10-11 tuổi đã làm mẹ…
Đã 17 giờ chiều mà Thị L (SN 2004, thôn Sông Cạn Trung, xã Cam Thịnh Tây, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa) vẫn đang đi bắt ốc chưa về. Chồng của em là Mang C (SN 1999) cười cười khoe: “Vợ cháu bầu 2 tháng rồi”. Hạn hán kéo dài, ngô trên rẫy chết khô nên Mang C đi nhặt phân bò, còn vợ đi bắt ốc kiếm sống. Mang C kể, tháng 8.2014, mới thương nhau 1 tháng em đã được nhà L tổ chức lễ “bắt” về làm chồng L. Tính ra, ngày nên vợ nên chồng, Thị L chỉ mới 10 tuổi, còn chồng 15 tuổi. Hai đứa sống chung với nhà vợ, kiếm được gì ăn nấy.
Thị Muối (trái) lấy chồng từ khi 15 tuổi, giờ đã có 2 con. Ảnh: M.K
Sau đó vài tháng, cách nhà Thị L vài căn, đám cưới của Thị Kh (SN 2006) và Mang L (SN 2004) được gia đình tổ chức đàng hoàng. Lúc đó Thị Kh chỉ mới 8 tuổi, còn chồng 10 tuổi. Đây là cô dâu nhỏ tuổi nhất ở làng. Bị chính quyền nhắc nhở, vợ chồng trẻ nít này được gia đình đưa lên rẫy (cách nhà gần chục cây số) để xây tổ ấm. Khi chúng tôi tìm đến nhà, trời đã tắt nắng từ lâu mà người nhà cho biết Thị Kh vẫn đi rẫy chưa về.
Chị Cao Thị Kim Dung – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn cho biết, nhà Thị Kh có tới 8 anh chị em, rất khó khăn. Vợ chồng Kh sống nhờ mảnh rẫy nhỏ xíu, khô cằn, nên chỉ còn nước chờ gạo cứu đói. “Nhìn cháu nó nhỏ xíu xiu mà mang cái bầu 5 tháng, trong nhà gần như chẳng còn gì để ăn, thấy cán bộ đến nhà là lánh mặt, cám cảnh lắm mà không biết làm sao” – chị Dung nói.
Ở một thôn khác của xã Cam Thịnh Tây, trong căn nhà nhỏ xíu, nóng ran, trống hoác, bà mẹ trẻ Mấu Thị Kim P (14 tuổi, thôn Thịnh Sơn) đang nuôi đứa con nhỏ chưa tròn tuổi. P lấy chồng từ năm 13 tuổi, lúc đang học dở lớp 8, vì “ưng cái bụng” nên nghỉ học lấy chồng.
Lập đội chống tảo hôn
Ông Nguyễn Hữu Tọa - Bí thư xã Cam Thịnh Tây cho biết, tình hình tảo hôn xảy ra lâu đời và gần như ăn sâu vào đời sống xã hội người Raglay rất khó chống lại. Sau khi xảy ra chuyện của các cặp vợ chồng quá nhỏ tuổi kể trên, Đảng ủy đã tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng tuyên truyền chống tảo hôn cho tất cả đảng viên, cán bộ thôn và tổ chức đoàn thể trong xã. Sau đó, phân công cho mỗi lãnh đạo xã phụ trách một thôn, bám sát diễn biến của tình trạng này tại địa bàn được giao. Cùng với đó, xã giao cho chi bộ các thôn, hễ thấy ai manh nha chuẩn bị cưới hỏi cho con là phải có phương án vận động, tuyên truyền, ngăn chặn…
Để răn đe, xã mời những gia đình tảo hôn lên trụ sở để vừa tuyên truyền vừa xử phạt vi phạm hành chính; đồng thời khuyên răn các cặp vợ chồng tảo hôn phải sử dụng các biện pháp tránh thai để không sinh con sớm. “Lúc đầu dân họ phản đối kinh lắm, họ nói con mình nuôi lớn thì mình lấy vợ lấy chồng cho nó chứ nhà nước có nuôi đâu mà cấm... Mình phải nhấn mạnh cho họ rõ rằng, kết hôn sớm, sinh con sớm sẽ ảnh hưởng đến giống nòi, họ mới nghe” – ông Tọa nói.
Còn chị Thị Chính – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho hay: “Hễ nghi cặp thiếu niên nào đó yêu nhau là cả đoàn đầy đủ hệ thống chính trị của xã từ 8 – 10 người đến nhà cha mẹ họ chuyện trò, vận động ngay. Đoàn kiên trì thuyết phục cho đến khi họ hứa chưa cho tụi nhỏ lấy nhau mới yên tâm”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nạn tảo hôn tại đây vẫn âm thầm tồn tại. Theo phản ảnh của các cán bộ phụ nữ, để tránh bị chính quyền “vận động”, nhiều gia đình lặng lẽ làm đám cưới trong nội tộc để lũ trẻ nên vợ chồng. “Chúng tôi đành phải chuyển hướng sang vận động các cặp vợ chồng trẻ nít này hoãn có con cho đến khi đủ lớn. Nhưng khó khăn lắm vì bây giờ biện pháp tránh thai nào cũng phải trả bằng tiền, mà chúng lấy đâu ra tiền…” – chị Dung nói.
Xã Cam Thịnh Tây có hơn 5.600 dân, trong đó 98,9% là người đồng bào Raglai, đời sống người dân rất khó khăn và vẫn còn giữ nhiều hủ tục khó thay đổi, nhất là nạn tảo hôn. Theo thống kê của UBND xã, chỉ trong 2 năm 2013 và 2014 toàn xã có 47 trường hợp tảo hôn đều là người dân tộc Raglai ở độ tuổi thiếu niên, trong đó có 3 cặp còn rất nhỏ tuổi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.