Những người lao vào “hôi” tiền đánh rơi của cô gái ở TPHCM có bị xử lý hình sự?

Nguyễn Đức Thứ bảy, ngày 30/01/2021 18:32 PM (GMT+7)
Việc nhóm người lao vào "hôi" tiền đánh rơi mặc cho cô gái van xin ở TP.HCM là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng trở lên mà người chiếm giữ không trả lại tài sản cho chủ sở hữu có thể bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Bình luận 0

Như Dân Việt đưa tin, ngày 29/1, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một cô gái đi xe máy đánh rơi tiền trên đường. Sau đó xuất hiện một người phụ nữ bán nước ven đường cùng một số người đi đường dừng xe lao vào tranh cướp, nhặt hết tiền dù cô gái khóc lóc van xin.

Sau khi đăng tải lên mạng xã hội, đoạn clip nhanh chóng được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, kèm hàng nghìn lượt bình luận bày tỏ phẫn nộ với hành vi của những kẻ hôi của vô lương tâm. Nhiều người tỏ ra xót thương cô gái đánh rơi tiền và mong cơ quan công an sớm vào cuộc.

Sau đó, cơ quan chức năng làm rõ, danh tính cô gái bị rơi tiền trong đoạn clip được xác định là Lý Thị Nhanh (SN 1996, quê Long An).

Chị Lý Thị Nhanh cho biết, chị chính là nạn nhân trong đoạn clip bị rơi 30 triệu đồng và bị người đi đường nhặt hết. Sau vụ việc, chị đã đến trình báo công an phường sở tại.

Nhóm người lao vào “hôi” tiền của cô gái đánh rơi có bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Hình ảnh người dân hôi tiền của cô gái đánh rơi ở TP. Hồ Chí Minh. Ảnh cắt từ clip.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho hay, hành vi của một số người lao vào nhặt tiền của cô gái đánh rơi, không trả tiền khi cô gái này đã yêu cầu, thậm chí van xin là hành vi không chỉ vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. 

Số tiền 30.000.000 đồng đối với một người lao động là rất lớn đặc biệt là đối với dịp cuối năm, giáp Tết. 


Pháp luật quy định bất kỳ ai khi thấy tài sản bị bỏ quên, đánh rơi, tài sản không xác định được chủ sở hữu thì người thấy tài sản phải có trách nhiệm thông báo và giao nộp tài sản đó cho chính quyền địa phương để thông báo công khai tìm chủ sở hữu tài sản để trao trả.


Hành vi chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Nếu số tiền chiếm giữ trái phép từ 10 triệu đồng trở lên mà người chiếm giữ không trả lại tài sản cho chủ sở hữu sẽ bị xử lý hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.


Tội chiếm giữ trái phép tài sản được quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự 2015, trong đó, mức phạt thấp nhất đối với tội danh này là phạt tù 3 tháng, cao nhất là 5 năm tù.


Nhóm người lao vào “hôi” tiền của cô gái đánh rơi có bị xử lý hình sự? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).

"Như vậy, khi cô gái này phát hiện ra mình bị rơi tiền, đã thông báo và đòi lại tiền của những người nhặt được nhưng những người này cố tình không trả lại số tiền chiếm giữ từ 10 triệu đồng trở lên thì người chiếm giữ sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại điều 176 Bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên với mức hình phạt có thể đến 2 năm tù", luật sư Cường nói.


Ngoài ra, theo luật sư Cường, khi cô gái đến trình báo sự việc với cơ quan điều tra nơi sự việc xảy ra thì cơ quan điều tra có trách nhiệm thụ lý tin báo để tiến hành xác minh trong thời hạn không quá 2 tháng.


Trong thời hạn này cơ quan điều tra sẽ làm rõ ai là người đã nhặt được số tiền của cô gái và nhặt được bao nhiêu tiền. Khi cô gái yêu cầu trả lại tiền vì sao không trả lại.


Trong trường hợp có căn cứ cho thấy có người đã nhặt được số tiền từ 10 triệu đồng trở lên và khi cô gái đòi không trả lại  sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với người đã chiếm giữ trái phép tài sản theo quy định tại điều 176 bộ luật hình sự năm 2015 nêu trên.


Trường hợp người nhặt được trả lại tiền cho nạn nhân trước khi trình báo với cơ quan công an có thể không bị xem xét xử lý nhưng rõ ràng hành vi chậm trễ trong việc trả lại tiền là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội, sẽ bị xã hội cười chê, lên án.


Còn trong trường hợp nếu lợi dụng tình trạng không thể bảo quản được tài sản, người rơi tài sản có mặt tại đó nhưng những người khác đã xông vào nhặt rồi nhanh chóng tẩu thoát có thể còn xem xét về tội cướp giật tài sản hoặc tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nếu hành vi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội danh này.


Điều 176 Bộ luật hình sự 2015, quy định về tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem