|
Nguyễn Lê Hoàng Trung và ông ngoại tại nhà trọ miễn phí ở TP.HCM. |
Khát vọng từ một nỗi đau
Những ký ức đau buồn của 14 năm về trước khiến khuôn mặt Nguyễn Lê Hoàng Trung lúc nào cũng buồn rười rượi. Nhát dao oan nghiệt từ chính người cha ruột đã khiến cậu bị liệt nửa người và sống đời sống tật nguyền. Tuy nhiên, khát vọng đậu đại học luôn cháy bỏng trong cậu.
Theo Thành đoàn Hà Nội, lần đầu tiên, các sinh viên tình nguyện sẽ trực tiếp đưa thí sinh khó khăn từ bến xe về các nhà trọ miễn phí. Hiện tất cả các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền đến bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Lương Yên, Gia Lâm... đều được tư vấn, hỗ trợ ăn ở miễn phí trong 3 ngày thi.
Hồng Phúc
Từ vùng quê nghèo khó ở ấp Thuận Phú 3, xã Thuận Phú (Đồng Phú, Bình Phước), Nguyễn Lê Hoàng Trung được ông ngoại đưa lên TP.HCM dự thi vào Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM - khoa Công nghệ thông tin.
Hiện Trung được Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP.HCM giới thiệu đến trọ miễn phí tại căn biệt thự số 1A Ngô Văn Năm, quận 1, TP.HCM để chờ ngày ra ứng thí.
Những giọt nước mắt như chực rơi ra khỏi khuôn mặt thư sinh của cậu học trò đầy khát vọng sống và học tập nhưng đôi chân thì teo tóp, không động đậy.
Đó là hậu quả của một bi kịch từ sự ghen tuông mù quáng của bố Trung. “Năm đó nó mới 3 tuổi, cha nó đi uống rượu về say bí tỉ, nổi cơn ghen điên cuồng đã dùng dao chém nhiều nhát vào người mẹ nó…” – ông Lê Văn Khôi (ông ngoại Trung) chợt dừng lại quay mặt đi chỗ khác như cố nén những giọt nước mắt tiếc thương người con gái xấu số của mình.
Khó khăn lắm ông Khôi mới tiếp tục câu chuyện dang dở. Ông bảo rằng “cha nó đã đâm nhát dao cuối cùng vào lưng thằng con đang nằm sấp ngủ say khiến nó bị đứt tủy cột sống, liệt nửa người đến giờ”.
Vượt qua những nỗi đau tinh thần và thể xác, Trung đi học và luôn là học sinh giỏi. Đến năm lớp 10, Trung đậu thủ khoa vào lớp chuyên Lý của Trường THPT chuyên Quang Trung. Rồi Trung được chọn vào đội tuyển Lý để thi học sinh giỏi của tỉnh.
Nhưng vì cơn đau hành hạ Trung không ôn luyện nhiều được nên đành xin rút ra khỏi đội tuyển. Đã có lúc Trung buông xuôi vì quá mệt mỏi chống chọi với cơn đau thể xác và nỗi đau tinh thần. Năm lớp 10, Trung bỏ học 1 tháng rưỡi, rồi suy sụp ghê gớm. Năm đó, ông ngoại Trung khóc rất nhiều, hết lòng khuyên nhủ, cuối cùng Trung đã “đứng dậy”.
Ông Lê Văn Khôi từng là hiệu trưởng một trường tiểu học. Từ khi xảy ra chuyện lớn, ông quyết định dành hết quãng đời còn lại để chăm sóc Trung, ngày ngày cõng cháu đến trường. “Cháu tôi không còn cảm giác nửa người bên dưới nữa nên không tự phục vụ được mình” – ông Khôi buồn bã kể. Sau sự cố bỏ học, Trung bắt đầu ý thức được rằng phải làm một điều gì đó có ích để ngoại khỏi buồn.
Và em bắt đầu lao vào học và học rất giỏi các môn tự nhiên. Kỳ thi tốt nghiệp phổ thông vừa rồi Trung thi môn Lý được 10 điểm, Toán 8 điểm và Hóa được 9,5 điểm. Ngồi trong nhà trọ miễn phí cùng người cháu dũng cảm, ông Khôi dự tính nếu Trung đậu đại học ông sẽ tiếp tục lên Sài Gòn đi bán vé số kiếm thêm thu nhập nuôi cháu ăn học.
Còn Trung, khát vọng của em là thi đậu vào ngành công nghệ thông tin. Trung bảo rằng, nếu không đậu vào ngành công nghệ thông tin thì với đôi chân tật nguyền này sẽ không làm được việc gì khác khi ra trường. Đó là khát vọng duy nhất giúp Trung vượt qua số phận không may của mình.
Sĩ tử khiếm thị vượt “vũ môn”
Cũng đầy bất hạnh, thí sinh Vũ Văn Tuấn (SN 1990), ở thôn Trung Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Định (Thanh Hóa) mò mẫm gần 500 cây số đi thi với đôi mắt mù loà.
Cuộc đời Tuấn vô cùng trắc trở. Bố Tuấn là ông Vũ Văn Dần- một người mù bẩm sinh, rồi đẻ ra Tuấn cũng bị mù và em gái giờ đây cũng chỉ nhìn thấy lờ mờ một mắt. Mẹ em, bà Lê Thị Hoa (người sáng mắt duy nhất trong gia đình 4 người) phải đi lượm sắt vụn, đồng nát trong lúc nông nhàn để nuôi hai anh em Tuấn ăn học trong những năm qua. Còn ông Dần thì đi làm nghề tẩm quất kiếm tiền phụ thêm cho gia đình. Tuy bản thân mù lòa nhưng chưa bao giờ Tuấn có ý định bỏ học.
|
Hai anh em Vũ Văn Tuấn và Vũ Thị Quỳnh trên đường đến trường. |
Nhà Tuấn nằm cạnh một ngôi trường làng. Năm lên 8 tuổi, mỗi khi nghe tiếng trống trường vang lên, Tuấn lại nằng nặc đòi mẹ cho đi học. Những ngày đầu Tuấn đến trường là những lần xước mặt, bầm tím do vấp ngã. Khi vào lớp một, em không thể học được như các bạn, đành phải ở nhà. Trong thời gian đó, Hội Người mù huyện Yên Định mở lớp dạy chữ nổi cho người khiếm thị và Tuấn được nhận vào học. Sau đó, Tuấn được Tỉnh hội Người mù Thanh Hóa cho về thành phố học chữ nổi hệ nâng cao.
Sáu tháng theo học, Tuấn có được một lượng kiến thức khá cơ bản và được chuyển thẳng vào lớp ba Trường Tiểu học Yên Trung. Mỗi khi có bài kiểm tra Tuấn làm xong bài, thì đọc to lên cho giáo viên chấm điểm, vì thầy cô giáo… không đọc được chữ Braille. Điều đặc biệt ở cậu bé mù này là em học giỏi ở tất cả các môn (kể cả ngoại ngữ).
Tháng 9-2005, Tuấn tham gia cuộc thi “Chữ Braille trong cuộc sống của tôi” do Hiệp hội Người khuyết tật châu Á - Thái Bình Dương tổ chức. Khi vào xét giải, ở vòng 1 quốc gia, Tuấn đoạt giải Nhất và được gửi đi tham dự quốc tế. Rồi Vũ Văn Tuấn đã vinh dự được nhận giải Nhì khu vực Đông Nam Á.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, với thành tích học tập và hạnh kiểm tốt, Tuấn được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, khi làm hồ sơ thi ĐH, đi đến đâu em cũng bị từ chối. Sau một tháng ở Hà Nội gõ cửa nhiều nơi không được, Tuấn phải tranh thủ đi tẩm quất kiếm tiền ăn và thuê nhà trọ.
Thế rồi nghe tin ở Huế có người như mình cũng đang theo học, Tuấn rủ một người bạn học cùng cấp 2 vào Huế xin nộp hồ sơ thi. Suốt chặng đường từ Thanh Hóa vào Huế, Tuấn và bạn không dám ăn gì ngoài vài chiếc bánh mì, vì có vài trăm nghìn nhưng lại bị người lái xe ôm lừa mất phân nửa.
Cũng may, khi vào Huế, hai em tới Hội Người mù thành phố Huế và được ăn nghỉ qua đêm tại đây. Sau đó, Tuấn và bạn tìm đến Trường Đại học Khoa học Huế. Tuấn vui vẻ nói: “Khi được các thầy, cô niềm nở đồng ý cho nộp hồ sơ dự thi vào khoa Công tác xã hội của trường, em đã bật khóc vì hạnh phúc”.
Lúc chia tay chúng tôi để lên đường dự thi, Tuấn thổ lộ: “Dù biết rất khó nhưng em sẽ cố gắng phấn đấu hết sức mình để bước vào được cổng trường đại học, rồi sau này em sẽ dạy chữ nổi cho các em nhỏ cùng cảnh ngộ”.
Hôm nay, 2-7, dự kiến gần 700.000 thí sinh trên cả nước đổ về các thành phố lớn và đại học vùng để kịp ngày mai, 3-7 làm thủ tục dự thi. Ngay từ hôm qua 1-7, tại bến xe, ga tàu của hầu hết các điểm thi đều quá tải bởi thí sinh và người nhà. Tuy nhiên, hầu hết thí sinh vùng khó đều được hỗ trợ đi lại và được tư vấn ở nhà trọ miễn phí. Cụ thể, thí sinh từ Bắc Giang được hỗ trợ đi lại xuống Hà Nội, thí sinh từ Quảng Ngãi được hỗ trợ đi lại vào TP. HCM.
Võ Đức Phúc - Thế Lượng
Vui lòng nhập nội dung bình luận.