Những người ăn, ngủ 24/24 với loài sâm "Quốc bảo" ở Quảng Nam

Chủ nhật, ngày 10/11/2019 13:30 PM (GMT+7)
Canh giữ, bảo tồn, nhân giống cây sâm quý, có những người quanh năm bám ở Trạm dược liệu Trà Linh - thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam - ăn ngủ cùng rừng và trải qua những cơn lạnh thấu xương ở đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam).
Bình luận 0

1.

Từ cuối tháng 7 đến nay, 15 người làm việc tại Trạm dược liệu Trà Linh tất bật với việc thu hoạch hạt sâm Ngọc Linh đem gieo ươm, nhân giống. Tháng 9, trời Trà Linh còn vương những tia nắng ấm, sâm đang độ chín đỏ rực dưới tán rừng nguyên sinh.

img

Thu hái hạt sâm Ngọc Linh ở Trạm dược lLiệu Trà Linh. Ảnh: THANH THẮNG

Nhân viên Hồ Văn Dem (người đồng bào Xê Đăng, ở nóc Con Pin, xã Trà Linh) làm công việc thu hái hạt. Từ căn nhà ươm sâm giống, anh Dem đưa tôi đến vườn sâm quý với hàng nghìn cây sâm Ngọc Linh đang chín rộ. Nhẹ nhàng gỡ mí nối tấm lưới choàng chùm hạt sâm chín đỏ, ngắt cho vào giỏ, anh Dem cho biết, mỗi cây sâm Ngọc Linh có 10 - 30 hạt, được bọc thật kỹ để tránh rơi rụng và bị chuột phá hoại...

Trưa đến, tranh thủ trước giờ cơm, cả nhóm cùng ngồi tách hạt sâm khỏi cành và phân loại hạt sâm đảm bảo chất lượng để chiều mang đi gieo ươm. Một vài thanh niên khác cũng tranh thủ lấy mùn cây dưới tán rừng trộn thật kỹ phục vụ cho việc gieo ươm này. Ở trạm dược liệu, việc gieo ươm đã được cải tiến và thực hiện trong nhà bạt.

Đêm, không khí ở vị trí cao hơn 1.800m lạnh buốt, mọi người quây quần bên bữa cơm dưới ánh điện, và những câu chuyện đời được dần kể.

Trong số họ, có những người đã dành cả tuổi thanh xuân ở vườn sâm. Như anh Hồ Văn Dem đã 26 năm gắn bó ở đây, chứng kiến bao đổi thay tại trạm dược liệu. Anh Dem kể, hồi xưa từ nhà anh ở nóc Con Pin lên tới trạm dược liệu phải mất hơn 2 tiếng đồng hồ lội đường rừng, bởi ngày ấy đường chưa như bây giờ, phải đi vòng và vượt qua biết bao con dốc mới tới nơi. Chưa kể, ngày xưa ở trung tâm dược liệu này chỉ có căn lều chứ đâu được dãy nhà như bây giờ.

“Có những đêm đi tuần tra vườn sâm, mệt quá nằm ngủ luôn giữa rừng. Đang ngủ trời đổ mưa phải bật dậy tìm chỗ núp. Ở đây khổ cực là vậy, nhưng những khi được về nhà, mới một ngày đã nhớ trạm, lại thu xếp lên ngay” - anh Dem nói.

Hay như anh Trần Xuân Huấn (37 tuổi, Phó Trạm trưởng Trạm dược liệu Trà Linh) đã gắn bó với vườn sâm từ năm 2006. Lúc đó anh xin vào làm công nhân canh gác vườn sâm, sau đó tìm tòi học hỏi rồi tham gia trồng, chăm sóc và nhân giống sâm. Câu chuyện cha truyền con nối chăm sóc, bảo tồn sâm của cha con ông Hồ Văn Dề (75 tuổi) và Hồ Văn Chính (29 tuổi, tổ trưởng tổ 2 của trạm) cũng làm nhiều người khâm phục.

Ông Dề từng là nhân viên của trạm, thường dẫn theo anh Chính lên vườn sâm rồi anh quyến luyến với cây sâm lúc nào không hay. Đến khi cha nghỉ hưu, anh Chính xin được tiếp bước cha làm ở đây. “Mình làm ở đây ngoài vì mưu sinh còn vì đam mê và tình yêu với cây sâm, cả vì tình cảm gắn bó với gia đình lớn Trạm dược liệu. Ở vườn sâm lâu ngày, anh em ở trạm coi nhau như một gia đình và luôn quan tâm, lo lắng cho nhau” - anh Chính tâm sự.

Ở Trạm dược liệu Trà Linh, ngoài nhiệm vụ chăm sóc, nhân giống, việc canh gác và đi tuần tra bảo vệ vườn sâm được các tổ thay phiên thực hiện hằng đêm. Bây giờ công tác bảo vệ đã đảm bảo hơn khi Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam quan tâm gia cố hàng rào; tại một số điểm xung yếu, trung tâm đã gắn thiết bị báo động và camera giám sát.

2. 

Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam chia sẻ với chúng tôi niềm vui về sự thay đổi ở vườn sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh. Không chỉ có thay đổi từ con đường đi cho đến nơi ăn, chốn ở của anh em nhân viên, mà còn ở sự quan tâm của tỉnh. Từ đó, cùng với bảo vệ và bảo tồn, công tác nhân giống được đơn vị tập trung thực hiện với giải pháp cải tiến để phát triển cây giống đạt hiệu quả cao.

img

Khu vực nhân giống ở Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: THANH THẮNG.

Ông Út tâm sự, những năm trước đây, hạt giống được gieo ở ngoài đất dưới tán rừng nên hiệu quả sản xuất cây sâm con không cao khi tỷ lệ bị bệnh chết hao hụt nhiều. Vườn sâm tại Trạm dược liệu Trà Linh có tổng diện tích 50ha, diện tích phát triển trồng sâm chừng 10ha với khoảng 250.000 cây sâm Ngọc Linh.

Vài năm trở lại đây, trung tâm đã tìm ra nhiều giải pháp như đưa cây giống vào trong nhà có mái che để chăm sóc và chăm sóc trên giá thể là mùn núi được lấy từ mùn đen ở trong rừng. Đơn vị cũng tìm tòi các giải pháp như đưa vào khay gieo ươm rồi chăm sóc, hoặc đóng khung, đóng giàn rồi đổ mùn đen để gieo giống.

Nhờ đó mấy năm nay tỷ lệ cây sâm giống xuất vườn so với lượng hạt đem gieo ban đầu tăng cao lên, chất lượng được cải thiện nhiều, tuy nhiên cũng chỉ mới phần nào đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư trồng sâm Ngọc Linh ở Trà Linh.

Thanh Thắng (Báo Quảng Nam)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem