Những món quà lận trong tay áo

Minh Yến Thứ tư, ngày 26/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Tôi giống bà từ cái dáng người nhỏ thó, khuôn mặt xương xương, cái dáng ngồi chân cụp chân xòe, đặc biệt là cái chân luôn đi và cái miệng luôn nói.
Bình luận 0

Kính bà của con, tháng Bảy!

Rất nhiều năm sau ngày bà mất, mỗi lần về quê (làng Bích Nham, xã Văn Đức, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), tôi vẫn hóng tìm những chiếc áo nồng mùi trầu không và bùn đất với cái ống tay lò xo quăn tít của bà. Mẹ và các cô tôi hay phàn nàn, mua biết bao nhiêu là quần áo mới mà bà tôi chẳng mặc, lúc nào cũng chỉ thích mấy cái áo nâu nhạt sờn và cái quần đen lò xo quăn tít ấy.

Kể chuyện làng: Những món quà lận trong tay áo - Ảnh 1.

Khi học đại học, nhiều lần, vì muốn "ép" bà mặc áo mới, tôi đã nói dối rằng "Con cần mấy bộ quần áo cũ để tập và biểu diễn văn nghệ ở trường" hoặc "Trường con đang có đợt quyên góp quần áo cũ", bà mới đồng ý cho đi vài bộ quần áo ấy, không quên nhét thêm 1 chiếc áo cánh mới tinh cho tôi, bảo: "Con cầm thêm lên mà mặc!".

Bà bảo thế, vì tôi giống bà tôi nhất nhà và cũng chỉ có tôi mặc vừa quần áo của bà, cũng hay mặc quần áo của bà nhất!

Tôi giống bà từ cái dáng người nhỏ thó, khuôn mặt xương xương, cái dáng ngồi chân cụp chân xòe, đặc biệt là cái chân luôn đi và cái miệng luôn nói. Cho đến khi bà ốm phải nằm một chỗ, tôi chưa thấy khi nào bà tôi ngừng đi khắp làng. Ông tôi hay nói đùa bảo, ngày nào bà không "đi buôn" thì ngày đó sẽ buồn lắm đấy!

Nhưng tôi luôn thích những chuyến "đi buôn" của bà tôi.

Kể chuyện làng: Những món quà lận trong tay áo - Ảnh 2.

Bởi lúc nào bà về, mấy chị em chúng tôi cũng có quà. Khi thì quả ủi ương (quê tôi gọi "ổi" là "ủi", gọi "trứng" là "trấng"…), trái thị vàng tròn căng thơm nức bà xin ở nhà nào đó; lúc là mấy quả vải xanh rụng sớm, bà lấy trên vườn; có khi là đôi cái kẹo sữa dừa vỏ giấy xanh xanh của nhà trong làng có cỗ; có khi là cả quả bưởi non bé bằng nắm tay, rụng xuống ao nhà ai, bà lấy sào khều về cho chị em tôi chơi chuyền… Mọi thứ bà để trong hai cái túi áo cánh cũ của bà. Ngày xưa có lúc, tôi đã nghĩ cái túi đó thật vô biên, vì tôi thấy nó đựng tất cả những gì mà tôi thích.

Như bao người phụ nữ làng tôi ngày ấy, bà tôi quanh năm cấy gặt. Bà tôi ray ráy người nhưng nhanh và khỏe khoắn. Đến mùa, cấy gặt xong của nhà, giúp hết các cô, chú tôi, bà lại đi hộ người làng. Bà bảo, ở làng này là thế, cấy gặt đổi giúp cho nhau vì quanh quẩn cả làng đều là họ hàng con cháu, đi đâu mà thiệt! Với lại hình như không lao động, bà tôi không chịu nổi! Cả năm có 365 ngày, chắc có mấy ngày Tết bận rộn con cháu tụ họp về là tôi không thấy bà ra đồng hay lên vườn chăm đỗ, chăm lạc. Còn lại, lúc nào tôi cũng thấy chân bà dấp dính bùn, hay cái áo găm đầy cỏ may của núi.

Ngoài những chuyến "đi buôn", bà ra đồng về, chúng tôi có quà còn thú vị hơn! Có buổi là đùm lá chuối đầy tép, mấy con cá xí cờ, cá rô ron và lẫn đôi ba con trạch. Bữa ấy, ông cháu tôi có bát canh chua lá quỳ ngon phải biết. Còn mấy anh em tôi thì khỏi nói, mỗi đứa 1 cái lọ thủy tinh với chú cá bảy màu, đuôi xẻ đẹp đẽ. Tôi không theo các anh chọi cá xí cờ, nhưng cũng luôn được dành cho 1 con, chỉ để ngắm nó bơi mà thôi!

Kể chuyện làng: Những món quà lận trong tay áo - Ảnh 3.

