Những tháng đầu năm 2022, Tổng cty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ đâu?

27/05/2022 20:56 GMT+7
Quý 1/2022, VIMC ghi nhận khối vận tải biển tiếp tục có kết quả tích cực với lợi nhuận toàn khối ước đạt 467 tỷ đồng.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, doanh thu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ước đạt hơn 4.700 tỷ đồng, lợi nhuận ước đạt 955 tỷ đồng. Riêng khối cảng biển (15 cảng) lợi nhuận ước đạt 464 tỷ đồng, đóng góp 49% vào lợi nhuận toàn VIMC.

Trước đó, năm 2021, lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối cảng biển ước đạt hơn 2.200 tỷ đồng, chiếm 78% tổng lợi nhuận hợp nhất toàn VIMC. Nổi bật là nhóm cảng liên doanh như: Cảng SSIT ước lãi gần 140 tỷ đồng, CMIT ước lãi gần 90 tỷ đồng.

Riêng Cảng Quy Nhơn, từ sau khi VIMC chính thức tiếp nhận (5/2019), các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh liên tục tăng trưởng, lợi nhuận đạt 400 tỷ đồng, tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm ban đầu.

Theo đánh giá của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, trong hai năm trở lại đây doanh nghiệp có sự hồi sinh mạnh mẽ của đội tàu.

Những tháng đầu năm 2022, VIMC tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ đâu?  - Ảnh 1.

Cảng Cát Lái đang có sự tăng trưởng mạnh khi hàng hoá thông qua tăng cao. Ảnh: VIMC

Dấu ấn đậm nét thể hiện trong năm 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, song, nhờ theo sát diễn biến thị trường, linh hoạt trong điều chỉnh phương án khai thác, đàm phán hợp đồng để nâng giá cước vận tải và giá cho thuê tàu, khối vận tải biển VIMC đã đạt được mức lợi nhuận ấn tượng.

Năm 2021, lợi nhuận khối vận tải biển năm 2021 đạt 869 tỷ đồng, tăng gấp 5 lần so với kết quả thực hiện năm 2020.

Hàng loạt tên tuổi vốn nổi tiếng với sự thua lỗ trong nhiều năm trước đó, đến năm 2021 cũng ghi nhận mức lợi nhuận "đáng nể" như: Công ty Vosco ước lợi nhuận hơn 185 tỷ đồng, Công ty Vinaship ước lãi gần 165 tỷ đồng, Công ty Biển Đông ước lãi 37 tỷ đồng,…

Đến quý 1/2022, khối vận tải biển tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực với lợi nhuận toàn khối ước đạt 467 tỷ đồng.

Năm 2022, VIMC sẽ tập trung thực hiện cơ cấu lại đội tàu; Hợp tác với MSC nghiên cứu phát triển đội tàu container và mạng lưới feeder vận chuyển container kết nối các cảng biển của Việt Nam, hợp tác tham gia trên các tuyến vận tải nội Á và liên châu lục.

Nhằm bắt kịp sự phát triển xu hướng container hóa trong vận tải biển, VIMC cũng lên kế hoạch đầu tư 2 tàu container 1.700 - 2.200 TEU với tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng", ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc VIMC nói và cho biết, VIMC cũng sẽ chỉ đạo các doang nghiệp vận tải biển nghiên cứu, phân tích và dự báo thị trường vận tải biển, đặc biệt là diễn biến giá cho thuê tàu, nguồn cung tàu đóng mới, nhu cầu vận tải các mặt hàng chính như: than, quặng, nông sản, … trong ngắn, trung và dài hạn để tận dụng tối đa cơ hội phát triển, gia tăng lợi nhuận.

Thế Anh
Cùng chuyên mục