dd/mm/yyyy

Nông dân Cao Phong phất lên nhờ trồng loại cây này

Nhiều năm trở lại đây, nhiều nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình đã có cuộc sống sung túc và thu nhập cao từ trồng cây ăn quả. Trong diện tích "Vàng" mang lại sự no ấm, đủ đầy này, loại cây có quả bé nhất ngày càng được bà con nhân rộng, trở thành cây chủ lực trong công tác xoá nghèo ở địa phương.

Trước đây bà con nông dân huyện Cao Phong chủ yếu trồng ngô, khoai, sắn và làm lúa ruộng, lúa nương là chủ yếu. Tuy nhiên các sản phẩm nông sản trên liên tục xuống giá, mất mùa khiến không ít nông hộ trên địa bàn huyện gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, nhiều nông dân đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang trồng loại cây có múi như: Bưởi đỏ, bưởi Diễn, Cam Vinh, cam Canh... mang giá trị kinh tế cao hơn.

Là huyện miền núi nhưng Cao Phong lại là 1 trong những địa bàn đi đầu trong phát triển kinh tế – xã hội, cũng như công tác giảm nghèo của tỉnh Hòa Bình. Đóng góp cho thành quả này không thể không nhắc đến việc phát triển thành công của giống cây đặc sản - cam Cao Phong. Cam Cao Phong không chỉ thơm ngon mà còn thay đổi diện mạo của một huyện vùng cao của núi rừng Tây Bắc. Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, phù hợp sự sinh trưởng và phát triển nên cam Cao Phong nổi tiếng thơm ngon, mọng nước, vị ngọt, quả màu vàng óng.

Nông dân Cao Phong phất lên nhờ trồng loại cây này - Ảnh 1.

Hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong có hơn 3.000 ha cam các loại.

Bà Nguyễn Thanh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình cho biết: Thời gian qua, cây cam đã trở thành giống cây làm giàu của nhiều người nông dân. Hiện nay trên địa bàn huyện có trên hơn 3.000 ha. Doanh thu ước đạt hàng trăm tỷ đồng/năm. Sản lượng cam hàng năm đều cho năng suất cao, nhiều hộ nông dân được huyện và Hội tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Từ đó, đã tích luỹ được kinh nghiệm trong trồng trọt sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng cam theo hướngVietGap mang lại lợi ích kinh tế cao hơn.

Theo Nguyễn Thanh Hường, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cao Phong, những năm qua huyện Cao Phong luôn coi trọng việc quảng bá, giới thiệu và giới thiệu sản phẩm cam thông qua hội nghị, hội chợ và các sự kiện trên địa bàn huyện. Cùng với việc phát triển quy mô sản xuất vùng cây ăn quả, chất lượng cam Cao Phong ngày càng được nâng cao, hình dáng quả to đều hơn, ngon, ngọt hơn. Cam Cao Phong đã tạo nên một thương hiệu của tỉnh Hòa Bình và mang những giá trị tiềm năng phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế cho đồng bào các dân tộc ở huyện. Đặc biệt cam Cao Phong đã trở đặc sản được nhiều khách hàng và thị trường đón nhận trong thời gian vừa qua.

Nông dân Cao Phong phất lên nhờ trồng loại cây này - Ảnh 2.

Nhờ trồng cam mà nhiều nông dân đã thoát nghèo và có cuộc sống dư giả.

Theo ghi nhận của PV báo Nông thôn ngày nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt cho thấy, sau khi được các ngành chức năng địa phương tuyên truyền vận động, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích cây trồng cho phù hợp để tăng năng suất và phát triển kinh tế. Từ trên cao nhìn xuống, những cánh đồng cam ở huyện Cao Phong phủ kín những ngọn đồi.

Điển hình hộ gia đình anh Nguyễn Đức Huy, khu 4 (thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) đã có hơn chục năm gắn bó với cây cam. Từ khi chuyển sang trồng cam, cuộc sống của gia đình anh đã khấm khá và có của ăn của để. Anh Huy cho biết: Trước đây cuốc sống của gia đình tôi gặp nhiều khó khăn lắm. Sau đó nhờ sự quan tâm tuyên truyền của huyện, tôi đã mạnh dạn chuyển sang trồng cam. Đến nay, gia đình tôi đã có gần 7ha trồng cam các loại. Trong đó có khoảng 5ha đang cho thu hoạch, mỗi năm cho thu khoảng 100 tấn. Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu hơn 3 tỷ đồng.

Nông dân Cao Phong phất lên nhờ trồng loại cây này - Ảnh 3.

Ông Bùi Đức Biên, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình (người đầu tiên từ trái sang) cùng lãnh đạo thị trấn Cao Phong xuống cơ sở hướng dẫn các hộ nông dân cách chăm sóc và đề phòng sâu bệnh cho cây trồng.

Không chỉ riêng gia đình anh Nguyễn Đức Huy có cuộc sống sung túc và dư giả nhờ trồng cam, hiện nay trên địa bàn huyện Cao Phong còn có hàng nghìn hộ nông dân chuyển đổi diện tích đất bạc màu, kém hiệu quả sang trồng cam đã thoát nghèo và mang lại thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Trong đó có gia đình Bà Đặng Thị Thu sinh sống ở Khu 2, thị trấn Cao Phong, trồng 5.000 gốc cam Canh trên 3ha, mỗi năm bà thu lãi 3,5 tỷ đồng.

Bà Đặng Thị Thu chia sẻ: Tôi trồng cam Canh trên đất vườn từ năm 2006. Tôi mua cây giống ở huyện Văn Giang (Hưng Yên) mang về trồng trên 3ha với số lượng 5.000 gốc. Bình quân 1kg cam Canh đầu vụ tôi bán tại vườn với giá 26.000 – 30.000 đồng/kg, tuỳ theo từng loại. Giữa vụ thì cam Canh giảm xuống chút ít, nhưng nhìn chung cam Canh bán vẫn có giá cao hơn các loại cây ăn quả khác. Cứ đến vụ thu hoạch, các thương lái ở Hà Nội, TP. Hòa Bình, Thái Nguyên, Hà Nam, Vĩnh Phúc đến tận vườn thu mua. Từ khi trồng cam đến nay, cuộc sống của gia đình tôi đã có của ăn của để.

Nông dân Cao Phong phất lên nhờ trồng loại cây này - Ảnh 5.

Vụ thu hoạch cam vừa qua, bà Đặng Thị Thu đã có thu lãi hơn 3 tỷ đồng từ bán cam.

Trước việc nhiều hộ nông dân chuyển đổi cây trồng, huyện Cao Phong đã giao cho các cơ quan chuyên môn như: Phòng Nông nghiệp và Hội Nông dân huyện trực tiếp hướng dẫn khi các nông hộ có nhu cầu tư vấn. Theo đó, huyện đã xuống các xã tư vấn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho bà con nông dân. Khuyến cáo bà con khi bón phân nên tập trung để đồng nhất, ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học và phân hữu cơ. Nói không với các loại chất bảo vệ thực vật, gây hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng. Đồng thời tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, phát triển vùng sản xuất cam theo hướng VietGAP để mang lại thu nhập cao cho người nông dân. Qua đó, nâng cao và quảng bá đặc sản cam Cao Phong đến với người tiêu dùng trong nước và các thị trường nước ngoài khó tính.

Với thị trường tiêu thụ rộng lớn, năng suất ổn định, chất lượng sản phẩm tốt, giá cả khá cao, cây cam hiện là sự lựa chọn đúng đắn mang về nguồn thu lớn cho người dân huyện Cao Phong trong những năm vừa qua.

Hà Hoàng