Những mùa xuân lo âu và sợ hãi

Miên Ngọc Chủ nhật, ngày 17/01/2021 08:00 AM (GMT+7)
Có những mùa xuân đầy lo âu sợ hãi: đó là thời khắc xuân về trong tiếng súng thời chiến tranh.
Bình luận 0

Nhớ một thời, cây xanh bị chất độc hóa học khai quang làm trơ cành trụi lá. Nhưng chỉ vài tuần cuối tháng chạp, hai bên ngưng bắn là chồi nụ bắt đầu hé, lá bắt đầu xanh, để con người nhìn vườn tược mà có chút hy vọng mong manh. Được mấy bữa Tết ngưng chiến, bà con chưa kịp hỏi han nhau thì lại nghe tiếng súng nổ, nghe tin chỗ này, chỗ kia người chết, người bị thương... Những vẻ mặt buồn thảm, những cái chép miệng, những ánh mắt đầy lo lắng, không biết rồi ngày mai sẽ ra sao.

Những mùa xuân lo lâu và sợ hãi - Ảnh 1.

Một chiều Xuân năm 1968 (Mậu Thân), ở vùng quê làng Cẩm Toại, Quảng Nam nay thuộc huyện Hòa Vang thành phố Đà Nẵng, hương xuân dường như còn phảng phất. Trong không gian thoang thoảng mùi thơm của hoa mai, hoa vạn thọ, mùi bánh tét, bánh tổ, bánh khô mè,... Nhưng chiều hôm đó có gì khác khác. Bà con trong xóm tụ tập ở quán tạp hóa của mẹ tôi, họ thì thầm bàn tán gì đó với nhau. Họ nói nhỏ  nên bọn con nít chúng tôi không nghe được gì. Nhưng nhìn vẻ mặt nghiêm trang và ánh mắt đầy lo lắng của các bác chúng tôi cũng đoán già, đoán non chắc có gì đó không ổn. 

Chiều chiều lại thấy mấy chú du kích (đang hoạt động bí mật) cải trang thành cặp vợ chồng đi với nhau ở đoạn đường cái trước nhà tôi ( giờ là đường 14 B): Chồng mặc áo dài đen, khăn đóng, chống dù đen, chú giả gái đóng vai vợ thì vận bộ đồ bà ba, quần sa tanh đen áo màu xác pháo, đi guốc mộc, tay bưng cái rổ đậy ngọn lá chuối bước đi bên "chồng" giống như cô dâu mới về nhà chồng vậy. Bọn con nít thấy ngộ quá cười như được mùa. Nhưng mẹ tôi thoạt thấy vậy, mẹ tái mặt vẻ hốt hoảng. Tôi không biết vì sao. Sau này tôi mới hiểu như vậy là tình hình không yên, là sắp có đánh nhau. Vì mỗi sáng vẫn có xe quân đội Mỹ chở quân đi rà mìn đoạn đường trước nhà. Tối tối thì các chú du kích lại đến quán mẹ tôi mua nhiều hàng hóa, có khi nhờ bà con mua giùm nữa. Như vậy bảo mọi người không lo sao được.

Vài hôm sau, trong lúc ăn cơm, mẹ nói với ba tôi: Bà con hôm bữa bàn tán và lo lắng có lẽ đúng ông ơi. Tình hình sắp rộn thiệt rồi. Hay ra Tết mình tản cư xuống Hòa Phát chỗ chú Xã đang ở được không? Ba tôi suy nghĩ giây lát rồi ngập ngừng, tình hình ni tản cư cũng đúng, thấy hai bên đánh nhau miết, dân ở giữa đạn bom chiụ sao nổi. Nhưng ngặt mấy đứa đang học chưa nghỉ hè, chuyển trường phức tạp lắm, điểm số.

Những mùa xuân lo lâu và sợ hãi - Ảnh 2.

Vẫn còn tháng giêng, trời trong veo, gió nồm từ cánh đồng đưa lên mát rượi. Nhưng không khí chiến tranh chừng như đang nóng. Buổi sáng chị em tôi vẫn đến trường đi học. Chiều có khi bế em đi chơi ở bờ cỏ ven đường, thẩn thờ nhìn những cánh cò chậm rãi tìm mồi mà thương, nghĩ không biết bao giờ cho no được! Thật, do hoàn cảnh đã làm mất đi sự hồn nhiên của trẻ. Đâu còn nhìn thấy vẻ đẹp trắng muốt thơ mộng của cánh cò trên cánh đồng làng! Ban đêm đại bác vẫn nổ cầm chừng quanh các xóm. Phần lớn trẻ con ngủ trong hầm, người lớn nghe ngóng nếu có tiếng nổ gần thì mới vào hầm để núp, vì hầm chật không đủ chỗ để ngủ. Thỉnh thoảng, đêm về khuya mà nghe tiếng chó sủa là liền có một loạt súng bắn về phía đó. Nên lúc nào thấy cũng nơm nớp lo âu.

Một đêm đang ngủ, bỗng ai cũng giật mình vì tiếng đạn xé không trung nghe vèo vèo, xè... xè... rồi chạm đất nổ chát chúa rất gần. Nghe tiếng mẹ kêu thất thanh: Các con ơi dậy, dậy,... không ngủ nữa, canh nông nổ gần lắm! Rồi mẹ vào hầm núp với mấy chị em tôi. Ba tôi cũng kêu mấy người bà con tản cư ở nhờ vào núp ở hầm nhà trên. Hết loạt đầu, đạn nổ chớp sáng rồi tắt phụt, nhìn ra miệng hầm một màn đêm bao trùm đen kịt. Vài phút yên ắng dị thường, hồi hộp dồn nén. Ba tôi bảo, có lẽ hết rồi! Bỗng dưng, một đường đạn réo ngang đầu và trong tích tắc nghe tiếng nổ lớn... Ầm, chảng, chảng! Ôi nó dội tức ngực qúa! Và một tiếng sầm rất dữ dội, căn hầm đúc bê tông rung lên, thật hồn xiêu phách lạc! Gì như có đất đá rơi theo... 

Sau vài giây, tỉnh cơn kinh hoàng, mọi người nháo nhác, trong tiếng khóc thét của con nít vì giật mình sợ hãi! Nghe tiếng ba tôi hỏi to, gấp gáp: Có ai hề gì không? Và ba gọi mẹ: Mình ơi, mình xem các con thế nào? Ở hầm nhà dưới mẹ đang ôm mấy chị em tôi run bần bật, mẹ bật dậy: Mình ơi la làng lên đi, chứ không hắn cân lên nữa chắc chết quá! Không thì thắp đuốc lên để chạy ra đồn (đồn Mỹ đóng ở xóm ngoài cách nhà tôi chừng 400m). Ba tôi với ánh mắt đầy suy tính bảo: Giờ đang đêm tối đi nguy hiểm lắm! Thôi cứ ở yên trong hầm. 

Thật đúng là sự sống chất chứa nhiều khổ đau nhưng sự sống cũng đem đến bao phép mầu cho con người. Trái đạn canh nông đã nổ ngay đầu nhà trên, chỗ ông ngoại chú nằm ngủ. Cái giường đã gãy đôi, bay hai thanh dọc chỉ còn hai đầu. Mọi người đều được an toàn vì tất cả đã vào hầm núp đạn kịp thời. Từ nửa đêm, sau trái nổ, chắc người lớn thức chờ trời sáng. Còn trẻ con chúng tôi, thức dậy lúc trời đã sáng, một cảnh tượng kinh hoàng bày ra trước mắt! Nhờ nhà kiên cố, có côt bằng gỗ chắc chắn nên mái ngói vẫn còn, nhưng mấy bức tường bị sập cả và ngã nhào bay ra ngoài sân cùng với mái hiên đúc. Hàng hóa đổ ra ngổn ngang hư hại tan nát hết. Nào là gạo nếp, dầu mắm, bia nước ngọt, rươu, thuốc lá, vải vóc, vở học sinh,... tất cả thành một đống, đồ nhẹ thì bay ra tận vườn, xé rách bươm! Cảnh tượng đó đã ám ảnh tôi một đời. 

