Chúng tôi về Bưng Chông (xã Tài Văn, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) để tìm hiểu về đoàn nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông. Trong căn nhà tuềnh toàng của đoàn nghệ thuật gia đình này, những trang phục sân khấu, những chiếc mặt nạ quý giá nằm chất đống trong thùng, phủ bụi.
|
Chị Lâm Thị Hương (trái) và bạn diễn. |
Những người nhiệt huyết hiếm hoi
Bà Trần Thị Yên (75 tuổi) cho biết: "Đoàn nghệ thuật Rôbăm Bưng Chông được thành lập cách đây hơn 100 năm, từ đời ông ngoại tôi là Trà Suôl, đến đời cha tôi là Trần Dúa, sau đó đến chồng tôi là nghệ nhân Lâm Ven (Hên)". Sau khi ông Lâm Ven mất (năm 2003), việc quản lý đoàn giao lại cho con gái Lâm Thị Hương, còn bà Yên chỉ giúp con khâu tập dượt, hậu trường.
Chị Hương cho hay: "Tuy là một đoàn nghệ thuật nhưng thực ra chỉ là của một dòng họ, tập hợp anh em yêu thích nghệ thuật để cùng nhau luyện tập, biểu diễn phục vụ bà con. Tất cả chi phí cho luyện tập, biểu diễn đều do gia đình tự lo".
Mở cho chúng tôi xem tủ, thùng đựng trang phục biểu diễn của đoàn, chị Hương ngậm ngùi: "Muốn biểu diễn phải có trang phục mới, đẹp. Đoàn chúng tôi nhà ai cũng nghèo nên trang phục chủ yếu là tự làm, có thứ phải đi xin, đi mượn của bà con. Múa Rôbăm chưa có trường đào tạo nên phần lớn là tự đào tạo. Chỉ có ai thực sự yêu nghề, dám hy sinh cho nghề mới theo”.
Bà Yên cho biết thêm: "Để có diễn viên Rôbăm phải đào tạo từ khi các em 10-12 tuổi. Nghĩ đến lúc Rôbăm không còn ai tiếp nối, tôi đau lòng lắm. Theo đoàn từ tuổi 15 - 16, nay đã ở tuổi gần đất xa trời rồi, tôi nguyện sống chết cho nghề đến cuối đời, có ngờ đâu tình hình lại bi đát như thế".
Những năm gần đây, mỗi năm đoàn Bưng Chông chỉ biểu diễn 10-15 ngày vào các dịp lễ dâng bông, lễ cầu an... thời gian còn lại, các diễn viên ở nhà làm ruộng. Vào dịp lễ, anh em nhắn nhau tụ họp, luyện tập rồi kéo nhau đi biểu diễn. Không có tiền trả lương, chỉ cho anh em bữa cơm ăn, nhiều khi hết tiền không lo được, anh em tự lo để cho đoàn hoạt động.
Lấy cho tôi xem những mặt nạ, trang phục ông vua, hoàng hậu... chị Hương bảo: "Để làm được mặt nạ này mất nhiều thời gian lắm. Mặt nạ chủ yếu làm bằng đất, bằng thiếc nhưng phải khéo tay mới làm được tuyệt vậy mà giờ cũng để không...".
Bao giờ cho đến ngày xưa
Thời hoàng kim của đoàn Rôbăm vào những năm thập niên 60 của thế kỷ XX. Hàng năm, các đoàn nghệ thuật Rôbăm đi lưu diễn ở đám làm phước, các chùa. Đoàn đi đến đâu cũng được bà con Khmer địa phương "hậu đãi" lo nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Các diễn viên hết lòng đem tài năng ra phục vụ công chúng. Nhiều đêm diễn bị mưa, ếch nhái nhảy lên cả sân khấu... nhưng bà con vẫn say sưa xem đoàn diễn.
Rôbăm là kịch múa cổ điển của sân khấu cung đình Khmer xưa đạt đến một trình độ nghệ thuật rực rỡ. Rôbăm chuyên diễn tả những "chuyện xưa tích cũ".
Giờ đây, ngày càng có nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí hiện đại, nghệ thuật sân khấu Rôbăm không còn hấp dẫn khán giả trẻ, bởi hầu hết các vở diễn đều dựa vào những chuyện xưa tích cũ. Nhiều ngôi chùa không còn tổ chức diễn Rôbăm vào những dịp lễ, Tết truyền thống như xưa nữa, bởi những nghệ nhân Rôbăm già ngày càng thưa vắng, còn lớp trẻ để hiểu biết và có thể biễu diễn được Rôbăm dường như không có.
Chị Hương ao ước: "Chúng tôi mong sao Nhà nước giúp chúng tôi để loại hình nghệ thuật sân khấu múa Rôbăm độc đáo này không biến mất trong đời sống văn hóa cộng đồng”.
Phương Nghi
Vui lòng nhập nội dung bình luận.