Nỗi đau vỡ vụn của những người mất anh chị em song sinh

Chủ nhật, ngày 14/09/2014 07:51 AM (GMT+7)
"1.2.2004, thế giới như vỡ vụn dưới chân tôi. Khi nhìn Anissa nằm trong quan tài, tôi thấy như đang nhìn chính mình", chị Dreiver, 35 tuổi, kể ngày chị song sinh mất.
Bình luận 0

Alyssa và Anissa lớn lên ở Oklahoma (Mỹ). Người chị gái song sinh của Alyssa Dreiver đã qua đời 10 năm trước, trong một tai nạn ôtô ở tuổi 25, nhưng mọi người vẫn hay nhầm chị với Anissa. Họ giống hệt nhau, cùng tóc hoe vàng, mắt nâu và nụ cười thân thiện.

Hai người cùng lớn lên bên nhau ở Oklahoma. Họ mặc quần áo giống kiểu, chỉ khác màu. Khi Dreiver cắt tóc vào năm cuối trung học, Anissa đã khóc vì hai người không còn giống nhau như lột nữa. Kể cả sau khi mỗi người chuyển đến sống ở các thành phố khác nhau và kết hôn, vài tháng một lần, họ vẫn lái xe 6 tiếng đồng hồ để đến gặp và cùng ngủ chung trên một chiếc giường.

Từng trải qua cảm giác mất người thân trong gia đình nhưng với Dreiver, sự ra đi của Anissa hoàn toàn khác. "Anissa là một nửa của tôi. Chị ấy là một nửa tâm hồn tôi, là một phần con người tôi. Đó là người bạn tốt nhất, là bóng hình tôi. Và nay, tôi không còn điều đó nữa", Dreiver bộc bạch.
img

Khi Dreiver cắt tóc vào năm cuối trung học, Anissa đã khóc vì hai người không còn giống nhau như lột nữa. Ảnh: Abcnews.

Dreiver cho biết, đó là một khoảng thời gian khó khăn với mình. Mỗi lần soi gương, chị lại nhớ người đã mất. Tuần trước, Dreiver tìm được một trang Facebook của nhóm "những người đã mất anh chị em song sinh" Twinless Twins.

"Tôi cảm thấy có sự kết nối tuyệt vời với họ - cảm giác tôi chưa từng có với bất cứ nhà tâm lý hay người bạn hoặc thứ gì khác. Không nhà tư vấn nào tôi từng gặp có thể giúp tôi vì họ không hiểu cảm giác tôi phải trải qua", Dreiver nói.

Nhóm hỗ trợ những người mất anh chị em song sinh quốc gia được thành lập từ vài thập kỷ trước. Vài năm qua trang Facebook của nhóm giúp nhiều thành viên kết nối với nhau hơn, đặc biệt là những người ở độ tuổi 25-35, trưởng nhóm Dawn Barnett cho biết. Năm 2012 mới có 250 thành viên, tới nay nhóm đã có 1.500 người tham gia.

"Chúng tôi tin rằng việc giúp đỡ những người khác có cùng nỗi đau mất anh chị em song sinh sẽ giúp chính mình. Sự mất mát này vô cùng sâu sắc bởi chúng tôi đã gắn kết với nhau ngay từ trong bụng mẹ", Barnett nói.
img

Domenick Abbate bị trầm cảm sau cái chết của người anh song sinh Frank. Ảnh: Abcnews.

Domenick Abbate, 40 tuổi, nói anh và người anh trai sinh đôi Frank của mình từng có thể chia sẻ với nhau cả những giấc mơ khi còn nhỏ. Frank, một chuyên gia huấn luyện chó cho đơn vị cứu hỏa sau vụ tấn công 11/9, đã qua đời vì bệnh u bướu năm 2010. Sau cái chết của người anh song sinh, Abbate đã cố gắng sống tích cực nhưng anh sa vào nhậu nhẹt, bỏ việc và gặp trục trặc trong hôn nhân.

"Mỗi khi về nhà, tôi chỉ muốn cuộn mình trong một trái banh. Tôi thấy mất đi sự kết nối. Có cái gì đó đang ăn mòn tôi, từ bên trong", anh kể. Vợ Abbate là người tìm được nhóm những người mất anh chị em song sinh và đề nghị chồng tham dự hội nghị thường niên của nhóm vào giữa tháng 7. Anh cảm thấy ngay lập tức gắn bó với nhóm.

"Hầu hết chúng tôi có câu chuyện giống nhau ở đoạn kết - cảm giác của mỗi người khi người kia không còn. Không ai hiểu điều đó. Chị gái, mẹ tôi đều nói họ hiểu tôi cảm thấy ra sao nhưng thực sự không phải vậy", anh Abbate nói.
img 
Một hoạt động của nhóm Twinless Twins năm 2014. Ảnh: Abcnews.

Carolyn Landis, một chuyên gia tâm lý tại Bệnh viện UH Rainbow Babies & Children tại Cleveland, Ohio (Mỹ) cho biết, cách mỗi người vượt qua cái chết của anh, chị em song sinh rất khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ gần gũi giữa hai người và cả mức độ giống nhau giữa họ.

"Đặc biệt là ở những cặp song sinh giống y hệt nhau. Nó là một hiện tượng tương tự như một người mất đi bạn đời và nhìn thấy một phần của vợ/chồng mình ở đứa con", bác sĩ nói.

Theo bác sĩ Landis, để vượt qua nỗi mát mát này, người còn sống nên tập trung vào ý nghĩa mình là duy nhất, thay vì một cặp với ai khác. Viết ra những kỷ niệm cũng khuây khỏa phần nào. Nhưng bất kể cặp song sinh giống hệt nhau, Landis nhấn mạnh, họ đã trải qua từng cột mốc - từ lúc bắt đầu đi mẫu giáo tới khi rời ghế đại học bước sang ngưỡng 30, nên việc trải nghiệm những dấu mốc mới một mình thực sự khó khăn với người ở lại.

Bà Landis cho rằng, công nghệ mới với việc có thể trò chuyện với nhau qua skype giúp kết nối các đôi song sinh dù họ ở xa nhau về địa lý, thời gian. Cái chết của người này, với người kia vẫn là nỗi đau chẳng khác gì khi hai người ở gần. Một số người rơi vào tình trạng trầm cảm. Khi đó đừng ngại nhờ sự trợ giúp từ các nhà trị liệu. Một số người khác lại tìm đến một tôn giáo nào đó như sự cứu cánh.
(Theo Vnexpress)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem