Những phút cuối đời của người đàn ông da đen bị cảnh sát đè cổ chết ở Mỹ

Vương Nam – Telegraph Thứ hai, ngày 01/06/2020 20:55 PM (GMT+7)
Đêm 25.5, đồn cảnh sát Minneapolis, bang Minnesota nhận được cuộc gọi từ chủ một cửa hàng địa phương, người đàn ông tên George Floyd bị nghi ngờ tiêu thụ tờ 20 USD giả. Cảnh sát ngay lập tức di chuyển đến hiện trường và bi kịch bắt đầu.
Bình luận 0

img

Người biểu tình đập phá, đốt xe cảnh sát tại Mỹ (ảnh: AP)

Hai cảnh sát đầu tiên có mặt tại hiện trường là Thomas Lane và JA Kueng. Họ đến gần xe của George Floyd và thấy người đàn ông da đen đang ngồi ở ghế lái cùng 2 người khác trên ghế sau.

Sau cuộc trao đổi ngắn, cảnh sát tên Thomas Lane rút súng và chĩa vào cửa kính ô tô, yêu cầu Floyd đưa 2 tay lên. Floyd chấp hành và đặt 2 tay lên vô lăng xe. Cảnh sát Thomas Lane thu súng lại và lệnh cho người đàn ông da đen ra khỏi xe.

Báo cáo sự việc cho biết, ban đầu Floyd cảm thấy bất ngờ vì bị còng tay và “có chống cự”. Tuy nhiên, sau khi đã bị còng lại, Floyd trở nên “tuân thủ”.

Cảnh sát Lane ngồi xuống và hỏi tên, giấy tờ tùy thân, giải thích cho Floyd hiểu tại sao anh ta bị bắt. Hai cảnh sát sau đó kéo Floyd đứng dậy và đưa anh ta đến xe tuần tra.

Tuy nhiên, Floyd đột nghiên cứng đờ cả người, ngã xuống đất và nói với cảnh sát rằng anh ta cảm thấy khó thở. Cùng lúc này, 2 cảnh sát khác là Derek Chauvin và Tou Thao cũng tới hiện trường bằng một chiếc xe khác.

4 cảnh sát cố gắng đẩy Floyd vào hàng ghế sau trên xe tuần tra. Floyd “không tự nguyện lên xe và cố tình ngã xuống”, theo báo cáo.

img

Cảnh sát Chauvin đã đè cổ Floyd trong gần 9 phút (ảnh: AP)

Floyd nói rằng mình không thể thở được nhưng cảnh sát vẫn cố gắng đưa anh ta vào trong xe. Tuy nhiên, cảnh sát Derek Chauvin bất ngờ lôi người đàn ông da đen ra khỏi xe. Floyd bị ngã sấp mặt xuống đường, tay vẫn bị còng. Cảnh sát Kueng và Lane giữ chân của Floyd, trong khi Chauvin đè đầu gối trái lên cổ anh ta.

Floyd liên tục kêu lên: “Tôi không thể thở”, “mẹ ơi”, “làm ơn”. Tuy nhiên, các cảnh sát vẫn giữ nguyên vị trí.

Một cảnh sát nói với Floyd: “Anh vẫn đang nói được đấy thôi”.

Cảnh sát Lane hỏi: “Chúng ta có nên lật anh ta lại không?”

Chauvin đáp: “Không cần, cứ giữ nguyên vậy”.

Cảnh sát Lane tỏ ra lo lắng và nói rằng, Floyd có thể rơi vào hôn mê. Chauvin trả lời: “Đó là lý do vì sao ta nên để hắn nằm sấp”.

20 giờ 24 phút tối, Floyd đã bất động. Cảnh sát Keung kiểm tra mạch của người đàn ông da đen và nói rằng mình không thấy còn mạch. Tuy nhiên, không ai trong số những cảnh sát đang đè lên Floyd có phản ứng nào đáng kể.

20 giờ 27 phút, Chauvin bỏ đầu gối khỏi cổ Floyd, theo báo cáo điều tra. Tổng thời gian Floyd bị đè cổ là gần 9 phút.

Xe cấp cứu nhanh chóng được gọi tới hiện trường nhưng sau đó Floyd được Trung tâm Y tế Hạt Hennepin tuyên bố là đã tử vong.

Video cảnh Floyd bị cảnh sát đè cổ, nằm im bất động, xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội chỉ một khoảng thời gian ngắn sau đó.

Theo hồ sơ điều tra, Floyd có mắc bệnh nền bao gồm động mạch vành, suy tim và cao huyết áp.

“Ảnh hưởng kết hợp của việc bị cảnh sát đè cổ, bệnh nền và bất kỳ chất kích thích nào được sử dụng là nguyên nhân dẫn đến việc Floyd tử vong”, báo cáo cho hay.

img

Một người phụ nữ khóc vì nhà của cô bị đốt phá trong cuộc bạo loạn (ảnh: AP)

Năm ngoái, Floyd, 46 tuổi và cảnh sát Chauvin, 44 tuổi, đã là đồng nghiệp khi làm việc cùng nhau tại một hộp đêm ở thành phố Minneapolis

“Ngoài giờ làm nhiệm vụ, Chauvin làm thêm ở hộp đêm của chúng tôi suốt 17 năm qua. Chauvin và Floyd làm việc cùng ca. Chauvin có nhiệm vụ bảo đảm an ninh bên ngoài, còn Floyd ngăn những kẻ gây rối bên trong hộp đêm”, Maya Santamaria, chủ hộp đêm El Nuevo Rancho, Minneapolis, kể lại.

Tuy nhiên, cô Maya không rõ liệu 2 người này có quen thân với nhau hay không.

Với chiều cao khoảng 2 mét, Floyd được các bạn đặt biệt danh là “gã khổng lồ hiền lành”. Jovanni Tunstrom – chủ một quán rượu nơi Floyd từng làm việc – kể lại, Floyd luôn có thái độ tích cực.

“Anh ấy thường cố tình nhảy rất tệ để chọc cười mọi người. Tôi đã cố dạy Floyd nhảy vì anh ta yêu nhạc Latinh nhưng anh ta lại quá cao so với tôi”, Jovanni Tunstrom nói.

Những lời cuối cùng của Floyd – “tôi không thể thở” – đã trở thành khẩu hiệu cho các cuộc tình đang bùng nổ tại Mỹ. Đồn cảnh sát nơi Chauvin làm việc đã bị đám đông đốt trụi. Chauvin bị cáo buộc giết người cấp độ 3. Tuy nhiên, người biểu tình vẫn không nguôi giận dữ.

Tại một số thành phố ở Mỹ, biểu tình đã chuyển thành bạo loạn, dẫn đến nhiều hành động cực đoan như đốt phá, cướp bóc các cửa hàng và đụng độ với cảnh sát.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem