Tháng 9.2014, trong phiên tòa phúc thẩm (lần ba) vụ Đào Xuân Phương cố ý gây thương tích, sau khi xem xét thấy có nhiều mâu thuẫn về lời khai và chứng cứ buộc tội, TAND tỉnh Thái Nguyên đã tiếp tục hủy án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra, xét xử lại. Tòa cũng tuyên trả tự do cho Phương vì “thời hạn tạm giam đã hết”.
Giây phút đón nhận tự do, dù biết chỉ tạm thời vì vụ án chưa kết thúc, Phương vẫn khóc thật nhiều. “Tôi không tin vào tai mình nữa. Tôi cứ tưởng nghe nhầm. Khi được trao quyết định tôi mới dám tin”…
Bênh bạn, vướng lao lý
Vụ án của Phương là một trong 82 vụ có dấu hiệu oan mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã chuyển cho đoàn giám sát về tình hình án oan và bồi thường oan trong tố tụng hình sự của Quốc hội hồi tháng 2.2015.
Theo hồ sơ buộc tội, ngày 9.4.2008, nghe tin bạn là Đỗ Ngọc Tuấn bị Nguyễn Công Lương đánh tại phường Phú Xá (TP.Thái Nguyên), Phương đến xem. Thấy Tuấn chảy máu mũi, Phương và hai người bạn làm ở xí nghiệp vận tải đường sắt gang thép rủ nhau đi “méc” mẹ Lương (cũng làm chung xí nghiệp). Sau đó Tuấn và hai người kia đi trước, khoảng 10 phút sau thì Phương chạy xe máy theo.
Tuấn và hai người kia đi xe máy đến đoạn dốc lên nhà Lương thì hò hét: “nhà nó đây rồi, đánh chết nó đi”. Lương cầm hai con dao từ trong nhà chạy ra rượt đuổi ba thanh niên này. Trên đường về, Lương gặp Phương chạy xe tới. Thấy Lương cầm dao, Phương bỏ xe chạy. Một lúc sau, Phương quay lại lấy xe thì nghe có người nói Lương đập phá xe của mình, Phương đi quanh xe rồi nói: “Tao không làm gì mà đập xe của tao, tao đánh chết mày”.
Đào Xuân Phương, người được Liên đoàn Luật sư Việt Nam kiến nghị đoàn giám sát án oan của Quốc hội xem xét các dấu hiệu bị oan. Ảnh: C.Luận
Nghe Phương nói vậy, Lương đi xuống, hai tay vẫn cầm dao. Khi đến cách Phương khoảng 3m, Lương bị Phương cầm gạch ném trúng trán nên bỏ vào nhà. Lương khai lúc này còn bị Tuấn ném gạch trúng gáy…
Theo kết luận giám định lần hai, tỉ lệ tổn hại sức khỏe của Lương là 45%. Tuấn bị bắt về hành vi gây rối trật tự công cộng. Hơn 16 tháng sau, Phương cũng bị bắt về hành vi này (về sau CQĐT đổi tội danh thành cố ý gây thương tích).
Ba lần sơ thẩm kết tội, ba lần phúc thẩm hủy án
Từ đó là chuỗi ngày dằng dặc kêu oan của Phương. Riêng Tuấn, sau khi bị tòa sơ thẩm (lần đầu) kết án 15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng, Tuấn kháng cáo kêu oan nhưng tại phiên phúc thẩm (lần đầu) đã rút kháng cáo.
Chứng cứ kết tội không vững chắc, mâu thuẫn, việc điều tra không đầy đủ, vi phạm tố tụng, ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ, đánh giá sự thật khách quan của vụ án nên ba lần TAND TP.Thái Nguyên kết án Phương (cùng mức án năm năm tù) thì ba lần TAND tỉnh Thái Nguyên hủy án.
Đáng chú ý, trong năm thẩm phán từng tham gia giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, có đến bốn thẩm phán có quan điểm là Phương không phạm tội, trong đó hai thẩm phán bảo lưu ý kiến bằng văn bản (hai lần tòa sơ thẩm kết tội Phương chỉ bằng quan điểm của hội thẩm nhân dân).
Vụ án của Phương còn có những con số “ấn tượng” khác: Năm lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung, 11 phiên xử (chưa tính những phiên hoãn) với 14 thẩm phán và bảy hội thẩm nhân dân tham gia. Sắp tới số phiên xử với số lượng thẩm phán, hội thẩm nhân dân tham gia chắc chắn sẽ còn tăng thêm nữa.
Tan nát gia đình
Năm năm trời kêu oan, Phương luôn nhớ về gia đình nhỏ của mình với người vợ tần tảo làm nghề may tự do và hai đứa con thơ mà khi Phương bị bắt, đứa lớn mới bảy tuổi, đứa nhỏ hai tuổi. “Thỉnh thoảng trong những lần được dẫn đi lấy cung, nhìn thấy khoảng trời xanh, tôi thèm được tự do, thèm có được những phút giây bên vợ con biết nhường nào!” - Phương ngậm ngùi kể.
Nhưng ngày Phương trở về, mái ấm bé nhỏ ấy đã không còn nữa.
Không thấy vợ con đâu trong tối đầu tiên được trả tự do, sáng hôm sau Phương chạy vội xuống nhà mẹ vợ, vồ vập ôm chầm lấy con trai út nay đã được bảy tuổi, lập bập nói: “Bố đây, bố đã về đây!”. Nhưng con trai không nhận ra anh, cứ ngoảnh mặt đi, gọi mẹ!
Và vợ anh, có lẽ những vất vả, truân chuyên trong thời gian một mình nuôi hai con khi chồng phải vào trại đã tạo ra hố sâu ngăn cách. Chị bảo việc về chung sống cứ để từ từ. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định con gái lớn về sống với Phương, con trai sống với mẹ.
Phương nhớ lại khi mới bị bắt Phương vẫn nhận được đồ vợ gửi lên. Những phiên tòa xét xử ban đầu, vợ Phương vẫn hiện diện. Nhưng càng ngày đồ vợ gửi càng thưa dần. Những phiên tòa sau này Phương chẳng còn thấy vợ đâu nữa.
Cũng linh tính đến những chuyện không ngờ nhưng Phương cứ mong đó không phải là sự thật. Cha Phương kể sau này mỗi khi Phương hỏi ông cứ phải nói dối rằng “vợ con bận chăm cháu quá, không lên được”.
Từ ngày Phương được trả tự do, hai vợ chồng mới chỉ gặp nhau nói chuyện bốn lần. Thỉnh thoảng Phương đến nhà vợ thăm con trai thì vợ đều đi làm vắng nhà. Con gái lớn đang ở với Phương bảo rằng đêm nào cháu cũng nhớ mẹ, nhớ em. Sợ cha buồn nên cháu không dám khóc mỗi khi ở bên cha. “Cháu chỉ muốn cả nhà sống chung với nhau thôi!”.
“Tôi cũng mong hai vợ chồng sẽ đoàn tụ để các con đỡ khổ, đỡ thiếu vắng tình thương và để tôi có cơ hội bù đắp cho vợ con. Nhưng nếu cô ấy không còn tình cảm nữa, chắc chúng tôi sẽ ly dị để cô ấy được tự do, đỡ mang tiếng là có chồng đi tù” - Phương ngậm ngùi nói.
Với Phương, cái giá của tự do, dù tạm thời, là quá đắt vì nó bị đánh đổi bằng cả mái ấm gia đình!
Kết án theo lời khai của phía nạn nhân
Tại phiên phúc thẩm (lần ba), đại diện VKS đã đề nghị HĐXX hủy án sơ thẩm để điều tra lại vì việc điều tra của cấp sơ thẩm không đầy đủ.
Theo HĐXX, quá trình điều tra, truy tố, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã thực hiện không đúng quy định của BLTTHS trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; trong việc chứng minh tội phạm; chỉ căn cứ vào chứng cứ buộc tội mà bỏ qua nhiều chứng cứ khác. Tòa sơ thẩm kết án bị cáo chủ yếu căn cứ lời khai của phía nạn nhân là chưa khách quan vì các lời khai mâu thuẫn nhau...
Đặc biệt, tại phiên tòa đã xuất hiện một số tình tiết mới chưa được làm rõ:
Về thương tích của nạn nhân: Nạn nhân vào bệnh viện lúc 23h ngày 9.4.2008 và khai đi xe đạp tự ngã, sau ngã tỉnh táo. Trong khi đó, người đưa nạn nhân đi bệnh viện khai mình đứng ra khai giùm với bác sĩ như trên vì sợ khai đánh nhau thì thủ tục nhập viện phức tạp, không được bảo hiểm. CQĐT đã không lấy lời khai của bác sĩ lập bệnh án là chưa khách quan, chưa đầy đủ. Bởi lẽ đây là chứng cứ rất quan trọng để xác định thương tích của nạn nhân là do đi xe đạp tự ngã hay do bị ném gạch.
Về hung khí gây án: CQĐT không thu giữ được. Lời khai của nạn nhân và mẹ nạn nhân có mâu thuẫn về hung khí Phương sử dụng là đá hay gạch.
Mẹ nạn nhân lúc đầu không khai rõ ai là người ném nạn nhân nhưng về sau lại khẳng định là Phương. Lời khai của tám nhân chứng là hàng xóm của nạn nhân cũng có mâu thuẫn với nhau. Đặc biệt, bảy người trong số đó (Công an phường Phú Xá lấy lời khai ngay từ đầu) đứng gần hiện trường chứng kiến nhưng không ai khai có nhìn thấy Phương cầm gạch ném nạn nhân. Chỉ có một người (sau hơn 16 tháng xảy ra vụ việc, CQĐT mới lấy lời khai) lại khai nhìn thấy “người đứng cạnh xe máy” ném gạch về phía nạn nhân nhưng không biết có trúng không…
(Theo Chân Luận/Pháp luật TP.HCM)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.