Nông dân học cách chống lao

Thứ sáu, ngày 31/08/2012 13:39 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Tham gia các lớp tập huấn, chúng tôi mới biết bệnh lao nguy hiểm và dễ mắc bệnh, nhất là những nông dân nghèo như chúng tôi”- bà Lò Thị Tính - nông dân bản Thôm Mòn (xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, Sơn La) cho biết.
Bình luận 0

Hướng về người nghèo

Mô hình nông dân phòng, chống lao do Ban quản lý tiểu Dự án Quỹ Toàn cầu về phòng, chống lao- T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tổ chức điểm tại 2 xã: Thôm Mòn (huyện Thuận Châu) và Chiềng Đen (TP.Sơn La) từ tháng 8.2011.

Đây là 2 xã có nhiều khó khăn chủ yếu là người dân tộc Thái, đời sống còn thấp và hiểu biết về chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ chưa cao. Trong địa bàn cũng đã xuất hiện các bệnh nhân lao nhưng vì không biết bệnh nên việc chữa trị cũng không tới nơi tới chốn.

img
Nông dân tỉnh Sơn La tham gia Hội thi Tuyên truyền viên giỏi về phòng, chống bệnh lao năm 2012.

Bà Lò Thị Anh ở bản Thôm Mòn cho biết, xưa nay bà con trong bản có bệnh cũng ngại đi chữa. Nếu là bệnh lây nhiễm thì khổ cho cả bản. “Đi tập huấn, tôi được biết bệnh lao là bệnh do vi trùng (vi khuẩn) gây ra. Bệnh lao thường tấn công phổi, nhưng có thể lan sang thận, xương, cột sống, não và những bộ phận khác của cơ thể. Bệnh có thể lây qua không khí khi người bị lao phổi chưa chữa trị ho hoặc hắt hơi. Vì thế, người có bệnh nên đi chữa, vì sức khỏe của mình và cả bản”.

Nghĩ thế nên dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng tháng- cứ đến ngày sinh hoạt Chi hội Mô hình nông dân phòng chống lao là bà Anh có mặt rất sớm và chăm chú nghe các giảng viên, cán bộ hướng dẫn nội dung sinh hoạt. "Có thể phòng được bệnh lao cũng như nhiều bệnh tật khác nhờ vào việc khám và điều trị kịp thời; nhờ ăn ở, sinh hoạt sạch sẽ; giao tiếp khoa học"- bà Anh nói.

Còn theo bà Lò Thị Tính (bản Thôm Mòn) thì hiện tại bà con phải làm việc mệt nhọc, môi trường sống lại không được đảm bảo nên rất dễ mắc bệnh lao và các bệnh về phổi. Bà Tính tâm sự: "Nhờ hiểu biết hơn về bệnh, chúng tôi đã học được cách phòng, phống lao hiệu quả. Rất nhiều người trong bản này đã được đưa đi khám bệnh lao, được điều trị theo phác đồ 6-8 tháng và đã khỏi bệnh".

Cần được đầu tư, nâng cao

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Cà Thị Như Loan - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, phụ trách Chương trình Nông dân phòng, chống lao cho biết, từ năm 2011 đến nay, Sơn La đã tổ chức được 3 mô hình "Chi hội Nông dân phòng chống lao" và 1 Câu lạc bộ "Nông dân phòng chống lao", với sự tham gia của gần 400 hội viên, nông dân.

“Khi y tế cơ sở tham gia làm nòng cốt cho dự án thì hiệu quả của mô hình này sẽ được nâng lên rất nhiều”.

“Bà con nông dân tham gia mô hình khá nhiệt tình, sinh hoạt đều đặn hàng tháng, hiểu biết về bệnh lao và bệnh tật nói chung từng bước được nâng lên”- bà Loan cho hay. Từ đầu năm 2012 đến nay, dự án đã tổ chức được 18 buổi sinh hoạt, vận động được 58 người nghi mắc lao đi khám, tư vấn hỗ trợ cho 11 người, điều trị cho 11 bệnh nhân lao, không có người tử vong do bệnh lao…

Nói về hiệu quả của mô hình, chị Hà Thị Cong - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Chiềng Đen tâm sự: “Với xã nghèo như Chiềng Đen thì việc triển khai Mô hình Nông dân phòng, chống lao là rất thiết thực. Từ hiểu biết về bệnh lao, bà con còn có ý thức phòng các bệnh lây nhiễm khác”. Tuy nhiên, cũng theo chị Cong, Dự án cần tăng cường đầu tư để mở rộng đối tượng thụ hưởng ra nhiều bản, nhiều chi hội và có sự phối hợp tốt hơn giữa nông dân với lực lượng y tế xã và y tế thôn, bản.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem