Nổi sóng với bài báo bịa đặt

TS Nguyễn Huy Hoàng (từ Mátxcơva, Nga) Thứ bảy, ngày 21/06/2014 12:07 PM (GMT+7)
Bên cạnh những bài viết của các tác giả vẫn được gọi là những nhà báo "trọng tài vô tư" như Andrew Browne, Helene Cooper, Jeffrey A. Bader… vừa lên tiếng chỉ trích quyết liệt thái độ trịch thượng, trơ tráo của Trung Quốc, thì nhà báo Nga Dmitry Kosyrev lại có những luận điệu bịa đặt khiến dư luận thế giới nổi sóng.
Bình luận 0

Dùng ngòi bút để tự bôi bẩn danh hiệu

Ngày 19.5, trên tờ báo RIA Novosti rất có uy tín của nước Nga đã cho đăng bài "Thoả thuận giữa Mátxcơva và Bắc Kinh tốt hơn mọi lời tuyên bố" của nhà sử học, nhà phương Đông học và là bình luận viên báo chí Dmitry Kosyrev.

Trong bài báo của mình, Kosyrev đề cập tới nhiều vấn đề về quan hệ Nga- Trung đêm trước của chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bắc Kinh, tiến tới một sự hợp tác nhiều mặt và những hợp đồng kinh tế kỷ lục. Điều đáng tiếc là Kosyrev đã dành một phần viết về Việt Nam dưới lăng kính của một nhà bình luận viên võ đoán, một nhà báo đưa ra những thông tin sai sự thật, và là một nhà sử học không tôn trọng những cứ liệu lịch sử.

Không biết căn cứ từ đâu mà bình luận viên của tờ RIA Novosti nổi tiếng lại cho rằng, trước ngày Tổng thống Putin sang thăm, Trung Quốc đã phải tiến hành một cuộc sơ tán hơn 3 ngàn công dân từ Việt Nam thoát khỏi "cuộc tàn sát".

Kosyrev viết: “Chúng tôi xin trích phần mở đầu của Đài RFI ngay vừa sau khi xảy ra cuộc biểu tình chống Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép tại vùng biển đặc khu kinh tế Việt Nam của công nhân Vũng Áng, Hà Tĩnh, để từ đó dẫn đến việc Trung Quốc vội vàng đưa tàu đến đón một bộ phận công nhân của họ làm viêc tại đó”. Sự vô căn cứ này của ông Kosyrev có thể lý giải, hoặc là để lấy lòng ông bạn láng giềng Trung Quốc, hoặc là một chứng bệnh thích dùng ngoa ngữ, hoặc đơn giản theo cách ngôn của người Việt là tráo trở, đổi trắng, thay đen.

Chưa hết, Kosyrev lý giải và biện minh cho hành vi xâm lấn lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc khi ông này hùng hồn đưa ra những thông số rõ ràng là sao y bản chính từ báo chí chính thống Bắc Kinh: "Vào đầu tháng, Trung Quốc đã cố gắng để bắt đầu một thăm dò dầu khí gần các đảo của quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) cách bờ biển Trung Quốc 27km, cách bờ biển Việt Nam 241km...".

Với cách nhìn nhận đơn chiều, nghe thông tin một chiều, vừa thiếu tính khách quan, vừa thiếu tính chuyên nghiệp của một người làm báo, Kosyrev đã vô tình làm vừa lòng những tên cướp biển phương Bắc, nhưng cái chính, ông ta đã tự bôi bẩn danh hiệu và lương tâm của một người làm báo là phủ nhận sự thật một cách trơ trẽn.

Nhà Việt Nam học dạy nhà Trung Quốc học

Nghiêm trọng hơn, trong bài báo của mình, nhà sử học Kosyrev từng là sinh viên của Học viện châu Á và châu Phi thuộc Trường Đại học Mátxcơva danh giá lại hồ đồ cho rằng "Hai ngàn năm trước đây, Việt Nam là một phần của Trung Quốc" !

Nếu câu này được viết ra bởi một người ít học, thì người đọc dễ bỏ qua, nhưng nó lại được viết ra bởi một nhà sử học, một bình luận viên báo chí kỳ cựu, thì nó được đánh giá như là một sự xúc phạm to lớn tới một dân tộc, đặc biệt trong tình hình thế giới đang có những biến động và Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Nó được coi như là việc nối giáo cho kẻ xâm lược, là sự theo hùa với kẻ xâm lược. Bề dày của lịch sử Việt Nam và những chiến công hiển hách chiến thắng xâm lược phương Bắc là sự trả lời và phủ nhận đanh thép đối với luận điệu báng bổ của Kosyrev.

Sau khi bài báo của Kosyrev được đăng tải, một làn sóng phản đối rộng khắp trong bạn đọc ở Nga và ở Việt Nam. Với những học giả Nga nghiên cứu về Việt Nam và phương Đông, đặc biệt là những nhà Việt Nam học, họ không đồng ý với những luận điểm của Kosyrev và quan điểm của ông về Trung Quốc và Kiev, mặc dù quan hệ giữa Nga và Trung Quốc đang ở thời kỳ được hâm nóng lại trong bối cảnh hiện tại.

Đáng chú ý nhất là bài viết sâu sắc như là một sự phản biện của Giáo sư VM Mazyrin - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga với nhan đề Việt Nam không phải là Ukraina với lời đề từ: "Trả lời của một nhà Việt Nam học dành cho một nhà Trung Quốc học". Sau khi phân tích về sự thiên vị thái quá của Kosyrev, Giáo sư Mazyrin đã khẳng định rằng "ông đã biết quá ít về Việt Nam" về lịch sử và tâm thế một dân tộc láng giềng của Trung Quốc, mà điều này đồng nghĩa với sự thiếu khách quan và thiếu trung thực.

Giáo sư Mazyrin đã chỉ ra sự vô lý và sai trái của Kosyrev khi ông đưa ra bằng chứng về "cái gọi là "lưỡi bò", bao gồm quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa mà cho đến nay Trung Quốc đã vượt quá vùng kinh tế 200 hải lý. Yêu cầu để độc quyền kiểm soát một số phần của các khu vực tương tự của các nước ven biển khác, trong đó có Việt Nam, là một sự vi phạm trực tiếp của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển 1982.

Giáo sư Mazyrin đã chỉ ra thủ phạm và căn nguyên của xung đột Biển Đông, đó là tham vọng của Trung Quốc, nó khác xa với tình hình của Ukraine: "Tính nghiêm trọng của tình hình ở Biển Đông gây ra bởi tuyên bố sai trái của Trung Quốc trong vùng biển, trong khi ở Ukraine và trong mối quan hệ Nga-Ukraine - sự can thiệp của một lực lượng thứ ba".

Với sự hiểu biết sâu rộng của một người nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư Mazyrin chỉ ra "sự thiên vị" khi đánh giá tình hình, thiếu khách quan của Kosyrev. Đồng thời, Giáo sư Mazyrin đã nói lên sự không đồng tình của các học giả Nga và ông cảnh báo về sự phẫn nộ của nhân dân Việt Nam trước một bài báo do một hãng thông tấn hàng đầu của Nga do một người được gọi là nổi tiếng viết.

Mặc dù bài báo đã được gỡ xuống, nhưng dư âm của nó không dễ gì một sớm, một chiều lại có thể xoá nhoà được. Sự thiếu khách quan và thiếu trung thực, thậm chí là "hiểu biết quá ít" về Việt Nam như lời Giáo sư Mazyrin nói về bài báo của Kosyrev đã làm cho nó trở nên lạc điệu giữa dàn giao hưởng phản đối hành vi xâm lấn Biển Đông của báo chí nhân loại và phần nào đã làm tổn thương đến lịch sử của dân tộc Việt Nam.


Dmitry E.Kosyrev là ai?
Kosyrev sinh năm 1955, ở Mátxcơva. Sau khi tốt nghiệp Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học quốc gia Mátxcơva và Đại học Nanyang (Singapore), Kosyrev trở thành nhà sử học, văn bằng Đông phương học và niềm tin chính trị. Kosyrev làm việc trong tờ báo "Pravda" từ năm 1979-1991 với vai trò là một phóng viên thường trú ở Đông Nam Á (Malaysia, Singapore, Philippines).
Từ năm 1991-1997, Kosyrev từng làm việc cho Tạp chí "Doanh nhân", phóng viên đối ngoại của "Rossiyskaya Gazeta", Trưởng ban biên tập viên của kết nối thương mại Nga (tại Hongkong... Năm 2001, Kosyrev đầu quân cho RIA Novosti với vai trò là nhà bình luận chính trị. Kosyrev cũng tham gia viết về các lĩnh vực khác như văn học, âm nhạc, sân khấu, xã hội. Kosyrev cũng được biết đến là một chuyên gia về rượu vang và là tác giả của một loạt các tài liệu về các loại rượu vang và đồ ăn nhẹ từ các quốc gia khác nhau. Thậm chí năm 2002-2003, Kosyrev còn đoạt giải “Nhà vô địch hút xì gà”.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem