Những kỷ niệm đáng nhớ với nguyên Tổng biên tập Lê Hồng Châu

Ngô Văn Tước Thứ bảy, ngày 31/07/2021 07:00 AM (GMT+7)
Vào một buổi sáng đẹp trời đầu xuân Quý Hợi 1983, tôi - một người lính hải quân từ chiến trường K - theo tàu về đảo Phú Quốc nhận Quyết định xuất ngũ, khoác balo định trở về quê hương Quảng Trị sau nhiều năm tham gia trên chiến trường đất bạn.
Bình luận 0
Vài kỷ niệm đáng nhớ với Nguyên Tổng biên tập Lê Hồng Châu - Ảnh 1.

Nguyên Tổng biên tập báo Nông thôn Ngày nay - nhà báo Lê Hồng Châu.

Khi tàu cập bến Rạch Giá (Kiên Giang), lên bờ tôi vội ghé vào một quán nước gần đấy uống nhanh một cốc cafe rồi định bụng đi tiếp, thì bất chợt gặp một người đàn ông trạc tuổi đang ngồi cạnh (sau này tôi mới biết anh là Trần Hồng Phúc phóng viên của báo Kiên Giang) ôm một chồng báo Tết chuẩn bị xuống tàu đi Phú Quốc.

Tôi vội bắt tay làm quen và được anh Phúc giới thiệu, hiện báo Kiên Giang đang cần một phóng viên viết về đề tài quân đội, nếu tôi biết viết lách thì đến gặp ông Lê Hồng Châu (hay gọi thân mật là Tư Châu) Tổng biên tập bày tỏ nguyện vọng được nhận vào công tác tại báo xem sao. Tôi mừng thầm vì cũng đang lo lắng, không biết sau khi trở về địa phương mình sẽ làm gì sau những năm tháng tại ngũ thì đây có thể là một cơ hội tốt để mình có việc làm.

Gần trưa ngày hôm đấy, tôi đã không ngần ngại bước vào trụ sở cơ quan báo Kiên Giang, gõ cửa phòng Tổng biên tập Lê Hồng Châu, rất may ông đang có ở đấy. Thấy tôi bước vào, ông hỏi:

- Chú gặp ai?

- Dạ cháu muốn gặp Tổng biên tập.

- Thì tôi đây – Chú có gì muốn nói?

- Dạ cháu muốn được vào cơ quan chú làm phóng viên viết về mảng quân đội, nếu được chú thu nhận?

Ông đồng ý và hỏi tôi về quá trình viết lách và đã có tác phẩm báo chí nào đăng ở các báo chưa? Tôi đáp lại “Dạ có” và đưa cho ông một xấp bài cắt sẵn đã được đăng trên các báo Quân đội nhân dân và Hải quân nhân dân. Ông cười, một nụ cười thật hiền và cầm lấy các bài báo của tôi, rồi rót trà mời tôi uống và nói: 

- Để chú đọc, hẹn cháu 10h sáng ba ngày sau gặp lại cũng tại căn phòng này.

Đúng hẹn, ba ngày sau tôi gặp lại ông. Với dáng người khỏe mạnh, dong dỏng cao, ông ngồi đợi sẵn trong phòng, khi tôi bước vào chưa kịp chào hỏi thì ông đã chỉ vào ghế và nói cháu ngồi xuống đây. Chú đồng ý nhận cháu vào làm phóng viên, trước mắt là viết về mảng người lính, còn sau này viết về lĩnh vực gì nữa thì chú sẽ tính sau.

Nói rồi, ông cho gọi Trưởng phòng trị sự của báo lên và nói: Đồng chí này là bộ đội hải quân đã xuất ngũ, có khả năng viết lách, lý lịch tốt, Ban Biên tập nhận vào làm phóng viên, anh làm Quyết định tiếp nhận để tôi ký ngay bây giờ. 