Người lớn sau một đêm không ngủ và lo sợ, mặt ai cũng hốc hác xanh xám. Mẹ tôi nước mắt ngắn dài, mặt tái nhợt vẻ thất thần. Bà con tới thăm ai cũng an ủi, động viên ba mẹ và dọn dẹp giùm. Các bác nói, thôi coi như "của đi thay người'' chú ơi, thím ơi! Chứ nói dại... và không ai dám nói hết câu.  

Những mùa xuân lo lâu và sợ hãi - Ảnh 3.

Mẹ tôi ngồi thẩn thờ, mẹ đang mang thai, chừng tháng sau là ở cữ. Mẹ lo lắng nhiều, nên nói với ba muốn dọn đồ tản cư về Đà Nẵng ngay. Ba tôi an ủi bà: Mình bớt lo, giờ trời sáng, ban ngày rồi chắc yên, không có nổ súng đâu, để từ từ rồi tính. Ông bà nội tôi hay tin, từ nhà ở vườn trong, ông bà ra thăm xem sao khi nghe người ta báo: Nhà con trai ông bà bị canh nông nổ trúng sập tan hoang. Ông bà đi xiêu vẹo, bà nội tới ngõ, nhìn cảnh nhà, bà mếu miệng khóc, lấy tay chùi nước mắt, mấy chị em tôi cũng khóc theo. Ai nhìn cảnh ấy cũng nát lòng! Ba tôi ôm bà, rơm rớm nước mắt nói: Thôi mợ, người không hề gì cũng may lắm rồi! Lát sau bình tĩnh ông bà cũng nói: Thôi để mẹ bọn trẻ xuống thành phố mà chờ ngày sinh nở cho yên, còn nhà cửa tính sau. Bà ngoại nghe vậy cũng góp lời: Anh chị nói phải, ở đây tôi cũng lo quá!

Thế là ngay chiều hôm đó, mẹ tôi gói ghém ít áo quần và các đồ dùng cần thiết dẫn ba đứa em nhỏ rời nhà đi tản cư. Ba ở lại dọn dẹp, vài ngày sau ba tôi cũng đi xuống với mẹ để đỡ đần lúc mẹ tôi sinh em bé và tìm công việc làm nuôi bầy con dại nơi đất khách. Tôi và em gái kế ở lại với ông bà nội và bà ngoại tiếp tục đi học cho hết niên khóa và đi sau (từ đó xóm tôi buổi tối phải qua xóm ngoài ngủ nhờ cho an toàn).

Và năm đó tôi 13 tuổi! Nhớ lời hát: "Em ước mơ mơ gì tuổi mười ba mười bốn... em ước làm tiên nữ...". Ôi nghe mộng mơ quá! Lúc đó nếu được một điều ước, tôi sẽ ước sao đừng có súng đạn, đừng bắn nhau nữa, quá khủng khiếp và đau thương! Mong đêm được bình yên với giấc ngủ tròn.

Giờ viết những dòng này, nhìn những đứa cháu cũng trạc tuổi mình hồi ấy, các cháu ngây thơ quá, chỉ tội giờ phải đi học nhiều, tuổi thơ cũng kém vui. Trong chiến tranh con người già dặn hơn, nhiều suy tư hơn, trẻ con cũng vậy, vì thường xuyên đối mặt với đạn bom chết chóc! Ôi thương quá một thời tuổi thơ đầy khói súng.

Báo điện tử Dân Việt mở chuyên mục "Kể chuyện làng" từ 4/3/2020. Chuyên mục dành cho tất cả các tác giả chuyên và không chuyên có tình yêu với làng quê và muốn chia sẻ câu chuyện thật của mình với bạn đọc.

Bài viết phải chưa được đăng tải trên bất kì phương tiện thông tin đại chúng hoặc ấn phẩm nào. Các tác giả vui lòng ghi rõ họ tên, bút danh (nếu có), địa chỉ liên hệ, email, số điện thoại, số tài khoản nhận nhuận bút.

Các bài viết hay nhất, chất lượng nhất sẽ được lựa chọn để trao giải thưởng 2 tháng/lần.

Bài viết cộng tác với chuyên mục "Kể chuyện làng" xin gửi về email: kechuyenlang@gmail.com; ĐT liên hệ: 0903226305.

Rất mong được sự hợp tác, cộng tác của quý bạn đọc, của tác giả!

                                                                                           

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem