Nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu trong những tháng cuối năm

02/09/2020 10:17 GMT+7
Nhu cầu tín dụng tiếp tục suy yếu do nền kinh tế phải đối mặt với sự quay trở lại của dịch Covid-19; các ngân hàng có thể không hạ tiêu chí cấp tín dụng.

Trung tâm Chứng khoán SSI - SSI Research vừa có báo cáo đánh giá triển vọng về ngành ngân hàng trong nửa cuối năm. Báo cáo nhận định, tăng trưởng tín dụng chậm lại trong nửa cuối năm và thanh khoản tiếp tục dồi dào.

Theo Trung tâm Chứng khoán SSI - SSI Research, tính đến cuối tháng 7 vừa qua, tổng tín dụng tăng 3,7%, so với mức 3,65% trong 6 tháng đầu năm và bằng một nửa cùng kỳ năm trước. Đơn vị này ước tính, tăng trưởng tín dụng năm 2020 sẽ trong khoảng 7,5- 8,5%, thấp hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng ban đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là 11-14%.

Trong thời điểm những tháng cuối năm, nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu do nền kinh tế cả nước đang phải đối mặt với dịch Covid-19 quay trở lại lần 2 trong khi các ngân hàng có thể sẽ không hạ tiêu chí cấp tín dụng. Cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng, mảng bán lẻ sẽ không mạnh như trước.

Nhu cầu tín dụng có thể tiếp tục suy yếu trong những tháng cuối năm - Ảnh 1.

. (Ảnh minh họa: KT)

Cũng theo SSI Research, tăng trưởng huy động tiếp tục mạnh, tạo thanh khoản dồi dào cho ngành ngân hàng nửa cuối năm nay.

Đến cuối tháng 7 vừa qua, các ngân hàng niêm yết đã giảm lãi suất huy động 90-210 điểm cơ bản. Mức giảm lớn nhất thuộc về lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đã được thực hiện từ tháng 6 và tháng 7.

SSI Research ước tính, lãi suất huy động tiếp tục giảm trong 5 tháng qua khoảng 50 điểm cơ bản đối với kỳ hạn trên 6 tháng và 70 điểm cơ bản đối với kỳ hạn dưới 6 tháng. Động thái này là do nhu cầu tín dụng yếu, cũng như quyết định gần đây của NHNN về việc nới rộng thời gian áp dụng mức trần 40% về tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung và dài hạn thêm một năm nữa đến hết ngày 30/9/2021.

SSI Research cũng nhận định, nợ xấu và nợ vay tái cơ cấu sẽ tăng nhanh vào cuối năm. Khi đại dịch kéo dài, số lượng khách hàng gặp khó khăn về dòng tiền sẽ tiếp tục tăng lên, các ngân hàng sẽ phải đưa các khoản vay vào danh sách tái cơ cấu, hoặc phân loại lại thành nợ xấu. Do đó, thu nhập lãi mất đi liên quan đến nợ tái cơ cấu và nợ xấu có thể ở mức đáng kể hơn. 

Thủy Chung/VOV.VN
Cùng chuyên mục