"Nỗi khổ" của các nhà thơ vùng sâu vùng xa

Thứ ba, ngày 13/04/2021 07:05 AM (GMT+7)
Bài thơ “Mẹ tôi chửi kẻ trộm” trong chùm 3 bài của tác giả Tòng Văn Hân (Điện Biên) vừa được trao giải B (không có giải A) cuộc thi thơ báo Văn nghệ đang gây ra nhiều tranh cãi, bất đồng trên mạng xã hội. “Nỗi khổ” của các nhà thơ vùng sâu, vùng xa là có thật.
Bình luận 0
"Nỗi khổ" của các nhà thơ vùng sâu vùng xa - Ảnh 1.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và nhà thơ Hữu Thỉnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chung khảo trao Giải Nhì cho các tác giả (thứ 2 trái sang là tác giả Tòng Văn Hân). (Ảnh: PV)

Hơn 60 năm trước, cộng đồng người Thái ở Tây Bắc từng xuất hiện một bài thơ “chửi trộm” lừng danh là “Em tắm” ký tên tác giả Bạc Văn Ùi. Nguyên văn bài thơ: “Sao anh lại rình/ Trộm xem em tắm?/ Da của em ngần trắng/ Da của ái của êm/ Tay của em lấm lem/ Tay của than của bụi/ Tay của rừng của núi/ Tay của đất của nương/ Em tắm xong lại sạch/ Vẫn ngát thơm hoa rừng/ Da của em trắng ngần/ Là của anh tất cả/ Không phải người xa lạ/ Việc gì mà trộm xem!/ Em tắm suối giữa mường/ Tắm trong mối yêu thương/ Có anh đang đứng giữ/ Chớ để Tây đến mường”.

Nhưng hãy thử đọc một đoạn dân ca cũng về tắm dưới đây của người Thái ở Mộc Châu (Sơn La): “Con suối nhỏ chảy dưới rừng cây/ Luôn trong vắt soi từng cành lá/ Em gái út thường tắm soi gương/ Tôm cua ngắm thân tròn quên bạn/ Chim đang hót ngắm mãi quên lời/ Chèo bẻo bay trên rừng quên cánh/ Thương thay những chàng trai chỉ ngó ruộng/ Đi kiếm cá mà không nhìn suối/ Nên không nhìn thấy:/ Vầng trăng tròn dưới mó/Ngôi sao mọc ban ngày...”. Có lẽ chỉ cần giữ nguyên như vậy, đã là một bài thơ rất tuyệt rồi.

“Nỗi khổ” ở đây, là kho tàng văn học, thi ca dân gian của đồng bào Thái cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác của chúng ta giàu có quá, tuyệt vời quá. Nên nhà thơ người dân tộc sẽ phải loay hoay tìm cách thoát/vượt mạnh mẽ tinh hoa của ông cha để có được sáng tạo riêng mình. Còn nếu không, sẽ chỉ là sự “cắt cúp” sao chép, thừa hưởng một cách thô sơ đơn giản, thậm chí ngây ngô sự sáng tạo qua hàng ngàn năm của đồng bào mình. Cho dù đông đảo độc giả, hay cả ban giám khảo các cuộc chấm thi vẫn thấy “lạ miệng”, thấy “hay”, vẫn trao giải...

“Em tắm” (Bạc Văn Ùi), “Nhớ vợ” (Cầm Vĩnh Ui) cùng với “Núi Mường Hung, dòng sông Mã” (Cầm Giang) là 3 trong số 100 bài thơ được bình chọn là “Hay nhất thế kỷ 20”. Mãi sau này, mới hé ra rằng, cả 3 bài thơ đều của cùng một tác giả là nhà thơ Cầm Giang!