Có ngày mưa lạnh rây rây, bà tôi từ đồng về là tất tả ra thẳng bờ giếng. Quần xắn cao đến ngang đùi, hai tay túm ống quần đi khòng khòng trong gió, trông bà lại càng nhỏ. Rồi bà tôi lận trong ống quần ra cơ man nào là ốc đá, ốc nhồi. Bà bỏ hết vào cái cối đá, cho tý nước rồi vẩy ít muối trắng vào. Xong đâu đó, hớn hở xỏa cái chân khẳng khiu lấm đầy bùn. Tối đó lạnh, mấy ông cháu tôi có nồi ốc lá chanh khều gai bưởi thơm lừng xem Bông hoa nhỏ.

Có khi ra đồng về, bà xách cái lạt xuyên xâu đôi con cá chòi (cá chuối con) ngang to cỡ đôi ngón tay, lúc lỉu. Bà bảo thấy có rạch ven mương, nên bà chặn mò được. Ông tôi làm sạch, khứa mấy khứa chéo, xoa qua ít muối rồi nướng. Tôi có "bữa chiều" ngọt lừ, thơm phức.

Ở nhà với ông bà, tôi thích nhất là mùa gặt. Bà tôi đi suốt. Đi từ lúc nhà đầu tiên trong làng gặt cho đến khi nhà cuối cùng gác liềm. Những ngày ấy, bà tôi đeo thêm 2 cái ống tay nữa (tôi vẫn gọi thế vì không biết nó là cái gì) dài từ nách đến cổ tay. Khi về, cái ống đó cùng ống quần cũng được lận lên cao, căng mọng. Bà tôi lận ra cơ man nào là muỗm, những con muỗm béo mầm, có cái răng sắc nhọn. Bà đặt nồi cơm, vùi muỗm vào mớ rạ đang cháy đượm dưới bếp, chỉ chừng đôi ba phút lấy cái que cời, cời nhanh ra, thổi phù phù cho hết than bụi rồi đưa cho mấy anh em chúng tôi đang hau háu ngồi chờ. Không chỉ là ngày bé, mà cho đến tận bây giờ, tôi chưa thấy món ăn nào ngon hơn món muỗm nướng ngày mùa ấy của bà tôi.

Lớn dần, tôi lên tỉnh, rồi lên Hà Nội học xa nhà, ít có dịp về quê. Mỗi lần về, bà vẫn chỉ tôi vào cái nóc tủ gạo trong nhà, bảo để dành cho tôi ở trong đó. Có lúc tôi đã nhăn mặt, khi nhìn thấy những quả ổi đã héo queo, hay vài cái kẹo đã chảy nước, mấy cái trấng gà bà để đã lỏng cả lòng…

Kể chuyện làng: Những món quà lận trong tay áo - Ảnh 4.

Tôi hay nói đùa, nhà ông bà nội tôi là "bách hóa" của hàng hết hạn. Bánh kẹo, đường sữa, hoa trái… cứ chất đầy trong tủ. Hỏi thì ông bà bảo những cái này ông bà không thích ăn. Nhưng tôi biết, đều là bà tôi để dành cho cái Yến, thằng Hiếu, cái Trang, thằng Thiện, thằng Tuyền, thằng Nam…  hay đôi ba đứa cháu ở xa ít về.

Khi còn nhỏ, tôi cứ băn khoăn, sao người lớn lại cứ không thích những thứ mà trẻ con chúng tôi thích đến thế? Sao ông bà tôi chỉ thích ăn lá rau quỳ chua gắt trong bát canh đầy cá ngọt? Sao bố tôi chỉ thích ăn chân gà, sao mẹ tôi chỉ thích ăn cánh gà, mà phải là cái cánh bé ít thịt nhất? Sao các cô, các thím tôi chỉ thích những quả vải kẹ xanh chua loét giữa chùm vải chín mọng nhà mình?...

Lớn lên, làm mẹ rồi, tôi mới hiểu. Giống như bà tôi, mỗi người lớn trong nhà tôi, ở làng tôi,  sẽ đều có những ống tay áo quăn tít lò xo của riêng mình. Cái ống tay áo nhỏ bé lận cả thế giới tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ con. Cái ống tay áo lận cả một đời nhọc nhằn mà ăm ắp thương yêu của những bà, những mẹ! Lận cả cái dáng hình thân thương, chẳng thể nào không nhớ, cứ tất tả như trong câu hát văn, các bá, các cô đã dạy tôi:

           "Mẹ ta không có yếm đào

Nón mê thay nón quai thao đội đầu.

              Rối ren tay bí, tay bầu.

 Váy nhuộm bùn, áo nhuộm nâu bốn mùa.

              Cái cò sung chát, đào chua…"

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem