Những người lặng lẽ giúp bệnh nhân không quen giữa dịch sốt xuất huyết
Những người lặng lẽ giúp bệnh nhân không quen giữa dịch sốt xuất huyết
Chủ nhật, ngày 30/10/2022 06:46 AM (GMT+7)
Tuy không mặc áo blouse, hàng trăm người đến từ nhiều nơi khác nhau vẫn từng ngày dùng chính giọt máu của mình để cứu các bệnh nhân sốt xuất huyết thiếu tiểu cầu.
Theo số liệu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) trong thời gian qua, trung bình, cả nước liên tục ghi nhận thêm khoảng 10.000 ca mắc sốt xuất huyết mới mỗi tuần. Song song với số ca mắc gia tăng là nhiều trường hợp đã không may tử vong.
Một trong những mối nguy hiểm lớn nhất đối với những bệnh nhân sốt xuất huyết là sự suy giảm tiểu cầu nghiêm trọng. Khi số ca mắc tăng cao, lượng tiểu cầu sẵn có là không đủ để đáp ứng cho tất cả bệnh nhân. Lúc này, khả năng cứu người lại không còn chỉ nằm trong tay các bác sĩ.
Thói quen kỳ lạ
Một bên cắm ống truyền máu, bên tay còn lại được cô con gái 9 tuổi kê đầu lên chờ bố, anh Nguyễn Trung Kiên (trú tại Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nằm thư giãn trên chiếc giường hiến tiểu cầu.
Chia sẻ với Zing, anh Kiên cho biết đây là đã lần thứ 69 anh đến Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu. Theo thời gian, việc cuối tuần đi hiến máu bỗng trở thành thói quen.
“Tôi bắt đầu hiến máu từ năm 2011. Ban đầu, tôi cũng hiến máu toàn phần, sau đó chủ yếu là hiến tiểu cầu. Đều đặn theo lịch cách khoảng 3 tuần tôi lại tới hiến. Dù mật độ gần nhưng tôi thấy cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe, chỉ cảm giác khỏe hơn thôi”, anh Kiên cười tươi.
Cũng theo người đàn ông này, anh thường xuyên đưa con gái theo cùng mỗi lần đi hiến tiểu cầu. Đây cũng như một hoạt động gắn bó trong gia đình và cách để anh cho con gái làm quen với môi trường công cộng, hướng tới những việc làm tốt, có ích.
Anh Kiên kể: “Trong quá trình đi hiến máu rồi về nhà, tôi cũng nói chuyện, tâm sự với con để bé hiểu thêm về việc mình làm”.
Nhớ lại về lần đầu tiên hiến máu, anh cho hay do nhà ở khá gần viện nên chủ động tham gia chương trình vận động. Sau này, khi tìm hiểu dần và hiểu được giá trị của hành động này, anh Kiên thậm chí vận động thêm đồng nghiệp tham gia cùng.
“Bằng nhiều cách như nói chuyện, chia sẻ thực tế, tâm sự, cả gửi tin nhắn, tôi cũng vận động được khá nhiều người tham gia cùng. Số lượng người tham gia cũng ngày càng tăng. Có lần nhiều nhất lên tới 120 người cùng tham gia hiến”, người đàn ông lộ rõ niềm tự hào.
Tương tự anh Kiên, nằm giữa hàng dài người đang chờ hoàn thành quá trình hiến tiểu cầu vào sáng cuối tuần, anh Nguyễn Văn Trường (ở Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) cho biết đây đã là lần thứ 42 đi hiến tiểu cầu.
“Tôi vẫn luôn tâm niệm là nếu có duyên, mình sẽ giúp đỡ các bệnh nhân khó khăn. Sau một dịp đi khám tại bệnh viện, tôi được các bác sĩ thông báo tiểu cầu của mình rất tốt nên cũng đăng ký hiến. Từ đó về sau, bình quân mỗi tháng tôi lại đến hiến một lần”, anh Trường chia sẻ.
