Những chuyến đi khơi thông thị trường nông sản Việt

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 22/01/2023 06:16 AM (GMT+7)
Năm 2022 đánh dấu những kết quả vượt bậc trong việc mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản Việt, giúp xuất khẩu nông lâm thủy sản xác lập kỷ lục mới: 53,22 tỷ USD.
Bình luận 0

Ngay trong và sau chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, những tin vui cho nông sản Việt liên tiếp được báo về khi Nghị định thư về xuất khẩu chuối, và sau đó là khoai lang, tổ yến đã chính thức được ký kết giữa Việt Nam và Trung Quốc. 

Trước đó, trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, trái bưởi cũng đã tìm thấy cơ hội thâm nhập thị trường khó tính này.

Khai mở thị trường xuất khẩu nông sản

Ngày 31/10, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, dưới sự chứng kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và PTNT nước CHXHCN Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc.

Những chuyến đi khơi thông thị trường nông sản Việt - Ảnh 1.

Xe vận chuyển lô bưởi Việt Nam đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Ảnh: T.V

Sau đó, tiếp nối những thành quả trong đàm phán, ngày 09/11/2022, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc có Công điện số TCOCD1904 gửi Bộ Nông nghiệp và PTNT thông báo Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến, khoai lang từ Việt Nam sang Trung Quốc. Và khi Bộ Nông nghiệp và PTNT nhận được 2 Nghị định thư này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT ký vào là hoàn tất quá trình xuất khẩu tổ yến, khoai lang sang Trung Quốc.

Trước đó, trong chuyến công du tới Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồi tháng 5/2022, việc đàm phán mở cửa xuất khẩu nông sản cũng được đề cập. 

Được tham gia chuyến đi này, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu cho biết, bà được tham dự buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan với Tập đoàn Walmart để kết nối nông nghiệp Việt Nam với chuỗi đại siêu thị toàn cầu này. 

Tại buổi làm việc đó, đại diện Tập đoàn Walmart nói họ muốn mua xoài Việt Nam, sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, và nhiều sản phẩm trái cây khác ít nhiều đã gây được tiếng vang ở thị trường Mỹ nhưng số lượng có thể đi vào các chuỗi hệ thống bán lẻ như Walmart, Costco Wholesale... lại chưa nhiều. 

Và cuối tháng 12/2022, những container bưởi da xanh đầu tiên của Bến Tre đã được xuất khẩu sang Mỹ, kết thúc hành trình 6 năm đàm phán bền bỉ. 

"Lô bưởi đầu tiên của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã được nhà nhập khẩu phân phối đến các điểm bán lẻ với chất lượng được người tiêu dùng đánh giá cao. Ghi nhận từ các siêu thị, cửa hàng trái cây tại nhiều bang khác nhau của Mỹ thì giá bán lẻ ghi nhận ở mức từ 6,99 - 9,99 USD/Ib (khoảng 15-22 USD/kg), tương đương 375.000 - 535.000 đồng/kg" – CEO Chánh Thu thông tin.

Những chuyến đi khơi thông thị trường nông sản Việt - Ảnh 2.

Dây chuyền đóng gói bưởi xuất khẩu sang Mỹ của Công ty CP Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu. Ảnh: T.V

Xuất khẩu nông sản thiết lập những kỷ lục mới

Có thể thấy, năm 2022, dù được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do thị trường biến động, xung đột Nga – Ukraine nhưng xuất khẩu nông lâm thủy sản tiếp tục lập được những kỳ tích mới với kim ngạch xuất khẩu đạt 53,22 tỷ USD; vượt mục tiêu Chính phủ đề ra. 

Xuất khẩu gạo lần đầu tiên cán mốc 7 triệu tấn; xuất khẩu thủy sản cũng lập kỷ lục về kim ngạch xuất khẩu dự kiến 11 tỷ USD sau 20 năm mở cửa thị trường quốc tế; kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 4,3 tỷ USD; cá tra đạt 2,4 tỷ USD, tăng trưởng kỷ lục 80% và cá ngừ chạm mốc 1 tỷ USD. 

Cũng chưa có năm nào việc mở cửa thị trường cho nông sản lại thành công đến thế: Trung Quốc liên tiếp ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch cho chanh leo, sầu riêng, sau đó là chuối, khoai lang, tổ yến; Nhật Bản chính thức nhập khẩu nhãn, mắc ca của Việt Nam; bưởi da xanh bay sang Mỹ,…

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đó là thành quả rất đáng tự hào. Tự hào không chỉ nằm ở con số mà còn là sự đánh giá cao, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của xã hội về vai trò, vị thế của ngành nông nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh biến động phức tạp. Hay nói cách khác, nó làm sâu sắc hơn vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp.

Những chuyến đi khơi thông thị trường nông sản Việt - Ảnh 3.

Công nhân chăm sóc chuối ở Công ty CP Thực phẩm Đồng Giao. Ảnh: N.C

"Vai trò kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng và thể hiện rất rõ trong năm 2022. Với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Chính phủ, chúng ta đã mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn là chúng ta chứng minh được một điều nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất. Đó là những tín hiệu cho thấy, Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp hay tư duy phát triển nông nghiệp sang một tư duy mới, mô hình mới thích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, giá trị của sự liên kết giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, giữa Nhà nước và doanh nghiệp nông nghiệp với bà con nông dân, hợp tác xãlà những giá trị bao trùm trong năm 2022. 

Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân; thấy được mỗi loại thị trường có yêu cầu khác nhau, chúng ta không thể "mặc đồng phục", không thể đồng nhất tất cả các sản phẩm mà phải tạo ra nhiều phân khúc thị trường.

Trước những dự báo khó khăn của năm 2023 khi lạm phát toàn cầu bắt đầu thẩm thấu, lan tỏa đến các quốc gia có độ trễ lớn hơn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng: "Khi thế giới thay đổi thì chúng ta cần phải có chiến lược để chủ động thích ứng. Tuy nhiên, những khó khăn này không lớn bằng các quy chuẩn thị trường ngày càng khắt khe hơn. Tôi muốn nói rằng đó là sức ép phải thay đổi. Nhưng trước sức ép thay đổi đó, nếu chủ động thay đổi sẽ đỡ rủi ro hơn và biết đâu lại là cơ hội để xây dựng hình ảnh một nền nông nghiệp trách nhiệm, bền vững. Như Thủ tướng Chính phủ đã nói, người ta bắt mình thay đổi và những thay đổi này không phải cho người ta, mà cho chính bản thân mình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Đối với thị trường Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT khuyến cáo: "Thị trường Trung Quốc đã rất "khó tính". Họ khó tính vì thành phần trung lưu của Trung Quốc rất lớn với 500 triệu người, yêu cầu chất lượng hàng hóa họ áp dụng với tất cả các nước chứ không riêng gì Việt Nam. Hàng rào kỹ thuật họ tạo nên là để bảo vệ sức khỏe người dân của họ và đây chính là cơ hội để chúng ta thay đổi, tìm kiếm thị trường ở phẩm cấp cao hơn. Có thể ban đầu có khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ tốt hơn, khi xuất khẩu chính ngạch có sự hỗ trợ của Nhà nước hai bên, của các cơ quan chức năng hai nước thì những rủi ro trước đây sẽ không còn nữa".




Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem