Những hội quán trăm tuổi của người Hoa ở Sài Gòn

Thúy Liên Chủ nhật, ngày 16/02/2025 08:26 AM (GMT+7)
Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Nghĩa An, Hội quán Nhị Phủ, Hội quán Ôn Lăng, Hội quán Quỳnh Phủ là 5 địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở TP.HCM. Không chỉ cộng đồng người Hoa mà dân địa phương và khách thập phương đều thich đến đây thăm viếng, chiêm bái đầu năm.
Bình luận 0

Quận 5, TP.HCM là nơi tập trung nhiều hội quán hàng trăm năm tuổi của người Hoa, thu hút đông đảo người dân đến tham quan, dâng lễ trong tháng Giêng.

Hội quán người Hoa ở Sài Gòn: Hội quán Tuệ Thành

Hội quán Tuệ Thành, còn gọi là Chùa Bà Thiên Hậu, một trong những ngôi chùa cổ nhất trong số những ngôi chùa của người Hoa tại TP.HCM.

Những Hội quán trăm tuổi của người Hoa tại Chợ Lớn - Ảnh 1.

Hội quán Tuệ Thành với nét đẹp cổ kính luôn được nhiều khách trong và ngoài nước đến thăm viếng. Ảnh: Xuân Huy

Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII bởi một nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu) di dân sang Việt Nam, Hội quán là nơi thờ cúng Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Tương truyền, bà Thiên Hậu có khả năng thấy trước tương lai, cứu những người đi biển. Vì vậy, trên chuyến hải hành đến Việt Nam, nhóm người Hoa đã mang theo bài vị của bà để được phù hộ bình an.

Tồn tại hơn 2 thế kỷ, Hội quán Tuệ Thành đã trải qua rất nhiều cuộc trùng tu nhưng vẫn giữ được nét đẹp của một công trình kiến trúc cổ. Một nét đặc sắc của chùa Bà Thiên Hậu là các phù điêu bằng gốm được trang trí dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường… Dù trăm năm mưa nắng nhưng các phù điêu này vẫn giữ gần như nguyên vẹn đường nét và màu sắc.

Nơi đây không chỉ là địa điểm tâm linh ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tín ngưỡng, văn hoá của người Hoa mà còn là nơi thu hút đông đảo người dân địa phương và khách thập phương tới thăm viếng vào các dịp lễ Tết, ngày rằm.

Địa chỉ: 710 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Hội quán người Hoa ở Sài Gòn: Hội quán Nghĩa An

Hội quán Nghĩa An, còn gọi là Chùa Ông hay Miếu Quan Đế. Tồn tại qua 2 thế kỷ, Hội quán trải qua 5 lần trùng tu để có được tổng thể kiến trúc đồ sộ và nhiều màu sắc như ngày nay.

Những Hội quán trăm tuổi của người Hoa tại Chợ Lớn - Ảnh 2.

Rằm tháng Giêng, hàng nghìn người dân đến dâng lễ, nhận lộc tại Hội quán Nghĩa An. Ảnh: Thúy Liên

Được xây dựng khoảng đầu thế kỷ XIX bởi người Triều Châu và Hẹ, Hội quán là nơi thờ cúng Quan Thánh Đế Công. Hằng năm, Hội quán có 2 ngày lễ trọng đại là Nguyên Tiêu vào Rằm tháng Giêng và ngày vía Quan Công (24/6 âm lịch), thu hút đông đảo du khách.

Dịp rằm tháng Giêng, hàng nghìn người Hoa và du khách đến viếng chùa để cầu bình an, may mắn trong năm mới. Tại chùa còn diễn ra tục vay – trả lộc. Tục vay lộc này đã có khoảng trăm năm nay. Người dân có thể đến chùa Ông thỉnh lộc, nếu thỉnh thì không cần trả lễ. Nhưng nếu vậy, thì đúng thời điểm này năm sau phải đến trả gấp đôi.

Tương truyền rằng Quan Công là vị thần bảo trợ, phù hộ cho việc làm ăn, buôn bán của người dân. Người Hoa tin rằng nếu được ông cho vay tiền thì việc làm ăn sẽ phát đạt, suôn sẻ. Mỗi năm, hàng nghìn người dân, không riêng gì người Hoa đều đổ về chùa Ông vay lộc.

Địa chỉ: 678 Nguyễn Trãi, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Hội quán người Hoa nổi tiếng tại TP.HCM: Hội quán Nhị Phủ

Hội quán Nhị Phủ, còn gọi là Chùa Ông Bổn hay Miếu Nhị Phủ. Được xây dựng khoảng cuối thế kỷ XVII bởi nhóm người Hoa ở 2 phủ Tuyền Châu và Chương Châu (tỉnh Phúc Kiến) xây dựng, Hội quán là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở TP.HCM.

Những Hội quán trăm tuổi của người Hoa tại Chợ Lớn - Ảnh 3.

Hội quán Nhị Phủ là một trong những ngôi chùa cổ xưa nhất ở TP.HCM. Ảnh: Quận 5 xin chào

Vị thần thờ chính ở Hội quán là Ông Bổn tức Phúc Đức Chính Thần – vị thần bảo hộ đất đai và con người theo tín ngưỡng của người Hoa.

Nét nổi bật trong kiến trúc của Hội quán Nhị Phù là mái nhà cong hình thuyền, có trang trí phù điêu rồng, cá chép được ghép lại bằng những mảnh sứ rất công phu.

Hằng năm, Hội quán Nhị Phủ tổ chức nhiều ngày cúng tế, thu hút đông đảo người dân quan tâm. Hai ngày lễ tế chính là ngày sinh và ngày mất của Ông Bổn vào Rằm tháng Giêng và Rằm tháng Tám. Vào những ngày này, Hội quán diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc như múa Lân Sư Rồng, biểu diễn nhạc cổ Phước Kiến.

Địa chỉ: 246 Hải Thượng Lãn Ông, phường 14, quận 5, TP.HCM.

Hội quán người Hoa nổi tiếng tại TP.HCM: Hội Quán Ôn Lăng

Hội quán Ôn Lăng, còn gọi là Chùa Ôn Lăng, Chùa Quan Âm hay Chùa Ông Lào.

Những Hội quán trăm tuổi của người Hoa tại Chợ Lớn - Ảnh 4.

Đầu năm, người dân thường đến Hội quán Ôn Lăng để cầu may mắn, bình an, sức khỏe cho gia đình. Ảnh: Quận 5 xin chào

Hội quán được xây dựng trên khuôn viên khoảng 1.800m2, do nhóm người Phúc Kiến di cư đến Việt Nam lập nên vào năm 1740. Từ đó đến nay, Hội quán đã được trùng tu và sửa chữa tổng cộng 6 lần. Mái được lợp ngói ống, chân mái viền bằng ngói thanh lưu ly mang đậm nét kiến trúc Trung Hoa.

Thiên Hậu Thánh Mẫu được thờ chính. Sau này, người gốc Hoa ở đây thờ thêm Quan Thế Âm Bồ Tát để cầu buôn may bán đắt, bình an cho gia đình. Hội quán là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP.HCM, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng cảnh chùa, cúng bái.

Hội quán Ôn Lăng nổi tiếng với tục "đánh kẻ tiểu nhân" để cầu may, diễn ra trước bàn thờ Ông Hổ, thường tổ chức vào ngày Kinh trập.

Địa chỉ: 12 Lão Tử, phường 11, quận 5, TP.HCM

Hội quán người Hoa nổi tiếng tại TP.HCM: Hội quán Quỳnh Phủ

Hội quán Quỳnh Phủ còn gọi là Chùa Bà Hải Nam được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII, do người Hải Nam, Trung Quốc di dân đến Việt Nam lập nên.

Những Hội quán trăm tuổi của người Hoa tại Chợ Lớn - Ảnh 5.

Hội quán Nhị Phủ là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại TP.HCM. Ảnh: Quận 5 xin chào

Với gần 200 năm tuổi, Hội quán mang kiến trúc nghệ thuật văn hóa dân gian của người Hoa gốc Hải Nam, các hiện vật trong chùa hầu như được bảo tồn nguyên vẹn.

Chùa thờ Thánh Mẫu Thiên Hậu, Thủy Vỹ Thánh nương, Ý Mỹ nương nương và các vị thần khác. Hằng năm, Hội quán tổ chức các ngày cúng tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, làm ăn thuận lợi vào dịp Tết Nguyên Tiêu, ngày vía Bà Thiên Hậu, vía Bà Thủy Vỹ Thánh nương. Theo phong tục, lễ vật dâng cúng chính là thịt dê.

Hội quán là một trong những địa điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách đến dâng lễ, xin lộc đầu năm.

Địa chỉ: 276 Trần Hưng Đạo, phường 11, quận 5, TP.HCM.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem