Ninh Bình: Chú trọng nâng cao thu nhập của người dân

Chủ nhật, ngày 22/07/2012 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Đã đi được 5 bước” là nhận định của ông Trần Văn Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Ninh Bình khi trao đổi với phóng viên NTNN về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Bình luận 0

Ông Hà cho biết: Sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Ninh Bình đã thực hiện được cơ bản 5/7 bước và chọn được 25 xã điểm để chỉ đạo; ra nghị quyết chuyên đề của Tỉnh uỷ; xây dựng xong đề án NTM cấp tỉnh được HĐND tỉnh thông qua. Bước đầu các xã điểm đã tạo phong trào, khí thế thi đua xây dựng NTM.

img
Ninh Bình đang tập trung phát triển sản xuất để xây dựng NTM.

Những kết quả cụ thể mà tỉnh đã đạt được là gì?

- Tính đến 30.6, 100% số xã ở Ninh Bình đã hoàn thành xong quy hoạch chung và đề án xây dựng NTM (riêng 25 xã điểm của tỉnh đã hoàn thành trong năm 2011). Toàn tỉnh có 53 xã đang triển khai quy hoạch chi tiết về: Mạng lưới điểm dân cư; không gian kiến trúc hạ tầng khu trung tâm xã; sử dụng đất… Nhìn chung, sau gần 2 năm thực hiện, cơ bản các xã đều tăng tiêu chí đạt được so với năm 2010. Riêng 25 xã điểm của tỉnh, mỗi xã tăng bình quân từ 2-3 tiêu chí, đặc biệt có xã Yên Bình (thị xã Tam Điệp) và Gia Lập (huyện Gia Viễn) tăng thêm 5 tiêu chí.

Để có được nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như trên, tỉnh Ninh Bình đã huy động sức dân ra sao, thưa ông?

- Xác định Chương trình xây dựng NTM là một chương trình lớn, nên tỉnh đã bố trí tổng nguồn vốn cho chương trình đạt khoảng hơn 326 tỷ đồng, bao gồm: Kinh phí trực tiếp thực hiện chương trình là 83,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư hỗ trợ 21,9 tỷ đồng và ngân sách địa phương là 61,5 tỷ đồng.

Với khoản đầu tư từ ngân sách T.Ư, tỉnh bố trí 12,3 tỷ đồng vốn đầu tư xây dựng tương đương với 12.500 tấn xi măng, tỉnh giao cho 3 nhà máy xi măng cung ứng hỗ trợ cho 25 xã điểm, mỗi xã khoảng 500 tấn làm đường giao thông nông thôn.

Ngoài ra, có 156 tỷ đồng kinh phí các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn toàn tỉnh phục vụ cho các chương trình, dự án như việc làm, nước sạch, giảm nghèo, văn hoá, giáo dục…

Riêng khoản đóng góp của nhân dân cũng đã huy động được 86,6 tỷ đồng, trong đó 57 xã có 8.038 hộ hiến đất với tổng diện tích hơn 25,5ha (ước giá trị hơn 23 tỷ đồng); 13.216 hộ đóng góp bằng tiền, nguyên vật liệu, tài sản trên đất, công lao động với tổng giá trị là gần 63,5 tỷ đồng để làm đường giao thông, làm nhà…

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Ninh Bình, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng mới được trên 1.066 công trình hạ tầng nông thôn với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1.559 tỷ đồng gồm: Giao thông nông thôn 511 công trình với 214km; thuỷ lợi 108 công trình và xây dựng, nâng cấp 17 công trình nước sạch tập trung, 12 bãi chứa rác thải…

Vấn đề được coi là mấu chốt của Chương trình xây dựng NTM là hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Việc này được Ninh Bình thực hiện như thế nào?

- Thực tế, đây là vấn đề khó khăn nên tỉnh đã rất chú trọng nội dung này. Đến nay, Ninh Bình đã ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ các tổ chức và cá nhân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống; các xã đã cơ bản quy hoạch các vùng sản xuất sản phẩm hàng hoá theo lợi thế, chủ lực và mang tính chiến lược.

Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn cho hơn 10.000 lượt người và dạy nghề cho 5.383 học viên theo học nghề. Vốn hỗ trợ cho phát triển sản xuất đã tăng từ 20 tỷ đồng năm 2011 lên 30 tỷ đồng năm 2012. Nhờ đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, thu nhập của người dân năm 2011 đã tăng khoảng 13,6% so với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo ở một số địa phương giảm đáng kể, có xã như Xuân Thiện (Kim Sơn) giảm 3%.

Xin cảm ơn ông!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem