Nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2021 có thể lên tới 20%

28/01/2021 14:01 GMT+7
Theo nhận định từ phía Bộ Công Thương, sức mua trên thị trường sẽ tăng từ 15-20% trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Theo đó, nhằm tránh xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá trong dịp Tết Nguyên đán 2021, nguồn cung hàng hóa thiết yếu đã tăng trung bình từ 7 - 22% so với năm ngoái. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp phân phối xây dựng các chương trình khuyến mại, kế hoạch bán hàng online,…

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa. Đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động kết nối cung cầu, hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng sản xuất trong nước.

Nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán 2021 có thể tăng 15 – 20% - Ảnh 1.

Lượng hàng hóa thiết yếu đã được tăng 7 - 22% so với dịp Tết Nguyên đán năm ngoái

"Chúng tôi cũng đã tổ chức các đoàn kiểm tra các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng hay là các tỉnh vùng sâu, vùng xa khó khăn để biết được công tác triển khai hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán. Qua nắm bắt, chúng tôi nhận thấy, tình hình chuẩn bị hàng hóa cho Tết Tân Sửu rất tốt", bà Nga khẳng định.

Đối với thịt lợn, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với Sở NN&PTNT, các đơn vị chức năng theo dõi sát tình hình sản xuất. Qua đó, chủ động bảo đảm nguồn cung, ổn định thị trường, chủ động có phương án nhập khẩu nếu cần.

Liên quan tới công tác chuẩn bị hàng hóa dịp Tết Nguyên đán, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường và nâng cao chất lượng xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát. Cụ thể, nhiệm vụ đặt ra là kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 dưới 2,5% để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Về phía Bộ Công Thương phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu linh hoạt, bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo nguyên tắc thị trường.

Bên cạnh đó, bám sát diễn biến giá thành phẩm xăng dầu thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Thanh Phong
Cùng chuyên mục