Nông dân nuôi tôm "từ chối" công nghệ cao vì vốn đầu tư lớn

Huỳnh Xây Chủ nhật, ngày 03/12/2017 16:19 PM (GMT+7)
Chi phí đầu tư lớn, trong khi người nuôi tôm đa phần có vốn ít nên việc đưa công nghệ vào là điều rất khó khăn. Vấn đề này được đề cập tại hội nghị “Ứng dụng công nghệ 4.0 và công nghệ tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam” vừa được Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tổ chức tại TP.Cần Thơ.
Bình luận 0

Nhiều ưu điểm khi đầu tư công nghệ

Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam cho rằng, trong những năm gần đây, ứng dụng công nghệ vào quá trình nuôi thuỷ sản đã góp thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, giúp dễ dàng hơn trong kiểm tra, giám sát dịch bệnh, đẩy mạnh công tác truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Vì vậy, những thông tin về công nghệ cần được chia sẻ cho bà con.

img

Nông dân nuôi tôm ở ĐBSCL ngại đưa công nghệ vào sản xuất vì chi phí đầu tư rất lớn. Ảnh: HUỲNH XÂY

Tại hội nghị, các chuyên gia cho rằng, công nghệ 4.0 đã được áp dụng mạnh mẽ trong lĩnh vực thủy sản tại châu Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan… Tại Việt Nam, công nghệ trên cũng được ứng dụng nhưng tỷ lệ thực tế chưa cao và còn diễn ra manh mún, nhỏ lẻ.  

Ông Võ Quang Tuyến - chuyên gia an toàn sinh học và tự động hóa thuộc Công ty AquaBox phân tích, nông dân muốn chủ động trong phòng ngừa dịch bệnh cần có hệ thống cảnh báo mối nguy từ thiết bị quan trắc môi trường tự động lắp đặt trong ao nuôi.

“Thiết bị quan trắc sẽ thu thập dữ liệu từ ao nuôi và đẩy sang trung tâm phân tích. Sau khi phân tích xong, nó sẽ đẩy dữ liệu sang một phần mềm và phần mềm này sẽ thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các mối nguy. Về chi phí đầu tư, có nhiều mức giá khác nhau, thường dao động trong khoảng 50-300 triệu đồng” - ông Tuyến nói.

Bà Lê Thị Sol Pha – đại điện Công ty cổ phần Công nghệ AQUA Mekong cho rằng: “Việc chủ động sử dụng các thiết bị kiểm soát các nguy cơ có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tôm là việc làm hết sức cần thiết, nhằm giúp phòng ngừa và ứng phó. Thí dụ như khi nông dân đầu tư, thiết bị sẽ phát hiện bệnh nhanh, từ đó giúp nông dân có cách phòng trị sớm từ đầu”.

Nông dân “ngán” vì vốn cao

Nhiều nông dân đang tham gia nuôi tôm ở ĐBSCL nhìn nhận, những trang thiết bị mà các công ty, ngành chức năng giới thiệu có sức “hấp dẫn”, thế nhưng rất khó tiếp cận vì thiếu vốn. Trong khi đó, vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi bị thua lỗ vì dịch bệnh và ảnh hưởng nặng nề của thời tiết khắc nghiệt.

Ông Triệu Xuân Hòa, nông dân nuôi tôm ở xã Hòa Tú 1, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Thời gian qua có không ít đơn vị đến mời ông đầu tư hệ thống nhà kính và lót bạt ao nuôi tôm nhưng với chi phí đầu tư cao (lên đến 100 triệu đồng/m2) nên ông đành từ chối. Không chỉ hộ nuôi nhỏ như tôi, ngay cả các hợp tác xã cũng khó lòng đầu tư nổi với mức chi phí quá cao như vậy. Cách này tương đối cực, rất mất thời gian vì mỗi ngày phải kiểm tra nhiều chỉ số khác nhau”.

Hiện ông Hòa vẫn đang thực hiện theo cách thủ công, tức mua các loại dụng cụ đo bằng tay thay vì hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát môi trường ao nuôi. “Nó không giống như việc thực hiện quan trắc bằng máy và truyền dữ liệu tự động lên phần mềm như một số công nghệ hiện nay. Thế nhưng, xét về chi phí đầu tư, cách này hiện nay vẫn có thể chấp nhận được vì ít tốn kém hơn” – ông Hòa nói.

Còn ông Nguyễn Hoàng Chiểu, ngụ ấp Kinh Tư, xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau thì cho rằng: “Việc đầu tư trang thiết bị phục vụ cho hoạt động nuôi tôm như vậy là điều rất tốt nhưng nông dân chúng tôi đa số là hộ nuôi nhỏ lẻ, tài chính có hạn, thì làm sao đầu tư nổi”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem