Nở rộ điểm bán bảo hiểm xe máy: Ai được hưởng lợi?

22/05/2020 09:23 GMT+7
Kể từ ngày lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an đồng loạt ra quân tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, làm cho thị trường buôn bán bảo hiểm xe máy, ô tô "nở rộ" trên các tuyến phố, mạng xã hội.

Hiện nay, việc mua bán bảo hiểm xe máy, bảo hiểm ô tô hoạt động rất sôi nổi từ mạng xã hội cho đến các tuyến phố, tuyến đường, bất kể người tham gia giao thông nào cũng có thể tiếp cận để mua bảo hiểm một cách dễ dàng. Đặc biệt, người dân đổ xô đi mua hiểm mô tô xe máy, kéo theo nhiều dịch vụ cung cấp bảo hiểm rao bán như… bán rau. Người dân có nhu cầu muốn mua bảo hiểm xe máy thì chỉ cần một thao tác rất đơn giản là lên mạng xã hội gõ tìm kiếm "bán bảo hiểm xe máy" là có thể mua được.

Nở rộ điểm bán bảo hiểm xe máy - Ảnh 1.

Người dân chỉ cần lên mạng xã hội là có thể mua được bảo hiểm xe máy. Ảnh: Thế Anh

Tại Hà Nội, trên các tuyến đường phố, người dân cũng rất dễ dàng tiếp cận được người bán bảo hiểm xe máy, việc bán bảo hiểm ở rất nhiều tuyến đường như: Xuân Thủy, Cầu Giấy, Dương Đình Nghệ, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng… Đặc biệt, tại các cây xăng cũng cung cấp, bán loại bảo hiểm phục vụ người đi xe máy này.

Dịch vụ cung cấp, bản bảo hiểm được rao bán nhiều, kéo theo đó là giá cả của bảo hiểm cũng có nhiều chênh lệch khác nhau khiến cho bản thân người mua không tin tưởng vào giá trị của loại bảo hiểm này mà chỉ để đối phó. Đặc biệt, người dân vẫn không tin tưởng vào những quyền lợi của người được hưởng từ khả năng chi trả bồi thường của đơn vị bán bảo hiểm.

Đáng chú ý, đối với nhiều người dân việc mua bảo hiểm xe máy, bảo hiểm ô tô được coi như là nhiệm vụ bắt buộc, "mua cho có" để đối phó với lực lượng chức năng mà không hiểu hết quyền lợi của người tiêu dùng là gì?

Nở rộ điểm bán bảo hiểm xe máy - Ảnh 2.

Luật sư Diệp Năng Bình.

Để giải đáp những băn khoăn của người dân, Trao đổi với PV Dân Việt, Luật sư Diệp Năng Bình, Đoàn Luật sư TP Hồ Chính Minh cho biết: "Theo quy định tại Thông tư 22/2016 của Bộ Tài chính: Chủ xe cơ giới khi tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam phải tham gia bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe. Trường hợp người điều khiển mô tô, xe gắn máy mà không có hoặc không mang theo giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự còn hiệu lực có thể bị phạt số tiền từ 100.000 - 200.000 đồng, theo quy định tại Nghị định 100/2019".

"Bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm nhằm giúp chủ xe trong trường hợp chẳng may gây ra tai nạn thì đơn vị bảo hiểm đứng ra bồi thường một khoản tiền cho nạn nhân (tất nhiên, muốn được bồi thường thì phải không thuộc trường hợp mà bảo hiểm không bồi thường). Bảo hiểm trách nhiệm dân sự sẽ không bồi thường trực tiếp cho chủ xe cơ giới", Luật sư Diệp Năng Bình nêu rõ.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, bảo hiểm xe máy có thể chia làm 4 sản phẩm: Bảo hiểm trách nhiệm dân sự; Bảo hiểm vật chất xe; Bảo hiểm mất cắp; Bảo hiểm tai nạn cho người ngồi trên xe. Khi tham gia giao thông, bắt buộc bạn phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự, nếu không sẽ bị xử phạt. Trong đó, bảo hiểm trách nhiệm dân sự không bồi thường cho chủ xe. Chủ xe muốn được bồi thường về xe hay tính mạng cho chính mình, thì phải mua một trong các loại bảo hiểm còn lại, bên cạnh bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc.

Theo TS. Trần Hữu Minh, Phó Chánh văn phòng Uỷ ban ATGT quốc giá cho biết, với hơn 61 triệu mô tô và hơn 4 triệu ô tô đã đăng ký, thị trường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm chủ xe cơ giới có tiềm năng rất lớn nhưng chưa được khai thác một cách hiệu quả, chưa hấp dẫn được người tham gia.

Lý giải về điều này, TS Trần Hữu Minh cho rằng: "Một phần là do sự "cào bằng" trong cả mức phí tham gia cũng như mức chi trả: Chẳng hạn từ 18 - 27 tuổi là độ tuổi mà rủi ro gây tai nạn rất cao thì chắc chắn là nhóm đó sẽ phải chịu mức bảo hiểm cao hơn".

"Nguyên lý chung của bảo hiểm là như vậy, tôi nghĩ cái đó sẽ công bằng và chính xác hơn rất nhiều so với mức bảo hiểm đồng đều hiện nay, ví dụ tôi là người đi ô tô tôi mua đồng đều giống như người khác, tôi mua xe máy cũng giống thế", TS. Trần Hữu Minh cho hay.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông (CSGT), trong tổng số 13.155 trường hợp vi phạm bị lập biên bản xử lý, có 652 xe khách, 114 xe container, 1.666 xe tải, 1.031 xe con vi phạm; 8.699 trường hợp mô tô vi phạm bị xử lý…. Lực lượng CSGT đã tước 620 GPLX các loại, phạt tiền 7,8 tỷ đồng, Tạm giữ phương tiện 2.113 trường hợp

Trong đó, tình trạng người tham gia giao thông có nồng độ cồn vẫn ở mức cao với 916 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn và 2.074 trường hợp vi phạm quy định về mũ bảo hiểm. Đặc biệt, lực lượng CSGT cả nước cũng đã phát hiện, xử lý 1.481 trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc đăng ký xe, giấy phép lái xe, đăng ký xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, tẩy xoá bị lực lượng chức năng phát hiện xử lý.

Đại diện Cục CSGT cho biết, các tổ công tác, đơn vị thuộc Cục CSGT làm nhiệm vụ trên các tuyến cao tốc đã lập biên bản 131 trường hợp (xe khách có 35 trường hợp; xe container có 7 trường hợp, xe tải có 13 trường hợp, xe con 45 trường hợp; mô tô có 2 trường hợp; phương tiện khác có 29 trường hợp), phạt tiền 216,3 triệu đồng; tạm giữ phương tiện của 7 trường hợp; tước GPLX 21 trường hợp.

Thế Anh
Cùng chuyên mục