Nỗi buồn sau cuộc di dân lịch sử: Kiếp sống lậu

Thứ sáu, ngày 13/04/2012 18:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hiện còn khoảng 100 hộ dân vạn đò TP. Huế đang sống lậu trên các con sông. Đây là những hộ không chịu lên bờ hoặc đã lên bờ nhưng sau đó quay lại thuyền do nhà cửa không đảm bảo.
Bình luận 0

Có nhà nhưng không thể ở

Trên chiếc đò nhỏ xập xệ đậu bên âu thuyền của khu tái định cư Lại Tân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang), vợ chồng anh Nguyễn Văn Gái và 2 đứa con ngồi thẫn thờ nhìn chiều buông. Bố mẹ anh Gái có 4 người con và đều đã lập gia đình. Vì tất cả con cháu chưa tách hộ nên gia đình anh có đến 25 thành viên. Vậy nhưng, khi về khu tái định cư, gia đình anh chỉ được phân mua 2 căn hộ cấp 4 liền kề, mỗi căn hộ rộng 40m2.

img
Nhà tái định cư quá chật chội, 73 hộ dân ở khu tái định cư thôn Lại Tân phải bỏ nhà xuống đò sống “lậu”.

Lượng người quá đông trong khi nhà cửa chật hẹp làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn nên vợ chồng anh Gái và vợ chồng 2 người anh phải dắt con cái quay lại sống trên đò. “25 mạng người nhét vào 80m2 thì khác chi ép xác”- anh Gái bức xúc. Theo anh Gái, trước lúc về khu tái định cư Lại Tân, bố mẹ anh đã làm thủ tục tách hộ cho con cái, nhưng không được chính quyền TP. Huế chấp thuận với lý do làm ảnh hưởng đến dự án tái định cư dân vạn đò.

Từ ngày chạy trốn “ngôi nhà ép xác”, cuộc sống của vợ chồng anh Gái cũng như vợ chồng 2 người anh khác tiếp tục là chuỗi ngày lênh đênh trên sông nước. “Việc sinh sống bằng đò này bị coi là sống “chui”, sống “lậu”, đi đâu bị xua đuổi đó nên tủi nhục lắm ”- chị Dương Thị Cúc - vợ anh Gái, buồn bã nói. Anh Nguyễn Văn Táng, anh của anh Gái, tiếp lời em dâu bằng giọng bức xúc: “Vì không muốn bán rẻ thêm miếng đất, căn nhà mà họ cấm chúng tôi tách hộ, trong khi đó là quyền lợi chính đáng của người dân”.

Ở khu tái định cư Lại Tân, bên cạnh những hộ sống “lậu” bằng đò, còn có nhiều hộ sống “lậu” bằng những ngôi nhà chồ hay những căn lều rách bươm dựng bên mép ao thuyền. Gia đình ông Nguyễn Văn Xin có 5 cặp vợ chồng, tính tổng cộng có 27 người, nhưng khi về tái định cư chỉ được cấp 2 lô đất. Không thể chịu cảnh sống “ép xác” nên 3 cặp vợ chồng trong gia đình phải đưa con cái ra bờ ao nơi neo đậu thuyền dựng những ngôi nhà chồ tạm bợ để sinh sống. “Mang tiếng được tái định cư nhưng chúng tôi cơ cực gấp bội thời ở đò, từ chỗ ở cho đến việc mưu sinh”- anh Nguyễn Văn Dũng - một trong những người con của ông Xin đang sống “lậu” bằng nhà chồ, bộc bạch.

Ông Võ Văn Kèn - Trưởng thôn tái định cư Lại Tân, cho biết, hiện toàn thôn có đến 73 cặp vợ chồng và con cái phải sống “lậu” bằng đò, bè và nhà chồ, vì nhà tái định cư được phân chung với gia đình quá chật hẹp. Trước đó, những hộ này muốn tách hộ để được mua nhà, đất ưu đãi riêng, nhưng không được chính quyền thành phố chấp thuận. Tại khu tái định cư vạn đò Hương Sơ, hàng chục cặp vợ chồng cũng đang sống “lậu” vì nguyên nhân tương tự.

Những hộ dân sợ lên bờ

Đêm sông Hương, mưa lạnh. Hàng chục thuyền ca Huế nằm dài bên bến vì không có khách. Vợ chồng ông Nguyễn Văn Phu và mấy đứa con ngồi trên thuyền, mắt nhìn xa xăm... Từ năm 2009, cũng như hơn 1.000 hộ vạn đò sông Hương khác, gia đình ông Phu được tham gia “tái định cư và cải thiện cuộc sống”. Nơi tái định cư của gia đình là khu tái định cư thôn Lại Tân.

Ở thời điểm đó, được lên bờ tái định cư với dân vạn đò TP. Huế là chuyện vui, vì nó thắp lên hy vọng về một cuộc sống mới không còn lênh đênh. Nhưng với gia đình ông Phu, việc được tái định cư là chuyện buồn. Bởi ông Phu biết rõ niềm vui mà những hộ dân vạn đò khác đang “tận hưởng” sẽ chỉ tày gang, vì sau niềm vui lên bờ chớp nhoáng sẽ là những chuỗi ngày cùng cực vì thất nghiệp.

Theo ông Hoàng Thiện - Phó Giám đốc Ban Đầu tư xây dựng TP. Huế, việc thành phố không cho người dân vạn đò tách hộ là để hạn chế tăng số hộ vạn đò, làm ảnh hưởng đến dự án tái định cư. Về việc khoảng 100 hộ vạn đò đã được phân nhà, nhưng đang sống “lậu” vì nhà chật, ông Thiện cho biết chính quyền thành phố sẽ phối hợp với các địa phương vận động họ lên bờ, nếu không lên thì sẽ cưỡng chế.

“Miếng cơm manh áo của gia đình tui phụ thuộc hoàn toàn vào nghề chạy thuyền phục vụ ca Huế trên sông Hương. Nếu phải về sống ở cái nơi xa tít kia thì đồng nghĩa với việc phải bỏ nghề, mà bỏ nghề thì cả nhà sẽ chẳng biết dựa vào gì để sống”- ông Phu giải thích lý do gia đình ông không về khu tái định cư. Quyết bám trụ lại nơi hành nghề nên đã 3 năm nay, gia đình ông chưa biết hình thù của ngôi nhà tái định cư được phân ở thôn Lại Tân.

Gia đình ông Đỗ Văn Đối - một hộ vạn đò khác hành nghề chạy thuyền ca Huế sông Hương cũng “khước từ” nhà tái định cư được phân ở Lại Tân để bám nghiệp. “Chúng tôi được phân nhà mà vẫn bám sông không lên ở nên bị coi là sống “chui”, sống “lậu”. Bị xua đuổi dữ lắm, nhưng để bám nghề mưu sinh thì phải chấp nhận”- ông Đối kể.

Ông Võ Văn Kèn - Trưởng thôn tái định cư Lại Tân, cho biết, khu tái định cư này có 8 ngôi nhà liền kề đã đóng cửa im ỉm một thời gian dài. Đây là nhà đã được phân cho 8 hộ dân vạn đò hành nghề chạy thuyền ca Huế trên sông Hương, nhưng những hộ này không về ở. “Những ngôi nhà tái định cư này cũng không phải do đích thân các hộ dân trên bốc thăm, mà do UBND phường Vĩ Dạ bốc thay, vì khi tổ chức bốc thăm để nhận nhà, những hộ này không đến”- ông Kèn nói.

Kỳ cuối: Bao giờ hết lênh đênh?

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem