Tham dự hội thảo có hơn 150 đại biểu đại diện cho các bộ, ngành T.Ư, doanh nghiệp, nông dân tiêu biểu, khối các ngân hàng thương mại, cùng đông đảo các tổ chức, cá nhân, đơn vị…
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP Đà Nẵng cho biết: “Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên có nhiều lợi thế và tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên để phát triển nông nghiệp. Tuy nhiên, là khu vực thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ, vì vậy, việc phát triển nông nghiệp nói chung, nông nghiệp ứng dụng CNC nói riêng cần phải được nghiên cứu, từ đó đưa ra những giải pháp tối ưu nhằm thích ứng tốt nhất với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay.
Việc lựa chọn phát triển sản xuất NNCNC, sản xuất nông nghiệp an toàn theo hướng hữu cơ, sinh thái là định hướng có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong suốt thời gian qua…”.
Quang cảnh hội thảo NNCNC diễn ra tại Đà Nẵng
Theo ông Trần Viết Phương, để thu hút đầu tư vào NNCNC, thời gian qua nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn thu hút đầu tư (như: Lâm Đồng, Cần Thơ, Vĩnh Phúc, Thành phố Hồ Chí Minh...).
Hội thảo lần này là cơ hội để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong sản xuất NNCNC và cũng là diễn đàn để các đại biểu trực tiếp giao lưu trao đổi, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm trong triển khai sản xuất NNCNC, phân tích các thuận lợi, tồn tại của NNCNC để có các đề xuất, giải pháp cả về cơ chế, chính sách, lựa chọn hướng đi phù hợp để phát triển NNCNC.
Ông Trần Viết Phương - PGĐ Sở NNPTNT Đà Nẵng phát biểu khai mạc hội thảo
“Đối với nông nghiệp TPĐà Nẵng, tuy hạn chế về quy mô, diện tích sản xuất nhưng có những lợi thế, cơ hội riêng của đô thị trung tâm, đóng vai trò quan trọng trong việc liên kết vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên, cũng như kết nối các đô thị lớn, địa phương trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi cung cấp sản phẩm an toàn.
Vì vậy, Đà Nẵng đang tập trung và quyết liệt trong việc tạo sự đột phá về NNCNC, nông nghiệp sạch, an toàn. Trong đó, lấy doanh nghiệp làm trọng tâm, động lực của sự phát triển để hướng đến NNCNC phục vụ đô thị và du lịch. Phát triển NNCNC phải được xây dựng gắn với thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng NTM” - ông Phương chia sẻ..
Cũng theo ông Phương, để phát triển NNCNC, thành phố Đà Nẵng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách. Hiện, thành phố đã ưu tiên quy hoạch 7 vùng sản xuất NNCNC, nông nghiệp sạch với diện tích quy hoạch hơn 500ha, các lĩnh vực kêu gọi đầu tư gồm: Trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín ứng dụng công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản.
Về quy hoạch Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay đã hoàn thành, chọn địa điểm tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang diện tích 117ha. Đồng thời, đã ban hành danh mục dự án trọng điểm thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2017-2020, trong đó có danh mục các dự án thu hút, kêu gọi đầu tư gắn với các vùng, khu NNCNC đã quy hoạch.
“Tại hội thảo này, tôi mong muốn các nội dung thảo luận hướng đến việc tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tập trung đề xuất những giải pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp trên cơ sở phát huy lợi thế tự nhiên sẵn có gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tập trung đầu tư vào chuỗi giá trị sản phẩm, chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng, có thương hiệu, nhãn hiệu uy tín trên thị trường và mang lại những sản phẩm an toàn đến cho người tiêu dùng, người dân trên mọi miền Tổ quốc” - ông Phương mong muốn.
Ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Bộ NNPTNT) phát biểu tại hội thảo
Theo ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT): “Trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.
Nhờ đó, sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến vượt bậc, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát huy vai trò trụ đỡ cho nền kinh tế. Năm 2017, giá trị xuất khẩu nông lâm thuỷ sản đạt 36,37 tỷ USD, năm 2018 nông nghiệp Việt Nam đang phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu trên 40 tỷ USD. Hàng nông sản của Việt Nam đã xuất khẩu đi 180 quốc gia trên thế giới với 10 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các Hiệp định CPTPP, FTA…”.
Đồng chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT); ông Trần Viết Phương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng; Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng biên tập Báo NTNN/Dân Việt.
Theo ông Nguyễn Quang Tin, tại QĐ 66 của Thủ tướng Chính phủ, hiện đã có 5 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC thâm canh tôm, hoa, lúa được địa phương công nhận Kiên Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, An Giang. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập thêm 3 khu nông nghiệp ứng dụng CNC ở Hậu Giang, Phú Yên, Bạc Liêu.
Đến nay, đã có 40 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC, sản xuất sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn quy chuẩn kỹ thuật được cấp giấy chứng nhận còn hiệu lực, gồm 12 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực trồng trọt; 19 doanh nghiệp ứng dụng CNC trong lĩnh vực thủy sản; 9 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi.
“Nhờ ứng dụng tốt CNC, công nghệ tự động, bán tự động trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn ATTP” - ông Tin chia sẻ.
Ngoài ra, thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về gói tín dụng thương mại 100.000 tỷ đồng với lãi suất thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của ngân hàng thương mại triển khai thực hiện chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch.
“Đây là nguồn vốn “bơm” kịp thời nhằm huy động mạnh mẽ hơn nữa các nguồn lực đầu tư, nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp trong việc ứng dụng CNC nói riêng và KHCN vào sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch mang lại hiệu quả kinh tế cao bền vững…” - ông Tin nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.