Những con số “đẹp”

Thứ sáu, ngày 31/05/2013 13:15 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sáng qua, trong phiên thảo luận về thực trạng kinh tế, xã hội ít nhất có tới gần 10 đại biểu Quốc hội đã thẳng thắn, khi đề nghị Chính phủ cần phải thay đổi tư duy khi làm các báo cáo.
Bình luận 0

Những đề nghị đó nhằm tránh tình trạng cứ báo cáo của Chính phủ thì lạc quan, tô hồng bởi các số liệu thống kê đều “đẹp”, trong khi thực tế được các đại biểu dẫn chứng tại hội trường lại hoàn toàn trái ngược.

Có đại biểu băn khoăn: “Chúng tôi không biết tin vào đâu”. Thậm chí, đại biểu của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thốt lên: “ Người dân cần được biết chuyện gì đang thực sự xảy ra trên đất nước mình”, “con số như được cài đặt!”. Với trách nhiệm của cơ quan ban hành các số liệu vô cùng quan trọng của nền kinh tế, phần giải trình của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức công nhận có sự “vênh” giữa số liệu báo cáo và tình hình thực tế. Rằng, tính chính xác của các số liệu thống kê mới chỉ coi là tạm chấp nhận được.

Sự công nhận có “sai lệch” giữa báo cáo và thực tế của Bộ trưởng Bùi Quang Vinh có thể coi chưa tới mức “bùng nổ” về thông tin nhưng rõ ràng cho thấy thực trạng nền kinh tế đúng như những gì chúng ta cảm nhận chứ không phải đang yên bình” như báo cáo. Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Khi số liệu ban đầu (số liệu sơ cấp) đã sai, dẫn tới số liệu thứ cấp (tổng hợp từ số liệu sơ cấp) cũng sai theo.

Số liệu thống kê sai không chỉ làm mất lòng tin trong dân, mà chính những thông tin không chuẩn xác đã làm cơ quan điều hành không đưa ra được giải pháp đúng đắn. “Trong thực tế 15 chỉ tiêu trong báo cáo của Chính phủ thì Tổng cục Thống kê chỉ đưa ra 8 chỉ tiêu, số còn lại là của các địa phương. Mà phương pháp của Tổng cục còn theo quốc tế, chứ cơ sở thì đôi khi theo cảm tính, nên nhiều chỉ tiêu có độ chính xác rất hạn chế.

Hai năm gần đây, Tổng cục Thống kê đã cố gắng thu hẹp dần khoảng cách sai lệch này, nhưng cũng phải dần dần vì nếu làm ngay hậu quả rất lớn vì sẽ làm thay đổi con số, dẫn đến phải thay đổi chính sách và gây xáo trộn nền kinh tế. “Dự kiến năm 2015 mới áp dụng các bộ chỉ tiêu đánh giá tiêu chuẩn “tạm ổn”, hy vọng đến 2016 sẽ tốt hơn”- Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết. “Chính phủ không tô hồng báo cáo” - đó là lời khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ cuối tuần trước. Nhưng, chắc chắn những số liệu được sử dụng trong báo cáo ấy, nếu không phải để “tô hồng” thì cũng đang “đẹp” hơn thực tế rất nhiều.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem