Nỗi đau bao trùm ngôi trường 4 học sinh tử vong vì tai nạn xe máy

Hà Thanh Thứ ba, ngày 27/08/2019 20:14 PM (GMT+7)
Sau 2 ngày xảy ra vụ tai nạn thương tâm khiến 4 học sinh tử vong và 1 học sinh bị thương nặng, không khí ảm đạm vẫn bao trùm cả trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên - ngôi trường các nạn nhân đang theo học hệ THPT tại đây.
Bình luận 0

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, ông Nguyễn Đức Trung – Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên cho biết: Trong 20 năm công tác tại trường, đây là lần đầu tiên xảy ra sự việc đau lòng như thế này nên nhà trường cảm thấy vô cùng đau xót và bối rối. Ngay trong buổi sáng xảy ra vụ tai nạn, nhà trường đã bố trí 4 ca xe, cùng theo mỗi xe là một đoàn cán bộ của trường đưa các học sinh tử nạn về quê để cùng gia đình lo hậu sự và thắp hương cho các em.

Đồng thời nhà trường cũng hỗ trợ cho gia đình mỗi học sinh tử nạn 5 triệu đồng. Bên cạnh đó còn nhiều nguồn hỗ trợ khác từ tập thể cán bộ, giáo viên trong trường. Còn đối với em Lò Thị Thập, nạn nhân duy nhất còn sống trong vụ tai nạn, phía nhà trường cũng thường xuyên cử người đến thăm hỏi, động viên và chia sẻ với gia đình, ngoài ra còn hỗ trợ thêm cho gia đình em Thập 3 triệu đồng.

img

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Thái Nguyên chia sẻ với PV báo Dân Việt.

“Vì sự việc xảy ra quá bất ngờ nên thời điểm này nhà trường đang tập trung vào việc thăm hỏi gia đình các nạn nhân và giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc ổn định tâm lý cho các em học sinh trong trường trước thềm năm học mới. Đồng thời sau sự việc này nhà trường đang tiến hành rà soát lại toàn bộ sự việc để có phương án nhằm thắt chặt công tác quản lý học sinh, sinh viên hơn nữa trong thời gian tới," ông Trung cho biết.

Em Chúc Thị Hợp (SN 2004, dân tộc Dao, ở Na Hang, Tuyên Quang) là bạn cùng lớp và cùng phòng ký túc xá với em Triệu Thị Nga - nạn nhân trẻ tuổi nhất tử vong trong vụ tai nạn. Em Hợp bùi ngùi kể lại: “Em và Nga chơi thân với nhau từ sau khi xuống trường học. Tối hôm đó, sau khi các cô trong ký túc xá điểm danh, khoảng 21h30 em và Nga đã cùng nhau trốn ra khỏi ký túc xá để đi dự sinh nhật của bạn Triệu Chàn Vảng. Sau khi đi hát về thì các bạn ngồi xe máy đi trước còn em đi bộ ở phía sau.

Khi thấy các bạn bị tai nạn em đã vội vã chạy lại xem thì thấy bạn Nga vẫn còn thở. Nhưng do lúc đó hoang mang quá nên người em cứ bủn rủn và không biết làm gì, chỉ biết ngồi bên cạnh bạn và chờ người tới giúp để đưa bạn đi cấp cứu. Đến giờ nghĩ lại em vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi của bạn ấy”.

img

Em Chúc Thị Hợp vẫn chưa hết hoang mang khi nhớ lại vụ tai nạn khiến bạn thân của mình là em Triệu Thị Nga ra đi mãi mãi.

Còn em Hà Ngọc Huy (SN 2003, dân tộc Nùng, ở Cao Bằng) - bạn học cùng lớp, cùng phòng với em Lý Văn Phượng (nạn nhân đã tử vong) cũng tham gia buổi sinh nhật, nhớ lại: Khoảng 21h30 tối 24/8, em cùng Phượng trốn ra khỏi ký túc xá đến quán hát karaoke. Đến khi hát xong, em đi bộ về phòng trước thì nghe tin các bạn đi xe máy phía sau gặp tai nạn. Lúc đó em rất lo lắng không biết tình hình các bạn ấy thế nào. Giờ sau khi nghĩ lại em cảm thấy việc làm của mình và các bạn là sai vì đã không chấp hành quy định của trường và không chấp hành đúng luật giao thông, hơn nữa lại còn sử dụng rượu bia khi lái xe. 

"Nếu ngày hôm đó chúng em không trốn ra ngoài và đi uống rượu rồi lái xe thì đã không xảy ra sự việc đau lòng"  Huy bần thần nói thêm.

Cô giáo An Thị Tài, giáo viên chủ nhiệm lớp em Lý Văn Phượng đang theo học chia sẻ: “Sự việc xảy ra ngày hôm đó khiến chúng tôi và các giáo viên trong trường cảm thấy rất đau lòng và bất ngờ. Bản thân tôi là người đầu tiên của trường tiếp xúc với các em tại bệnh viện sau khi tai nạn xảy ra, và cũng chính tôi là người ký vào biên bản nhận bàn giao thi thể các em từ phía bệnh viện nên đến giờ phút này tôi vẫn không khỏi ám ảnh về hình ảnh của các em lúc đó”.

img

Ba cô trò với vẻ mặt đau xót chia sẻ với PV Dân Việt về vụ tai nạn đau lòng tối 24/8 vừa qua.

Là người tham gia giảng dạy 15 năm tại trường, đồng thời lại là tổ trưởng quản lý ký túc xá nên cô giáo An Thị Tài có cơ hội tiếp xúc và gắn bó với hầu hết các em học sinh là người dân tộc thiểu số, hiểu tính cách các em, luôn coi các em như con mình. Sự ra đi của 4 em học sinh khiến cô vô cùng đau xót.

Cô Tài nghẹn ngào: “Em Lý Văn Phượng là con thứ 2 trong gia đình có 5 anh chị em. Gia đình em Phượng có hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Tôi là người trực tiếp đưa em Lý Văn Phượng về quê mai táng, bởi vậy khi chứng kiến hoàn cảnh khó khăn của gia đình em khiến tôi càng thêm thương cảm, xót xa." 

Cũng theo cô giáo An Thị Tài, hằng năm nhà trường đều tổ chức các chương trình tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh, đồng thời phối hợp với Phòng cảnh sát giao thông tỉnh tăng cường tuyên truyền luật giao thông đường bộ. Mong rằng, sự việc đau lòng lần này sẽ là bài học sâu sắc để các em học sinh tuân thủ đúng quy định, quy chế của nhà trường cũng như tuân thủ luật an toàn giao thông để không còn những sự việc đáng tiếc tương tự. 

Sự việc còn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về công tác quản lý học sinh, sinh viên tại các trường phổ thông. Đặc biệt với địa bàn tập trung nhiều các trường cao đẳng, đại học như Thái Nguyên, việc siết chặt công tác quản lý học sinh, sinh viên càng trở nên cấp thiết hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem