“Những mũi tên xé trời” của phòng không Nga

Thứ bảy, ngày 07/12/2013 08:43 AM (GMT+7)
Trong những ngày qua, không quân Mỹ khoe khoang về những máy bay siêu thanh đạt tốc độ cao gấp 6 lần vận tốc âm thanh. Và giờ là lúc người Nga đưa ra phản ứng của họ bằng cách lên phương án phát triển những vũ khí phòng không tối tân nhất.
Bình luận 0
Người Mỹ tự tin máy bay của họ sẽ là những vật thể không thể bị đánh chặn trên không vì chúng rất nhanh thì người Nga trả lời tên lửa của họ có thể vươn rất xa và bắn nổ mọi mục tiêu trên bầu trời. Câu chuyện về mâu và thuẫn giữa Nga và Mỹ sẽ khó có hồi kết.

Phát triển tổ hợp S-400
img

Cuối tháng 11 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết ba trung đoàn mới được trang bị hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf sẽ chính thức đưa vào phục vụ trong lực lượng vũ trang Nga vào năm tới. "Hai trung đoàn S-400 đã được trao cho quân đội Nga trong năm nay. Ba trung đoàn mới nên được đưa vào phục vụ trong năm 2014”, ông Putin phát biểu tại một cuộc họp về sự phát triển của hệ thống phòng thủ hàng không vũ trụ ở khu nghỉ mát biển Đen Sochi.

Hiện nay, Nga có năm trung đoàn S -400, hai trong số đó được triển khai xung quanh Moscow và phần còn lại được phân bổ tại Primorye vùng viễn đông, vùng đất ngoại vi Kaliningrad và ở khu vực phía nam lãnh thổ, Hãng thông tấn RIA Novosti cho biết. Trung đoàn thứ sáu sẽ tham gia gần Moscow vào cuối năm 2013, và Nga có kế hoạch triển khai 28 trung đoàn S-400 vào năm 2020, theo Bộ Quốc phòng.

Rõ ràng hệ thống tên lửa S-400 của Nga phải có những bước tiến nhảy vọt mới khiến người Nga cảm thấy tự tin để triển khai hệ thống phòng ngự trên không của họ một cách rầm rộ như vậy. Điều này rất dễ hiểu nếu nghe những gì mà ông Tổng giám đốc Tập đoàn Vladislav Menshchikov cho biết hôm 20/11/2013. Theo vị tổng giám đốc, các chuyên gia của Tập đoàn Almaz-Antei (Nga) sắp hoàn tất phát triển tên lửa tầm siêu xa dành cho hệ thống tên lửa phòng không S-400. Sau hơn 20 năm nghiên cứu và phát triển, người Nga có thể hùng hồn tuyên bố họ đã tạo ra được những tên lửa tốt nhất của thế hệ S-400.
 Tên lửa S-400
Tên lửa S-400

Ngay từ đầu 1990, việc nghiên cứu S-400 đã được khởi dộng. Đúng 9 năm sau, tháng 1/1999, lực lượng phòng không Nga chính thức công bố hệ thống này. Cuối năm đó, kết quả của các cuộc thử nghiệm ban đầu cho thấy tên lửa đã rất thành công trong hoạt động. Năm 2001, Nga bắt đầu lên kế hoạch trang bị S-400 cho quân đội Nga. Hai năm sau, Nga tuyên bố chưa sẵn sàng trang bị hệ thống này. Các quan chức cấp cao trong quân đội Nga lo ngại rằng hệ thống S-400 vẫn còn nhiều khiếm khuyết do còn sử dụng hệ thống điện tử đánh chặn "lỗi thời" từ S-300P và họ phải mất hơn một năm để hoàn chỉnh những lỗ hổng để thử nghiệm tên lửa đầu tiên của thế hệ S-400, đó là tên lửa đánh chặn 48N6DM tầm bắn 250km.

Còn giờ, những tên lửa mới nhất của thế hệ S-400 đã phát triển rất xa. Trong mấy năm qua, Nga liên tục thử nghiệm và phát triển 3 loại tên lửa mới là 9M96E, 9M96E2 và tên lửa tầm siêu xa 40N6E thuộc thế hệ S-400. Báo chí Nga cho biết tên lửa 40N6E dùng để tiêu diệt các mục tiêu khó khăn và giá trị nhất, trong đó có các máy bay báo động sớm ở tầm đến 400km. Độ cao tối đa mà những tên lửa đời mới này có thể vươn tới là 30 cây số còn tốc độ thì nó nhanh gấp 12 lần tốc độ âm thanh. Những thông số này cho thấy tên lửa S-400 thế hệ mới có khả năng bắn hạ bất kỳ máy bay nào.

Ngoài ra, nhờ hệ thống radar tối tân, hệ thống tên lửa phòng không hiện đại trên thế giới về khả năng phát hiện mục tiêu ở khoảng cách tối đa 600km, gấp 6 lần hệ thống Patriot (Mỹ). Uy lực của nó còn ấn tượng hơn. Cùng một lúc, S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu, bắn hạ đồng thời 32 mục tiêu và dẫn đường cho 72 tên lửa. Một ưu điểm khác của S-400 đó là có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Có như vậy, Nga mới phát triển rầm rộ các trung đoàn tên lửa S-400 của mình theo tốc độ chóng mặt như vậy.

Và sau đó là S-500

Tuy nhiên, Nga không chỉ hài lòng với hệ thống tên lửa S-400 mà họ còn muốn phát triển tiếp tên lửa phòng không thế hệ mới S-500. Hệ thống tên lửa phòng không mới S-500 sẽ được Tập đoàn phòng không Almaz-Antei chế tạo dựa trên hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf đang được đưa vào trang bị, đó là khẳng định của cựu Tư lệnh Không quân Nga - đại tướng Anatoly Kornukov - trên truyền thông Nga.

Thật ra việc phát triển S-500 đã được lên kế hoạch từ trước. Cách đây 4 năm, Tư lệnh Không quân Nga - thượng tướng Aleksandr Zelin - tuyên bố rằng, S-500 là “hệ thống mới về chất, không phải là sự phát triển của S-400” và hệ thống tên lửa phòng không tương lai sẽ xuất hiện trong thời gian sắp tới. Sau đó, Tổng giám đốc Tập đoàn phòng không Almaz-Antei - Igor Ashurbeily - cho hay việc nghiên cứu chế tạo S-500 sẽ hoàn thành vào năm 2015 và hệ thống sẽ sử dụng đài radar mạng pha chủ động băng X tối tân nhất. Đến trước thời điểm 2015, Nga dự định xây dựng 2 nhà máy mới để chế tạo tên lửa và các khí tài phòng không mặt đất.

Có thể coi kế hoạch mà Nga tính toán đang đi đúng lộ trình. Tổng giám đốc Viện Thiết kế Almaz-Antei - ông Vitaly Neskorodov - nói rằng S-500 sẽ bắt đầu được cung cấp cho quân đội Nga vào năm 2017-2018. Việc phát triển hệ thống sẽ hoàn thành vào năm 2015, sau đó S-500 sẽ được thử nghiệm trong quân đội. Còn Tư lệnh Không quân Nga Viktor Bondarev cũng khẳng định S-500 sẽ được trang bị chậm nhất vào năm 2018. Tất nhiên, những trung đoàn tên lửa đóng quanh thủ đô Moscow sẽ được ưu tiên trang bị S-500.

S-500 khác gì với S-400? Theo ông Kornukov, S-500 sẽ khác với S-400 ở chỗ kích thước (nhỏ hơn), mức tiêu hao năng lượng và “từ góc độ thiết bị bên trong”. Ông cũng phân tích thêm: “S-400 đã là hệ thống khá cồng kềnh, quá đắt và tiêu hao nhiều năng lượng, mặc dù xét về các tham số, nó là hệ thống tương đối hiệu quả”.

Các thông số kỹ thuật của S-500 cũng ấn tượng hơn S-400 rất nhiều. S-500 vì nhỏ gọn nên cũng cơ động hơn các hệ thống S-400. S-500 sẽ có radar mạnh hơn, có khả năng phát hiện mục tiêu ở cự ly đến 800-900km, có thể đồng thời tiêu diệt đến 10 mục tiêu đường đạn, trong đó có cả các đầu đạn của tên lửa hành trình siêu vượt âm. Tốc độ mục tiêu bị đánh chặn có thể lên tới 7.000m/s.

Vấn đề khiến nhiều người quan tâm là tại sao Nga đã có hệ thống S-400 và xây dựng một lực lượng dày đặc các trung đoàn cho đến 2020 mà giờ họ vẫn đổ tiền của để thử nghiệm, phát triển và sử dụng hệ thống S-500. Đây là một toan tính mang tầm nhìn chiến lược của giới quân sự Nga. S-500 không chỉ thuần túy mang ý nghĩa phòng không mà là một bước đệm để Nga tiến tới làm chủ công nghệ phòng không vũ trụ và họ cần tập trung nghiên cứu các hệ thống nhỏ hơn, đơn giản hơn nhưng hiện đại và chính xác hơn.

Nếu chỉ sử dụng S-400, Nga không gặp vấn đề gì vì hệ thống này đảm bảo có ích trong việc phòng không trong khoảng vài ba chục năm nữa. Nhưng nếu muốn tính toán cho sau 50 năm thì ngay từ lúc này, người Nga cần phải phát triển một hệ thống siêu tối ưu, tối ưu hơn tất cả những gì tối ưu mà họ đạt được trước đó.
Anh Tú (Thế giới & Hội nhập) (Anh Tú (Thế giới & Hội nhập))
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem