Nồi cháo của các nữ tu
Những ngày gần lễ Noel, các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres (Giáo xứ Hà Nội) càng bận rộn bởi ngày phải nấu 3 bữa cháo cho bệnh nhân nghèo. Hơn 10 năm qua, từ 1 nồi cháo, các nữ tu sĩ đã nhân lên 2 nồi rồi 3 nồi/bữa.
Các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres chia cháo cho người nghèo, bệnh nhân... Bảo Yến
Giờ đây, cứ vào lúc 10 giờ sáng từ thứ 2 đến thứ 6, các tu nữ đẩy chiếc xe kéo trên đó có một nồi cháo lớn ra cổng tu viện. Ở đó có khoảng 100 bệnh nhân (hoặc người nhà của họ), từ Bệnh viện Việt Nam - Cuba và Viện Mắt gần đó đến nhận cháo. Vào lúc 4 giờ chiều, họ lại mang cháo đến cho 200 bệnh nhân khác ở các Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức và K1 cách đó khoảng 1 cây số.
Để có được một bát cháo vừa đầy đủ dinh dưỡng vừa hợp khẩu vị của người bệnh, lại phải dành thời gian cho công việc, học tập, sinh hoạt nên các nữ tu đã phải thức dậy từ rất sớm để chuẩn bị. Nguồn quỹ để nấu cháo là tiền của nhà dòng và các nhà hảo tâm đóng góp, chi phí cho mỗi nồi cháo khoảng 600.000 đồng “Cứ 4 rưỡi sáng chị em đã phải thức dậy chuẩn bị cho nồi cháo, sau khi bắc cháo lên thì bọn mình đi chợ rồi mới về tiếp tục học tập và sinh hoạt. Nhưng dù bận gì đi nữa thì nồi cháo luôn được đặt lên hàng đầu vì nếu lỡ bị khê thì bữa đó người bệnh lại phải đi mua thức ăn”– nữ tu Maria Nguyễn Thị Tuyết cho biết. Chị Tuyết cũng cho hay, thành phần cháo thường xuyên được thay đổi để cho người bệnh ăn đỡ bị ngán, khi thì cháo thịt, cháo bí đỏ, cháo rau, khi thêm khoai tây... và tất cả đều phải tươi ngon và đảm bảo vệ sinh.
“Nhờ những bát cháo miễn phí này mà tôi đã để dành được 1,2 triệu đồng và số tiền này tôi đã trả viện phí cho cha mình ở Bệnh viện K1”- đó là sự cảm kích của bác Dũng (quê Bắc Ninh) khi nói về nồi cháo tình thương của các tu nữ dòng Saint Paul de Chartres.
Cô Nguyễn Thị Loan (53 tuổi, quê Nghệ An) cho biết, hai vợ chồng cô đi buôn đồng nát, làm thuê gom góp được chút ít nhưng giờ chồng đang chữa bệnh trong viện K1 đã hơn 10 tháng tiêu tốn cả trăm triệu đồng. Bao nhiêu ngày ở bệnh viện là bấy nhiêu ngày cô xuống lấy cháo phát của các nữ tu: “Tôi ăn cháo đủ 3 bữa/ngày, cháo ở đây còn có thịt chứ ở quê nhiều hôm đi làm về mệt mà vẫn chỉ có cháo trắng thôi. Ăn tiết kiệm để còn dành tiền chữa bệnh”- cô Loan chia sẻ.
Điểm đến tin cậy của giáo dân nghèo
Với nhiều bà con giáo dân nghèo, phòng khám tại giáo xứ Phanxicô Xaviê (thuộc Hội Chữ thập đỏ quận 5, TP.HCM) đã trở thành một điểm đến tin cậy.
Chia sẻ
Nhờ những bát cháo miễn phí này mà tôi đã để dành được 1,2 triệu đồng và số tiền này tôi đã trả viện phí cho cha mình ở Bệnh viện K1”.
Theo linh mục Phanxicô Xaviê Huỳnh Trụ - Chánh xứ giáo xứ Phanxicô Xaviê, do thấy khu vực quanh xứ có rất đông người bị bệnh tật nhưng hoàn cảnh lại vô cùng khó khăn, bên cạnh đó một số giáo dân người Hoa trong xứ lại giỏi Đông y, châm cứu và bấm huyệt sẵn lòng khám chữa bệnh miễn phí cho những hoàn cảnh trên nên ông đã mở phòng khám trong khuôn viên giáo xứ để khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân.
Hiện phòng khám đã có khu Tây y, Đông y, bấm huyệt, châm cứu, hoạt động vào các sáng thứ 2 -4 -6 hàng tuần. Mỗi buổi nhận từ 40 – 50 bệnh nhân. Bà Phụng Tiên – một bệnh nhân đang điều trị tại đây, phấn khởi cho biết: “Sau khi bị tai biến cách đây 2 năm, tôi gần như không thể đi lại được, mọi sinh hoạt rất khó khăn và đều phải dựa vào người thân. Hơn một năm được các y bác sĩ ở phòng khám chạy chữa, giờ tôi có thể tự chăm sóc bản thân, tự chống gậy để đi lại”.
Linh mục Trụ chia sẻ, mỗi năm để duy trì hoạt động phòng khám phải chi khoảng 100 triệu đồng. Ngoài tiền vận động các Mạnh Thường Quân, còn có của các nhân viên y tế tại phòng khám đóng góp. Cũng theo linh mục Trụ, giáo xứ Phanxicô Xaviê có khoảng 3.000 giáo dân thì 1/3 là người Hoa. “Tại giáo xứ các hoạt động giữa cộng đoàn Hoa khá tốt đẹp. Mọi người sẵn sàng giúp đỡ nhau và cùng nhau tham gia vào các công việc chung của giáo xứ. Phòng khám cũng thu hút rất nhiều tấm lòng tình nguyện”. Ông Lưu Chí Tài- kỹ thuật viên bấm huyệt là một Hoa kiều sống ở Mỹ về Việt Nam được 6 năm thì đã gắn bó với phòng khám này hơn 4 năm. “Tôi cảm mến sự yêu thương đùm bọc nhau của các nhân viên y tế; của y, bác sĩ đối với bệnh nhân nghèo tại đây mà quyết định ở lại làm việc”- ông Tài nói.
Lo “cần câu cơm” cho mọi người
Những ngày này về giáo xứ Long Phú (thị trấn Long Phú, Sóc Trăng) đã thấy giáo dân nô nức trang hoàng giáo xứ mừng Chúa giáng trần. Tuy nhiên, không khí hồ hởi có lẽ còn đến sớm hơn khi trước đó hơn chục họ dân nghèo ở ấp Khoang Tang (thị trấn Phú Long) nhận được xuồng từ sự hỗ trợ của linh mục Chánh xứ Long Phú Lý Thanh Việt.
Bà Sa Cha - một người ở ấp cho biết: “Với người dân nghèo ở đây có được chiếc xuồng là có miếng ăn”. Thực tế, phần lớn người dân ở đây là người Khmer và sống bằng nghề làm thuê, làm mướn theo mùa trong năm như: Cấy lúa, cắt lúa, trồng và thu hoạch mía. Cuối năm hết việc là bà con lâm vào cảnh khó khăn. “Giờ có chiếc xuồng rồi tui có thể đi giăng lưới, câu cá bán, sống qua ngày” - bà Sa Cha cười tươi rói.
Linh mục Việt cho biết, chính vì nhận thấy đời sống bà con còn quá nhiều khó khăn và nhận thấy chiếc xuồng sẽ rất hữu ích với địa phương sông nước này nên ông quyết định thực hiện Chương trình “Xuồng tình thương” và triển khai thực hiện ở 4 xã, thị trấn với hàng trăm hộ giáo dân hưởng lợi. “Tôi làm vì bác ái chứ không nghĩ ngợi gì cả” - linh mục Việt chia sẻ.
Bên cạnh giúp bà con chiếc xuồng mưu sinh trên sông nước, hiện linh mục Việt còn giúp trẻ em học hành, nhất là những trẻ em trong gia đình khuyết tật, xây dựng hũ gạo tình thương, đóng các giếng nước sạch cho bà con sử dụng, xin học bổng và xe đạp cho học sinh, xin quần áo cũ cho bà con nghèo… Noel năm nay, nhiều giáo dân đã có đủ tiền để lo chu đáo cho Lễ Giáng sinh.
T.Đ
Vui lòng nhập nội dung bình luận.