Những mảnh địa đàng của Thủ đô

Nhà văn Nguyễn Trương Quý Thứ hai, ngày 04/02/2019 06:30 AM (GMT+7)
Tôi hay nghe nhạc xưa để hình dung ra không gian Hà Nội thời trước. Có một đặc điểm là rất nhiều bài hát dành câu chữ để tả cảnh thiên nhiên, và nhiều lần nhắc tới hiên nhà, vườn cây, khóm hoa… - những đặc điểm tiết lộ không gian sống của người xưa gắn với thiên nhiên.
Bình luận 0

Bài hát đầu tiên làm tôi nhận ra tác giả ở trong một ngôi nhà có vườn là Giọt mưa thu. Ngay câu mở đầu đã rõ: Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi… Nhạc bài hát này đã được dùng trong cảnh mở đầu phim Kiếp hoa - bộ phim đình đám năm 1953 của hãng Kim Chung, đã khiến dân Hà Nội ngày ấy say mê hai nữ diễn viên Kim Chung và Kim Xuân, có lẽ ngoài việc là bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên thì còn chiếu nhiều cảnh Hà Nội thời ấy. Những ngôi biệt thự có hàng rào xinh xắn hai bên đường phố, và những khu vườn nho nhỏ. Cảnh Kim Xuân đứng ở hiên nhìn ra khu vườn trong đêm mưa, rất Hà Nội. Đặng Thế Phong trước khi viết Giọt mưa thu, đã có ca khúc đầu tiên là Đêm thu viết cho hội trại của học sinh Hà Nội năm 1939, bối cảnh trung tâm là một khu vườn dưới trăng thu: Vườn khuya trăng rải, hoa đứng im như mắt buồn/Lòng ta xao xuyến, lắng nghe lời hoa…

img

Cuộc sống giữa mảng xanh ở biệt thự cổ 115 Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).  ảnh: THành Nam

Các bài hát tiền chiến đến giờ vẫn quyến rũ được người nghe nhờ sự giao hòa đã trở nên có phần huyền ảo hương xa (exotic), như nỗi tiếc nhớ những khu vườn địa đàng đã mất. Một Hà Nội từng chỉ gồm những khu nhà nhỏ bé không quá 3 tầng, ở vùng ngoại ô là những làng xóm đồng ruộng, những trại Hàng Hoa, những Thái Hà ấp… Khái niệm một thành phố cơ giới và vươn theo chiều cao khi được thiết lập đã vô tình xóa đi cái sắc thái thành phố vườn ấy. Cho đến thời những năm 1970, vườn trong phố vẫn là một mỹ cảm nhận diện hình ảnh Hà Nội: Trong thành phố có một vườn cây mát/Trong triệu người có em của ta/Buổi trưa nắng bầy ong đi kiếm mật/Vào vườn rồi ong chẳng nhớ lối ra (Vườn trong phố - Lưu Quang Vũ).

Một cuốn tiểu thuyết giai đoạn tiền Đổi Mới là Mùa lá rụng trong vườn của Ma Văn Kháng viết về một gia đình trí thức ở Hà Nội mà những xung đột, rạn nứt trong quan hệ bộc lộ bên trong cái vỏ bình yên của một ngôi nhà trong khu vườn xinh đẹp. Cuốn tiểu thuyết gây ồn ào Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà viết vào đầu những năm 1990 có một chi tiết về không gian sống của nhân vật chính: anh ta phá rào cơi nới một cái phòng ngủ lấn ra vườn của khu nhà dòng bên cạnh.

***

Vũ trung tùy bút của Phạm Đình Hổ còn ghi lại đôi nét về những đêm hội Long Trì với vườn quỳnh trong phủ chúa thời Lê -Trịnh, hay một vài mẩu chuyện về Thăng Long thời Lê mạt: ... Buổi ấy bao nhiêu những loài trân cầm dị thú, cổ mộc quái thạch, chậu hoa cây cảnh ở chốn dân gian, Chúa đều sức thu lấy, không thiếu một thứ gì.