Và sau đó, khoảng gần 30 phút chờ tôi đã nhận được Quyết định tiếp nhận vào làm việc tại báo từ tay Trưởng phòng trị sự do ông ký mà không hề phiền phức hay nhiêu khê. Vì ông là người trọng tình nghĩa, quý người làm được việc, như tính cách hiền lành, chân chất và quả cảm của ông.

Những kỷ niệm đáng nhớ với cố Tổng biên tập Lê Hồng Châu - Ảnh 2.

Nhà báo Lê Hồng Châu trong một Đại hội Chi bộ tại địa phương năm 2020. (Ảnh: Gia đình cung cấp)

Trong thời gian làm phóng viên của ông, tôi luôn được ông quý trọng và tin cậy nên đã được ông và Ban biên tập báo lúc bấy giờ phân công phụ trách Phòng phóng viên của báo.

Có một lần, họp Ban biên tập mở rộng tôi được ngồi dự. Tại đây, ông đã trực tiếp phân công tôi đi viết bài báo tết năm 1986, tại một vùng xa của tỉnh, bài nộp ngay ngày hôm sau. Tôi phản ứng, ngày mai tôi phải ngồi thi tốt nghiệp lớp học Trung cấp lý luận chính trị do tỉnh mở cả ngày nên không thể thực hiện được bài viết ông phân công. Ông không đồng ý, chỉ nói rằng bằng cách nào thì tùy, trong ngày hôm sau tôi phải có bài nộp, nếu không sẽ bị phê bình.

Không kìm nén được cảm xúc, ngay sau đó tôi đã đem Quyết định bổ nhiệm phụ trách Phòng phóng viên trả lại cho ông tại cuộc họp trước sự chứng kiến của nhiều người. Ông lặng người không nói một lời, rồi đứng dậy tuyên bố kết thúc cuộc họp. 

Tối hôm đó tôi được biết, ông giận lắm khi nói với người khác rằng sẽ cho tôi nghỉ việc hoặc cho chuyển công tác, vì đã làm mất uy tín Ban biên tập. Nhưng rồi, khi bình tĩnh lại ông đã dần nguôi ngoai và thôi ý định...

Bẵng đi một thời gian, ông gọi tôi vào phòng làm việc và nói chuyện. Ông tâm sự: Việc mấy tháng trước cháu trả Quyết định phụ trách phòng là bậy lắm. Có thể lúc đó cháu suy nghĩ chưa kỷ, tính tình lại quá thẳng (tôi là người miền Trung, vợ chú cũng là người Quảng Nam - NV). Sau này, nếu có việc gì xảy đến với mình dù lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp cháu cũng nên bình tĩnh để suy xét, tìm cách xử lý, nếu không mưu sự khó thành...

Tôi cảm ơn và ghi tâm khắc cốt lời khuyên của ông và thêm yêu mến, cảm phục ông hơn. Vì thế, năm 1987, tờ báo gặp sự cố khiến tôi và ông đều gặp nạn. Nhưng cuối cùng sự việc được làm sáng tỏ, ông và tôi được minh oan nhờ sự can thiệp của Hội nhà báo Việt Nam và các đồng nghiệp báo bạn.

Sau sự cố này, ông chuyển công tác về Trung ương Hội nông dân Việt Nam, được phân công làm quyền Tổng biên tập sau đó là Tổng biên tập báo Nông dân Việt Nam (nay là Báo Nông Thôn Ngày Nay). Và tôi một lần nữa được ông yêu quý và tin cậy, gọi về đầu quân cho Báo Nông Thôn Ngày Nay cho đến ngày nghỉ chế độ...

Sáng qua, 30/7, bất chợt nghe tin sau cơn bạo bệnh kéo dài ông đã ra đi, tôi bàng hoàng và đau xót không xiết. Thế là tôi đã mất đi một người thân, một người từng là Thủ trưởng tại hai cơ quan báo chí mà tôi công tác, một người luôn tận tâm tận lực dẫn dắt tôi trong nghề từ ngày đầu để tôi được trưởng thành như ngày hôm nay. 

Với lòng thành của mình, tôi xin thắp một nén hương kính cẩn tiễn biệt ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem