Từ ngày 29/11 đến ngày 13/12/2024, Hội Nông dân TP.HCM tổ chức cho 3 đoàn cán bộ, hội viên nông dân Thành phố đến tham quan, học tập mô hình du lịch nông nghiệp tại tỉnh Đồng Tháp.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Đề án "Nâng cao đời sống kinh tế của nông dân gắn với hoạt động du lịch nông nghiệp, phát triển nông thôn mới" năm 2024; Đề án "Tổ chức đưa nông dân đi học tập, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hiện đại, đạt hiệu quả kinh tế cao tại các tỉnh thành trong nước giai đoạn 2023 - 2025" theo phê duyệt của UBND Thành phố.
Cán bộ, hội viên Hội Nông dân TP.HCM tham quan, học tập tại mô hình Khu du lịch Cánh đồng hoa Sa Đéc. Ảnh: Q.D
Tham gia chuyến học tập có đại diện các các sở, ngành TP.HCM; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thủ Đức, các huyện, quận; cán bộ, hội viên, nông dân trực tiếp sản xuất; tổ hợp tác; hợp tác xã nông nghiệp; chủ trang trại; nông dân khởi nghiệp có khả năng làm du lịch.
Các đoàn lần lượt tham quan học tập mô hình theo 3 đợt, đợt 1 từ ngày 29 đến ngày 30/11/2024; đợt 2 từ ngày 5/12 đến ngày 6/12/2024; đợt 3 từ ngày 12 đến ngày 13/12/2024.
Theo lịch trình, đoàn đến tham quan mô hình du lịch sinh thái Mỹ Phước Thành (TP.Cao Lãnh). Tại TP.Sa Đéc, đoàn tham quan mô hình Làng nghề bột; mô hình Làng hoa kiểng Tân Quy Đông. Đoàn còn đến tham quan điểm du lịch nổi tiếng nhất tỉnh Đồng Tháp - mô hình Khu du lịch Tràm Chim (TT.Tràm Chim, huyện Tam Nông).
Theo Hội Nông dân TP.HCM, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn đang có chiều hướng phát triển tốt trên địa bàn Thành phố. Qua đó có thể thấy rằng, ngày càng nhiều “nông dân” đã nắm bắt đúng xu thế và góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng năng động, tích cực và hiệu quả.
Hoạt động lần này giúp trang bị kiến thức, kỹ năng xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch cho hội viên nông dân, các đơn vị, cá nhân có khả năng và tư duy làm du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái.
Theo Sở Du lịch TP.HCM, đến năm 2025 mỗi huyện của TP.HCM (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ) vận dụng thế mạnh để xây dựng ít nhất 1 sản phẩm/điểm du lịch nông nghiệp, sinh thái gắn với giá trị văn hóa cộng đồng. Trong đó, có 50% điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.
Mục tiêu quan trọng là 100% các điểm du lịch nông thôn được công nhận sẽ được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.