Phạm Đình Hổ cũng cho biết các nhà giàu Thăng Long thời cuối thế kỷ 18 cũng đã có truyền thống chơi cây cảnh, làm hòn non bộ trong những khoảnh sân trong: “Nhà ta ở phường Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, trước nhà tiền đường có trồng một cây lê, cao vài mươi trượng, lúc nở hoa, trắng xóa thơm lừng; trước nhà trung đường cũng trồng hai cây lựu trắng, lựu đỏ, lúc ra quả trông rất đẹp”.

img

Một góc “địa đàng” tại khu biệt thự cổ giữa trung tâm Hà Nội. ảnh: TRỌNG HIẾU

Vườn của nhà các bậc trí giả Thăng Long - Hà Nội cuối Lê đầu Nguyễn trở thành nơi an trú của sĩ phu Bắc Hà trước thời cuộc rối ren. Họ gửi gắm nỗi lòng vào những dáng hình Lã Vọng câu cá, Trúc Lâm thất hiền trên những hòn non bộ, vui thú với những cây cỏ vườn nhà. Hình tượng người trí thức ẩn dật gắn với khu vườn gần như được kết đọng trong nhiều tác phẩm trong tập Vang bóng một thời và nhiều tùy bút khác của Nguyễn Tuân.

Một khu vườn mở mà người thời nay còn có thể thấy thấp thoáng bóng dáng những nét xưa tiêu dao ở Hà Nội chính là Hồ Gươm. Hồ Gươm với cấu trúc đảo Ngọc Sơn nơi có ngôi  đền cùng tên, cầu Thê Húc, Tháp Bút án ngữ đằng trước, các ngôi đền chùa nhỏ rải rác xung quanh như đền Bà Kiệu, chùa Báo Ân, rồi đời sau có thêm Tháp Rùa, nhà Thủy Tạ hô ứng phong cách kiến trúc Á Đông trong một mặt hồ có hình thuôn dài đủ rộng, cây cối đa dạng bao quanh, rõ ràng mang  sắc thái vườn cảnh quy mô lớn.

***

Nếu như các khu phố Pháp vẫn còn rải rác những biệt thự có vườn cây xanh, hoặc khá nhất là phố Phan Đình 

Trong những bài ca Hà Nội, thiên nhiên thường đóng vai trò quan trọng: các nhạc sĩ hay nói đến hoa sữa, hoa hoàng lan, hoa phượng, cây bàng, cây cơm nguội, cây sấu… Chúng dường như khiến họ viết thuận tay hơn. Kể từ mảnh vườn sáng trăng trong Đêm thu năm 1939, đến nay có hàng trăm bài hát về Hà Nội có cây có hoa trong đó.

Phùng còn nguyên một dãy, thì phố cổ ngày nay lại vắng bóng vườn. Chỉ còn duy nhất một ngôi nhà có vườn ở 115 Hàng Bạc với kiến trúc mang phong cách Pháp-Á do kiến trúc sư Phạm Hoàng thiết kế năm 1944. Ngôi nhà chính có lối kiến trúc hai tầng với mái ngói có đầu đao gợi lại hình ảnh các đình chùa miền Bắc, các hệ thống lan can và cửa sổ hoa gió trang trí theo những môtip hoa sen và các con linh thú cổ truyền. Ngôi nhà còn một khu vườn với hòn non bộ, hàng cau và những hàng cột có giàn dây leo, gợi lại một quá khứ phong lưu của gia đình người chủ hiệu vàng nay vẫn còn thế hệ các con sống trên tầng 2 tòa nhà.

Mảnh vườn nhỏ bé lọt thỏm giữa những công trình kề cận cơi nới, gợi đôi chút lao xao của gió trên những tán cây, một chút yên ắng cách biệt với phố xá ồn ào ngoài kia. Nó vẫn thể hiện một vũ trụ quan của người Việt với chuối sau cau trước - hàng cau trước hiên nhà như một bức phên thưa, với bể cảnh non bộ làm nơi tụ thủy trước tiền đường, với những góc vườn quanh nhà tạo ra những luồng khí chuyển động làm ngôi nhà thông thoáng và mát mẻ. Những không gian chuyển tiếp như hàng hiên, ban công hay bậc thềm, gắn với mảnh vườn, gợi nhớ những ngôi nhà nông thôn ba gian hai chái, nơi con người lắng nghe và ngắm nhìn sự vận động của thiên nhiên quanh mình, và thấy mình như một phần tử của vũ trụ đang chuyển động đó. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem