Năm 2010, anh Vũ Đình Khiên (37 tuổi) và chị Nguyễn Thị Thu Trang (26 tuổi) cưới nhau. Cả hai được bố mẹ cho căn nhà cấp 4 xập xệ ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long, Bình Phước làm nơi an cư, bán nước mía và cháo lòng. Một năm sau, căn nhà của vợ chồng trẻ trở nên ấm hơn khi họ đón bé gái đầu lòng.
Hai năm sau, sáng 10/1/2013, thấy vợ đau bụng có dấu hiệu chuyển dạ đứa kế, người chồng tức tốc chở vợ đến Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, cách nhà khoảng một km, nơi con gái đầu đã sinh. "Lúc nằm trong phòng chờ, Trang còn kêu đói bụng nên tôi chạy ra cổng mua ổ bánh mì. Không ngờ khi tôi quay vào thì cô ấy đã sinh", anh Khiên nhớ lại đứa con gái bị bệnh viện trao nhầm hơn 3 năm trước.
Tâm lý anh Khiên bất ổn sau khi phát hiện con gái bị trao nhầm. Ảnh: Phước Tuấn
Căn phòng sinh rộng chừng 25 m2, gồm có 6 giường, nhưng sáng hôm đó chỉ có chị Trang và sản phụ ở huyện Hớn Quản. Cả hai đều sinh được bé gái, cùng nặng 3 kg. Sau khi sinh, các bé được hai hộ lý đưa qua phòng bên cạnh để tắm rửa vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, rồi 30 phút sau bồng ra ngoài cho người thân nhìn mặt.
Năm ngày sau khi sinh, hai mẹ con chị Trang xuất viện về nhà. Gia đình nội ngoại và chòm xóm ai cũng mừng cho hai vợ chồng trẻ đã có cô công chúa thứ hai, khuôn mặt kháu khỉnh, dễ thương.
Thời gian trôi qua, bé gái lớn lên trở thành đề tài bàn tán của nhiều người khi cháu không hề giống ai, kể cả hai bên nội ngoại. "Bé lớn lên mạnh khỏe, nhanh nhẹn, thông minh và rất biết nghe lời. Tuy nhiên, bé có nhiều đặc điểm lạ như ánh mắt, làn da, mái tóc... không giống ai trong gia đình", anh Khiên cho biết.
Với công việc chuyên ngành cơ khí ở TP HCM, hai tuần anh Khiên mới trở về Bình Phước thăm nhà. Công việc nhà cửa và buôn bán cũng như chăm sóc hai con nhỏ đều do chính tay vợ lo liệu. Lời xầm xì của mọi người xung quanh khiến anh Khiên nghi ngờ đứa con hàng ngày mình nuôi nấng không cùng máu mủ.
"Nhiều suy nghĩ cứ đan xen lẫn lộn trong đầu tôi về tình cảm của vợ, rồi con gái có phải của mình hay không? Cứ nghĩ tới, tôi liên tưởng đến chuyện vợ chồng sẽ tan vỡ", người đàn ông này bộc bạch.
Anh âm thầm đi tìm sự thật, tuy nhiên không có được bằng chứng hay dấu hiệu nào cho thấy vợ có tình cảm ngoài luồng với người đàn ông khác. "Mình nghi vậy thôi chứ đâu dám nói ra với vợ vì lỡ không có lại tội cho cô ấy. Nhưng càng lớn thì bé có khuôn mặt khác rõ rệt khiến tôi càng bực bội", anh nói.
Căn phòng được cho là nơi xảy ra sự cố trao nhầm hai bé gái 3 năm trước. Ảnh: Phước Tuấn
Bẵng đi thời gian dài, đầu tháng 5, ông Nguyễn Duy Nguyên (ba chị Trang) trong lúc đi bán bánh mì tại xã Phước An, huyện Hớn Quản, cách nhà khoảng 5 km, thấy người phụ nữ sinh cùng phòng với con gái 3 năm trước đang bế bé gái rất giống con đầu của anh Khiên nên nghi ngờ. Ông liền về báo cho vợ chồng con gái biết.
Chi tiết như gỡ rối những hoài nghi lâu nay của anh Khiên. Gia đình anh liền tìm đến nhà hai vợ chồng bên kia để tìm hiểu. "Tuy nhiên, họ không tin việc bị trao nhầm mà còn tưởng người lạ vào bắt con nên không cho vợ chồng tôi tiếp cận bé, nhiều người trong xóm còn vây lại bảo vệ. Tôi thấy con gái tôi đang nuôi rất giống người phụ nữ đó. Linh cảm người cha cho biết con gái thật của mình ở đây rồi", anh Khiên nhớ lại.
Để chắc chắn và có cơ sở tìm ra sự thật, hôm sau, anh Khiên đưa vợ và con gái lên TP HCM xét nghiệm ADN thì kết quả cho thấy bé không cùng huyết thống. Với mong muốn sớm tìm lại con ruột, người cha làm đơn khiếu nại lên Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long. Ban giám đốc bệnh viện sau đó thống nhất mời hai gia đình đưa bé đi xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy có chuyện trao nhầm bé cho hai sản phụ trong buổi sáng 3 năm trước.
Hai tháng nay, từ ngày biết việc nuôi nhầm con trong 3 năm qua, tâm lý gia đình anh Khiên bất ổn, hai vợ chồng phải nghỉ việc để có thời gian lo đổi con về. Hai vợ chồng anh đã vài lần tiếp xúc với gia đình bên kia để thương thảo, tuy nhiên họ đang chờ trách nhiệm từ phía bệnh viện nên chưa đồng ý đổi bé.
"Nhìn con gái đứt ruột đẻ ra mà 3 năm qua không được chăm sóc khiến vợ tôi chẳng ăn ngủ được mà đổ bệnh, cuộc sống gia đình bị xáo trộn toàn bộ. Giờ tôi chỉ mong việc đổi con sớm được xúc tiến giải quyết", anh Khiên nói.
Lo lắng cho con, nhưng anh chị cho biết vẫn yêu thương hết mực bé gái mà mình nuôi nấng hơn 3 năm qua. "Dù cháu không phải máu mủ của mình nhưng việc chăm sóc từ khi lọt lòng mẹ đến nay cũng đủ để chúng tôi yêu quý và xem như con ruột", anh Khiên tâm sự.
Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long, nơi xảy ra việc trao nhầm trẻ sơ sinh 3 năm trước. Ảnh: Phước Tuấn
Trao đổi với VnExpress, bác sĩ Trần Đình Cường - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa thị xã Bình Long - cho biết, sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo bệnh viện đã rất cầu thị, nhận mọi trách nhiệm dẫn đến sự cố trên ngay khi có kết quả xét nghiệm ADN. Công đoàn, Thanh tra và hai nữ hộ sinh đã trực tiếp đến hai gia đình động viên, thăm hỏi và tìm hiểu tâm tư nguyện vọng.
Ngày 24/6, tại buổi hòa giải có đại diện chính quyền địa phương, bệnh viện đã nhận lỗi trước hai gia đình và đưa ra hướng hỗ trợ tinh thần 10 tháng lương tối thiểu cũng như các khoản phí vật chất mà hai bên phải gánh chịu trong hơn 3 năm qua, đồng thời sẽ đưa hai bé khám sức khỏe tổng quát trước khi trao trả về đúng ba mẹ ruột. "Tuy nhiên, hai gia đình cho biết để về họp bàn suy nghĩ, đến nay bệnh viện vẫn chưa nhận được yêu cầu nào", bác sĩ Cường cho biết.
Theo tường trình của các hộ sinh trực chính hôm ấy, sau khi hai bé ra đời họ đều đánh dấu đồng nhất giữa mẹ và bé. Nhưng khi tắm rửa bé, dấu có thể bị phai nên mới dẫn đến việc trao nhầm. "Đây là sai sót về chuyên môn, bệnh viện đã xây dựng quy trình chặt chẽ hơn trong việc đánh dấu con của sản phụ nhằm không để sự cố đáng tiếc tái diễn", bác sĩ Cường khẳng định.
Phước Tuấn (vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.