao và dự bị dân tộc sẽ được 100% ngân sách hỗ trợ.

PGS-TS Nguyễn Trường Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Hành chính sự nghiệp - Bộ Tài chính phân tích: “Nhóm ngành tài chính, ngân hàng số lượng đào tạo đã dư thừa. Bộ GDĐT đã chủ trương không mở thêm ngành này nhưng các trường đào tạo cũ vẫn tuyển, xu hướng xã hội chưa định hướng được vẫn ào ạt đăng ký dự thi vào. Chính vì vậy, ngoài quản lý số lượng cần “ép” tự giảm dần chỉ tiêu bằng cách tăng học phí”.

Ông Giang ví dụ, nếu như trước đây học phí khối ngành tài chính phải đóng 10, sinh viên đóng 4, Nhà nước hỗ trợ 6 thì sắp tới, sinh viên khối ngành này sẽ phải đóng toàn bộ học phí. “Điều đó đồng nghĩa với việc sinh viên học các ngành “hot” hiện nay phải chấp nhận không được “trợ giá” về học phí trong tương lai” – ông Giang nói.

Sinh viên nghèo khó học ngành “hot”

Mặc dù hiện Bộ GDĐT và Bộ Tài chính mới lên đề án thí điểm cho năm 2013 nhưng định hướng này cũng khiến nhiều trường ĐH và thí sinh “thấp thỏm” mừng – lo.

Em Nguyễn Thị Hoa - học sinh lớp 11 Trường THPT Ninh Giang, Hải Dương cho biết: “Sang năm em dự định thi vào ĐH Kinh tế Quốc dân, em rất muốn sau này ra trường có thể làm về lĩnh vực kinh doanh để giúp gia đình thoát nghèo. Nhưng nếu học phí các khối ngành kinh tế tăng cao quá thì những học sinh ở nông thôn làm sao dám học tài chính, kinh tế, ngân hàng nữa”.

Theo ông Phùng Xuân Nhạ - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, nếu đề án được thực hiện, liên bộ cần tính toán làm thế nào để kiểm soát được việc tự thu học phí của các trường không được hỗ trợ ngân sách. Vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi sinh viên theo học. Cơ quan nhà nước phải tăng cường giám sát. Đồng thời yêu cầu trường công khai tài chính một cách minh bạch để người học lựa chọn.

Cùng lo ngại vấn đề này, thầy Trần Văn Thu, Trường THPT Lục Ngạn (Lục Ngạn, Bắc Giang) cho rằng: “Sự điều chỉnh này có khả năng sẽ dẫn đến xu hướng tạo ra khối ngành dành cho người giàu và khối ngành của người nghèo. Rất nhiều học sinh nông thôn hiện nay dù không muốn nhưng vẫn thi vào sư phạm, quân đội, công an… chỉ vì đây là những ngành được miễn học phí. Vì vậy, nếu phải “cõng” học phí quá cao thì học sinh nông thôn khó tiếp cận các ngành tài chính, kinh tế trong tương lai”.

Ông Nguyễn Tấn Vui - Hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên thì cho rằng: “Việc cơ cấu lại mức học phí cho các ngành nhằm điều chỉnh chỉ tiêu, cân bằng nguồn nhân lực đào tạo là một cách làm hay nhưng khó đi vào thực tế trong một sớm một chiều. Bởi lẽ, nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của sinh viên”. Cũng theo ông Vui, hiện các trường đã tự điều chỉnh chỉ tiêu nội bộ theo định hướng chung. Cụ thể, mùa tuyển sinh năm 2013 ĐH Tây Nguyên giảm chỉ tiêu ngành kế toán, tăng chỉ tiêu các ngành kỹ thuật, nông lâm, sư phạm... “Sinh viên Tây Nguyên điều kiện kinh tế khó khăn nên những khối ngành học phí cao sẽ không tuyển sinh được” – ông Vui nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem