Nông dân thu lợi lớn nhờ áp dụng 3 giảm 3 tăng và SRI

CHÚC LY Thứ tư, ngày 28/10/2015 07:30 AM (GMT+7)
Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng triển khai thực hiện dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng” và kỹ thuật trồng lúa SRI nhằm giúp nông dân tỉnh này nâng cao hiệu quả sản xuất và góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Bình luận 0

Chú trọng nâng cao nhận thức nông dân

Dự án được thực hiện với quy mô 50ha ở vụ hè thu năm 2014, có 62 hộ nông dân (ND) tại huyện Thạnh Trị tham gia, sử dụng giống lúa nguyên chủng RVT với lượng  giống 40 – 50kg/ha. Mô hình áp dụng phương pháp cấy máy mạ 10 – 12 ngày tuổi và sản phẩm đều được doanh nghiệp bao tiêu.

“Ban đầu triển khai, nhiều ND cũng còn khá e dè, mình phải làm tốt công tác tuyên truyền, tập huấn thì ND mới an tâm thực hiện. Đồng thời, chúng tôi lập một nhóm cán bộ kỹ thuật luôn theo sát hỗ trợ những hộ ND thực hiện mô hình” – ông Võ Quốc Trung – Trưởng phòng Kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng cho biết.

img

Việc sử dụng máy cấy giúp các hộ tham gia dự án nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Ảnh: CHÚC LY

Theo Phòng NNPTNT huyện Thạnh Trị, điều thuận lợi là dự án được chính quyền các địa phương (thị trấn Phú Lộc, các xã Tuân Tức, Lâm Tân và Lâm Kiết) nhiệt tình ủng hộ, hợp tác chặt chẽ với Trạm Khuyến nông và nhóm cán bộ kỹ thuật. Anh Ngô Văn Phong – Trưởng trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị thông tin: Nhóm cán bộ kỹ thuật phối hợp Trạm Khuyến nông, Phòng NNPTNT huyện Thạnh Trị tiến hành tổ chức phiên họp tiếp xúc trực tiếp với ND tại địa điểm đã chọn. Ban chỉ đạo đã giới thiệu mục đích, ý nghĩa và mục tiêu mong đợi của dự án; các nội dung hoạt động chính của dự án; quyền lợi và trách nhiệm của ND khi tham gia dự án…

Nhà nông phấn khởi

“Khi tham gia dự án, tôi được tham gia lớp tập huấn để áp dụng phương pháp cấy trên diện tích của nhà mình; hơn nữa tôi còn biết sử dụng phân hữu cơ sinh học trong kỳ làm mạ, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng. Vụ hè thu năm 2014, tôi giảm được chi phí đầu vào hơn 17%, sau vụ thu lợi nhuận gần 40 triệu đồng/ha” – anh Ngô Thanh Phúc (ngụ ấp Xa Mau 1, thị trấn Phú Lộc) chia sẻ.

Nhóm cán bộ kỹ thuật thực hiện dự án cho biết: Chi phí sản xuất trung bình là gần 19 triệu đồng/ha; năng suất trung bình đạt gần 7 tấn/ha, với giá thành sản xuất chỉ hơn 2.800 đồng/kg. Với giá bán từ 5.400 – 5.720 đồng/kg, ND có thể thu về gần 36 triệu đồng/ha (lợi nhuận đạt gần 17 triệu đồng/ha).

Ông Dương Minh Hoàng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Điều đáng mừng hơn là sau khi mô hình điểm được thực hiện thì tiếp tục được nhân rộng. Thực tế là tình hình sản xuất lúa ở Sóc Trăng từ lâu đã rất thành công với cánh đồng mẫu, từ cơ sở đó, chúng tôi tiếp tục đưa vào những kỹ thuật mới, nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất và mô hình 3 giảm, 3 tăng là một trong số đó”.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, qua kiểm tra sau khi kết thúc dự án, trong vụ đông xuân 2014-2015 tại huyện Thạnh Trị, ND đã tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất theo phương pháp cấy trên 120ha. Ngoài ra, một số ND thuộc tổ sản xuất giống nông hộ ở các huyện lân cận như Mỹ Tú, Ngã Năm, Châu Thành, Mỹ Xuyên thực hiện mô hình trên quy mô diện tích tương đương 350ha.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem