Trong nền điện ảnh
Philippines, phim Hollywood vẫn được coi là ông vua phòng vé. 7 trong số 10
phim có doanh thu cao nhất ngoài rạp Philippines năm 2012 là phim của
Hollywood. 3 phim còn lại là những phim được sản xuất bởi các hãng phim lớn
trong nước.
Tuy vậy, trong vòng 2
năm trở lại đây, điện ảnh Philippines đang chứng kiến một sự chuyển mình mạnh mẽ
khi dòng phim độc lập được sản xuất mà không cần sự hỗ trợ của các hãng phim lớn,
bất ngờ giành thế thượng phong và gây được tiếng vang không chỉ trong nước mà
còn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.
Cảnh
trong phim “Lauriana” - một phim độc lập 16+ của Philippines được chiếu tại LHP
Quốc tế Hà Nội.
Tại Châu Á, điện ảnh
Philippines được coi là một trong những nền điện ảnh lâu đời nhất, được hình
thành từ năm 1897. Xem phim là một nhu cầu phổ biến của người dân Philippines, bao
gồm cả nhu cầu đối với phim thương mại và phim nghệ thuật.
Những bộ phim được các
hãng phim lớn tại Philippines thực hiện thường là những phim có công thức dễ trở
thành ăn khách. Giờ đây, hàng loạt những nhà làm phim trẻ của nước này muốn thể
nghiệm mình với dòng phim độc lập, làm thay đổi tương quan giữa phim thương mại
và phim nghệ thuật.
Tự họ tìm cách xoay xở
với nguồn đầu tư cần có để làm phim, tự họ sản xuất phim bằng những cách tiết
kiệm nhất, và sau cùng, lại tự họ tìm cách đưa phim tới với công chúng thông
qua những LHP trong nước và quốc tế. Số lượng phim độc lập của Philippines ngày
càng tăng và ngày càng gây được tiếng vang đối với khán giả và giới phê bình trong
nước cũng như quốc tế.
Poster
phim “Giấc mơ bị lãng quên có màu gì?”.
Chỉ tính riêng năm
2012, trong số 256 phim Philippines được sản xuất thì có tới 216 phim là phim độc
lập được thực hiện bởi những đạo diễn trẻ.
Marie Jamora (34 tuổi),
một nhà làm phim độc lập của Philippines chia sẻ: “Tôi muốn làm một bộ phim mà chính
tôi muốn được xem”. Jamora đã tự tìm kiếm nguồn tiền cho dự án phim của mình bằng
cách kêu gọi gây quỹ trên mạng và nhờ sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè…
Điều đáng nói là những
nhà làm phim trẻ như Jamora có nhóm khán giả của riêng mình, họ nhận được sự quan
tâm từ người yêu điện ảnh Philippines. Ở đây, người ta không chỉ xem phim
thương mại, mà còn sẵn sàng trải nghiệm với phim độc lập.
Nếu ở nhiều quốc gia
Châu Á, thị trường cho phim độc lập còn rất hạn chế, thì tại Philippines đã có thị
phần riêng cho phim độc lập. Phim độc lập có thể ra rạp dù ở quy mô nhỏ, tại những
phòng chiếu nhỏ. Nhưng bằng cách đó, các nhà làm phim độc lập sẽ có những nguồn
thu nhất định để làm phim độc lập không có nghĩa là “lỗ nặng” như người ta vẫn
mặc định.
Cảnh
trong phim “Sonata” - một trong 6 phim độc lập Philippines được giới thiệu tại
LHP Quốc tế Hà Nội.
Những bộ phim độc lập
được làm ra trước hết để thỏa mãn cái Tôi nghệ thuật của những nhà làm phim. Với
những đạo diễn, biên kịch trẻ, chưa có tiếng tăm, việc được các hãng phim lớn hợp
tác sản xuất là gần như không thể. Bên cạnh đó, những đề tài mà các bộ phim độc
lập đề cập đến cũng rất táo bạo, dễ gây tranh cãi, nên tính mạo hiểm của dòng phim
này rất cao.
Tại Philippines, có những
LHP dành riêng cho phim độc lập, như Cinemalaya hay CineFilipino…
được tổ chức thường niên, những LHP này còn tài trợ kinh phí cho những dự án
phim độc lập được đánh giá cao.
Sự phát triển và phổ biến
của những thiết bị kỹ thuật đã giúp bất cứ ai muốn làm phim đều có thể làm
phim. Thực tế là hiện nay, trong dòng phim độc lập, ngày càng có những bộ phim
hay được thực hiện bởi những nhà làm phim mà người ta chưa từng nghe thấy tên.
“Quá
cảnh” - bộ phim nói về số phận những người lao động Philippines nhập cư bất hợp
pháp tại Israel.
Tại các LHP độc lập của
Philippines, những người giành giải cao nhất luôn là những gương mặt hoàn toàn
mới lạ. Phim độc lập ở Philippines là một dòng chảy luôn thay đổi với những yếu
tố mới lạ, bất ngờ đến cùng với những thế hệ làm phim trẻ liên tục xuất hiện.
Ngay cả những nhà làm
phim gạo cội ở Philippines cũng đang bị cuốn hút bởi dòng xoáy ngày càng lớn mà
phim độc lập tạo ra tại đây. Phim độc lập chính là mảnh đất để yếu tố nghệ thuật
và cái Tôi của những nhà làm phim được thể hiện một cách tự do nhất. Đó là điều
mà dòng phim thương mại sẽ không thể đem lại cho họ.
Nhà làm phim trẻ tài năng
của Philippines - anh Pepe Diokno, người từng giành giải tại LHP Venice khi mới
22 tuổi cho rằng: “Lý do tại sao phim độc lập của Philippines giàu có về số lượng
và nội dung, tại sao đội ngũ làm phim độc lập của chúng tôi luôn năng động và
táo bạo, đó là bởi chúng tôi có đông khán giả thích xem điện ảnh, thích bàn luận,
tranh cãi và phê bình điện ảnh”.
“Quay
trộm” - một phim độc lập 16+
Khi những bộ phim
thương mại của Philippines có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới có thể sánh ngang với
những phim “bom tấn” của Hollywood thì những phim độc lập chính là lối đi riêng
họ lựa chọn để cái tên Philippines liên tục được xướng lên tại nhiều LHP quốc tế.
Tương lai tươi sáng của điện ảnh Philippines hiện tại đến từ chính dòng phim độc
lập này.
Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần III, chùm 6 phim độc lập của Philippines chính là tiêu điểm nghệ thuật của liên hoan năm nay. Trong 6 phim trình chiếu gồm “Osto”, “Lauriana”, “Giấc mơ bị lãng quên có màu gì?”, “Sonata”, “Quá cảnh” và “Quay trộm”, thì có tới 3 phim 16+, điều này đã phần nào cho thấy mức độ táo bạo trong đề tài mà những phim độc lập Philippines chạm tới.
Bên lề LHP cũng sẽ diễn ra buổi tọa đàm về “Sản xuất và phổ biến phim độc lập - Kinh nghiệm từ điện ảnh Philippines” với sự tham gia của Hội đồng điện ảnh Philippines, Giám đốc LHP Độc lập Philippines - Cinemalaya, cùng những đạo diễn nổi tiếng trong dòng phim độc lập đến từ Philippines và Việt Nam.
(Theo Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.