Người đàn ông này thừa nhận bản thân thấy rất hoan hỉ mỗi lần giúp được người khác thông qua việc hiến tiểu cầu. Ngoài tự mình hiến, anh Trường cũng tư vấn, vận động người thân trong gia đình tham gia. Đến nay, anh cùng vợ và một người anh trai cũng thường xuyên lui tới Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương như một thói quen hàng tháng.
Nhu cầu về tiểu cầu tăng gấp 2, 3 lần do sốt xuất huyết
Trao đổi với Zing, tiến sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, cho hay về mặt lý thuyết, tiểu cầu chỉ có thể lưu trữ được tối đa trong vòng 5 ngày. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng tiểu cầu trong cấp cứu, điều trị lại rất lớn, nhất là ở thời điểm hiện tại.
“Dịch sốt xuất huyết đang diễn biến rất phức tạp trên cả nước. Điều này dẫn đến nhu cầu sử dụng tiểu cầu tăng gấp 2, 3 lần so với bình thường. Trong khi đó, một bệnh nhân hoàn toàn toàn có thể được cứu sống chỉ nhờ một đơn vị tiểu cầu. Ngược lại, nếu không có, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao”, vị chuyên gia cho hay.
TS Quế thông tin thông thường, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương sẽ sản xuất tiểu cầu từ máu toàn phần và đáp ứng được khoảng 70% nhu cầu của người bệnh, 30% còn lại đến từ người hiến tiểu cầu gạn tách.
Khi không có dịch, cơ sở y tế này sẽ lấy khoảng 100-120 đơn vị tiểu cầu để cung cấp cho các bệnh nhân. Tuy nhiên, với tình hình dịch sốt xuất xuất huyết hiện nay, con số này có thể lên tới 150 nhưng vẫn không đáp ứng đủ.
“Nhiều khi chúng tôi thậm chí phải chia đôi một đơn vị tiểu cầu để phục vụ cho 2 bệnh nhân. Phòng quan hệ công chúng của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cũng đang phải liên tục gọi điện mời người dân tới hiến tiểu cầu trong bối cảnh này”, TS Quế chia sẻ.
Dù vậy, tín hiệu tích cực là trong những năm qua, tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên, như trường hợp của anh Kiên, anh Trường, đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng dần qua các năm. Thậm chí có những trường hợp đã hiến tiểu cầu tới hơn 100 lần.
Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 đến 120 phút thay vì 5 phút khi hiến máu), hàng nghìn người chấp nhận làm việc này vì những người họ không quen biết.
Những năm đầu, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu. Theo thời gian, con số mới dần tăng lên vài nghìn.
Giai đoạn năm 2000-2010, cơ sở y tế này chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách. Tuy nhiên, con số này ở giai đoạn 2011-2020 đã tăng lên thành 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước).
Tới năm 2021, số lượng tiểu cầu thu được là 33.314 đơn vị. Và năm nay, tính đến 28/10, viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần).
Lượng tiểu cầu gạn tách được tiếp nhận của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương đã cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 26 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Về điều kiện để hiến tiểu cầu, TS Quế cho hay người dân phải có lượng tiểu cầu đảm bảo tiêu chuẩn nhất định (thường được đánh giá trong quá trình hiến máu toàn phần) và đủ sức khỏe.
“Hiến tiểu cầu khác một chút là đòi hỏi người hiến phải nặng từ 50 kg trở lên. Số lượng tiểu cầu cũng phải đảm bảo và có các lần hiến máu trước an toàn”, vị chuyên gia nói nói thêm.
Một vấn đề khác là hiến tiểu cầu phải dùng máu tách, người hiến cũng sẽ mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, một đặc điểm của hiến tiểu cầu là người hiến có thể quay lại tiếp tục hiến thêm chỉ sau khoảng 3 tuần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.