dd/mm/yyyy

Nơi đây người dân nói không với thả rông gia súc

Thay vì thả rông trâu, bò như trước, vài năm trở lại đây, người dân xã Ngọc Chiến (huyện Mường La, tỉnh Sơn La) đã chủ động làm chuồng trại nuôi nhốt. Làm theo cách này, người dân nơi đây vừa giữ gìn được vệ sinh môi trường, vừa tận dụng được nguồn phân chuồng để bón cho cây trồng.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt/Trang Trại Việt, Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến Lò Văn Sây, cho biết: Ngọc Chiến là xã vùng 3 của huyện Mường La. Lâu nay, người dân trong xã chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, cũng như ở nhiều cơ sở khác trong huyện, trong tỉnh, người dân xã Ngọc Chiến thường thả rông trâu, bò trên nương đồi, trong rừng. Số hộ dân làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nói không với thả rông trâu, bò, dân vùng cao Ngọc Chiến “sống khỏe” - Ảnh 1.

Xã vùng cao Ngọc Chiến không còn cảnh trâu, bò thả rông trên nương đồi.

"Việc thả rông trâu, bò không những gây khó khăn cho công tác thú y, kiểm soát bệnh tật, mà còn là nguyên nhân khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn. Hơn nữa, do không có bàn tay chăm sóc của người dân nên trâu, bò sinh trưởng, phát triển chậm, gầy yếu. Vào mùa đông, thời tiết ở vùng cao Ngọc Chiến khá khắc nghiệt, rét đậm, rét hại kéo dài khiến trâu, bò bị chết rét nhiều. Chỉ tính riêng trong năm 2014, cả xã có trên 600 con trâu, bò bị chết rét, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế" – Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho hay.

Nói không với thả rông trâu, bò, dân vùng cao Ngọc Chiến “sống khỏe” - Ảnh 2.

Người dân xã Ngọc Chiến chủ động làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò.

Câu hỏi đặt ra cho cấp ủy, chính quyền xã Ngọc Chiến là "Làm thế nào để có thể hạn chế tiến tới chấm dứt tình trạng thả rông trâu, bò vốn đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân ?". Năm 2016, sau nhiều cuộc họp bàn, Đảng ủy xã Ngọc Chiến đã đi đến thống nhất, ban hành chủ trương nuôi trâu, bò nhốt chuồng. Để chủ trương này đi vào cuộc sống, xã Ngọc Chiến đã thành lập các tổ công tác. Thành viên các tổ công tác thường xuyên xuống các bản, đến từng nhà dân để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ bà con làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò. Không dừng lại ở đó, xã chỉ đạo các bản đưa nội dung cấm thả rông gia súc vào hương ước, quy ước của bản, ai vi phạm sẽ bị phạt.

Nói không với thả rông trâu, bò, dân vùng cao Ngọc Chiến “sống khỏe” - Ảnh 3.

Các tuyến đường nội bản, ngõ bản ở xã Ngọc Chiến luôn được vệ sinh sạch sẽ.

"Cả hệ thống chính trị của xã cùng vào cuộc thực hiện chủ trương nuôi gia súc nhốt chuồng. Cán bộ, đảng viên trong xã là những người đi tiên phong trong việc vận động gia đình, người trong dòng họ làm chuồng trại nuôi nhốt trâu, bò. Nhận thấy nuôi trâu nhốt chuồng mang lại nhiều lợi ích, người dân các bản mạnh dạn làm chuồng trại xa nhà, hợp vệ sinh để nuôi nhốt trâu, bò. Đến nay, xã Ngọc Chiến không còn tình trạng thả rông trâu, bò. 100% hộ dân nuôi trâu, bò đều đã làm chuồng trại cẩn thận. Đàn trâu, bò trong xã cũng nhờ đó mà tăng lên đáng kể với 4.500 con" – anh Lò Văn Thoa, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho hay.

Đi đôi với việc làm chuồng trại, người dân các bản trong xã Ngọc Chiến còn tích cực trồng cỏ voi làm thức ăn cho trâu, bò. Công tác thú y, tiêm phòng dịch bệnh cho trâu, bò cũng được người dân quan tâm thực hiện tốt.

Nói không với thả rông trâu, bò, dân vùng cao Ngọc Chiến “sống khỏe” - Ảnh 4.

Nuôi trâu nhốt chuồng bán ra thị trường, nhiều hộ dân ở xã Ngọc Chiến thu hàng trăm triệu đồng/năm.

Chỉ vào con trâu to béo, khỏe mạnh đứng trong gian chuồng phía sau nhà, anh Lò Văn Biện, dân bản Đông Suông (xã Ngọc Chiến) vui vẻ nói: Gia đình tôi nuôi trâu từ nhiều năm rồi. Trước đây, nhà tôi nuôi trâu chủ yếu để lấy sức kéo và thường thả rông trên nương đồi. Trâu thả rông không những chậm lớn mà còn gầy yếu và có nhiều rủi ro như ngã vực hoặc là bị chết rét. Năm 2016, nghe lời cán bộ xã, bản, tôi không thả rông trâu nữa mà làm chuồng cho nó ở. Cũng từ đó, tôi mua thêm trâu về nuôi vỗ béo, rồi bán ra thị trường. Mỗi năm, gia đình tôi cũng thu được khoản tiền kha khá từ nuôi trâu vỗ béo đấy.

Theo anh Sây, chăn nuôi gia súc nhốt chuồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, vừa hạn chế rủi ro, lại dễ dàng chăm sóc, kiểm soát được dịch bệnh. Ngoài nguồn thu từ bán trâu, bò ra, người dân còn có thể tận dụng được nguồn phân để bón cho cây trồng. Nuôi trâu, bò nhốt chuồng còn góp phần tích cực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. 

Thanh Ngân