Nhà thơ Cầm Giang dân tộc Kinh quê Thanh Hóa tên thật là Lê Gia Hợp, từng kể trên báo, rằng những năm 1950 đi bộ đội lên Tây Bắc, ông nghe cánh lính trẻ người dân tộc kể về nỗi nhớ nhà, nhớ vợ nên đã chuyển những lời tâm sự ấy thành thơ. Nhưng hồi đó chẳng báo nào chịu đăng, vì thơ mang tính “cá nhân” làm “ảnh hưởng đến tinh thần bộ đội!”. Ông bèn đem dân ca Tây Bắc dịch ra tiếng Việt, tu chỉnh lại. Trộn lẫn với những bài mình sáng tác nhưng “giả giọng” dân tộc, ký mấy cái tên người dân tộc là Cầm Vĩnh Ui và Bạc Văn Ùi. Nhờ vậy mấy bài thơ mới được in, và trở nên nổi tiếng.

Nhưng đến cuối đời, qua thế kỷ 21 dù không khí văn chương đã đổi mới, cởi mở, mà nhà thơ Cầm Giang vẫn không chính thức cho rằng “Em tắm” và “Nhớ vợ” là của mình, mà chỉ sưu tầm, dịch từ tiếng Thái. Có lẽ không phải vì ngại bị “quy chụp tư tưởng” như hồi xưa, mà đây là sự thừa nhận của nhà thơ về sự can dự, đóng góp rất lớn của kho tàng văn chương dân gian của đồng bào Thái vào tác phẩm của mình. Nếu quả vậy, thì đây là sự trung thực, thẳng thắn đáng cảm phục.

Đến đây thì hiểu thêm vì sao với bài thơ nổi tiếng “Bóng cây Kơ-nia” viết năm 1959, nhà thơ liệt sĩ Ngọc Anh cứ khăng khăng là mình chỉ “phỏng dịch” theo điệu Kachoi của dân ca đồng bào Hrê ở Tây Nguyên. Nhiều bài thơ khác như “Chiếc khăn thêu”, “Cheo Reo”,... cũng được nhà thơ Ngọc Anh ghi là phỏng dịch từ dân ca Tây Nguyên.

Trở lại với chùm thơ đạt giải của tác giả người Thái Tòng Văn Hân. Bài tổng kết giải của BTC cuộc thi thơ này cho rằng, “Bài Mẹ tôi chửi kẻ trộm có cái ngô nghê, thật thà của một người miền núi, nhưng qua đó là hình ảnh rất đẹp về con người nói chung mà chỉ tư duy của người miền núi mới có được. Về sâu xa, chửi này là chửi có tính triết lý...” (Thơ ca và sự nhân hậu đang tồn tại trong tất cả chúng ta - Báo Văn nghệ số 15, ngày 10/4/2021). Tôi cho rằng trong bài thơ này đúng là có nhiều “ngô nghê, thật thà”, nhưng cho rằng “chửi có tính triết lý” thì là sự áp đặt. Hay nói cách khác, triết lý “phúc đức tại mẫu” (mà dân tộc nào cũng có) ở đây được thể hiện một cách khiên cưỡng, đem lại cảm giác không thật, với chính tâm thức của đồng bào. Tục ngữ của người Thái ở Mộc Châu (Sơn La) có câu: “Có trộm mới có cùm”. Còn người Thái ở Lai Châu thì “Người quen thói ăn cắp, nó thành ma cả bản ghét”.

Xét về ngôn ngữ, thi ảnh, thi tứ, sức liên tưởng, mấy bài thơ được giải của tác giả này cũng không mới, không lạ, không có sự “đột biến” so với kho tàng văn chương dân gian của đồng bào mình. Đồng ý là cần chấp nhận sự khác biệt của chùm thơ này với thi ca phổ biến của những tác giả người Kinh, nhưng vẫn cần có những tiêu chí chung về chuyên môn, một khi minh định giá trị nghệ thuật tác phẩm.

Nói vậy, không phải hạ thấp tác giả vừa xuất hiện khá ấn tượng (theo nhiều nghĩa) này. Mà muốn nói về cái khó, về “nỗi khổ” của những người sáng tạo như anh, khi sống giữa kho tàng văn hóa dân gian khổng lồ của đồng bào mình. Mà được biết bản thân tác giả Tòng Văn Hân suốt gần hai chục năm qua cũng là một người chuyên nghiên cứu, sưu tầm kho tàng ấy, với 12 đầu sách được xuất bản.


Trần Tuấn (Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem