LTS: Bắt đầu từ số này, Báo Nông Thôn Ngày Nay sẽ mở chuyên trang Tài chính nông thôn (ra vào thứ Bảy hàng tuần), nhằm cung cấp cho bà con nông dân, chủ trang trại những thông tin hữu ích về các chính sách tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đây cũng là diễn đàn để bà con nông dân, các tổ chức tín dụng, ngân hàng cùng trao đổi để đồng vốn đến tay bà con phát huy hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế khu vực nông thôn.
Vùng sâu, xa vắng bóng dịch vụ ngân hàng
Theo kết quả khảo sát, với chính sách hỗ trợ tín dụng thì dù 96% các hộ được khảo sát đều biết nhưng chỉ 65% các hộ được sử dụng dịch vụ tín dụng công. Các ngân hàng thương mại không có dịch vụ cung cấp tín dụng nào cho các vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh.
Ở Cao Bằng và Đăk Lăk, tỷ lệ các hộ sử dụng dịch vụ tín dụng công lần lượt là 52% và 37%. Tuy nhiên, tại các tỉnh được khảo sát, nguồn cung cấp tín dụng chủ yếu là từ các tổ chức tài chính, gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Ngân hàng Chính sách xã hội hay hệ thống tín dụng nhà nước.
Cũng trong 4 tỉnh được nghiên cứu thì có 47,33% số hộ có biết đến các chương trình trợ giá của Nhà nước, tuy nhiên chỉ có 18,15% được hưởng các hỗ trợ này trong năm 2014. Đáng chú ý, ở Đăk Lăk và Vĩnh Long, các hộ ít biết về trợ giá và chỉ có 1,43% ở Đăk Lăk và 4,23% ở Vĩnh Long nhận được hỗ trợ (nhưng trong năm 2014, 2 tỉnh này không có hộ nào nhận được hỗ trợ).
Về trợ cấp, trung bình 47,69% hộ tham gia khảo sát biết hoặc có nghe đến các khoản trợ cấp của Nhà nước liên quan đến đầu vào cho nông nghiệp (cây, con giống, vật nuôi, phân bón…) và các loại dụng cụ nông nghiệp. Ở Cao Bằng và Hà Giang, tỷ lệ biết được các trợ cấp này là cao nhất, lần lượt là 78% và 54%, nhưng chỉ có 12% và 14% các hộ nhận được hỗ trợ. Tại Vĩnh Long và Đăk Lăk, tỷ lệ này lần lượt là 35% và 32%, tuy nhiên số hộ nhận được hỗ trợ chỉ là 18%, còn năm trước nữa thì không có hộ nào.
Đáng chú ý là, hầu hết các câu trả lời đều cho rằng các hộ không được chuyển giao vốn đúng thời điểm cần. Có những trường hợp hạt giống hỗ trợ đến được với người dân sau khi vụ mùa đã bắt đầu được khoảng 1 đến 2 tháng.
Làm gì để vốn đến tay nông dân kịp thời?
Ông Võ Văn Chân - Trưởng ban Tín dụng khách hàng hộ gia đình, cá nhân (Agribank) cho biết: “Theo thống kê, cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 tính đến tháng 11.2015 tại Agribank có dư nợ là 214.186 tỷ đồng, tăng 18,3% so với đầu năm, nợ xấu là 1.807 tỷ đồng, chiếm 0,84%, giảm 0,92% so với đầu năm. Hiện số khách hàng có dư nợ theo Nghị định này là hơn 2 triệu”.
Điểm giao dịch Ngân hàng CSXH tại xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Ảnh: I.T
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV NTNN, dù các chính sách ưu đãi đã có, ngân hàng cũng nhập cuộc cho vay vốn nhưng hầu hết nông dân muốn tiếp cận vốn vẫn khó như “hái sao trên trời”. Nguyên nhân một phần là vì bà con chưa nắm bắt được thông tin, nhưng chủ yếu vẫn là do những khó khăn, vướng mắc từ khâu làm thủ tục vay vốn.
Theo các chuyên gia, quy định đã có nhưng quan trọng là ngân hàng phải có hướng dẫn thật cụ thể với nông dân về thủ tục vay vốn, cách chứng minh phương án kinh doanh. Còn những người nông dân cũng cần tìm hiểu thông tin thật cụ thể về thủ tục giấy tờ để có cơ hội vay vốn.
Lý giải về vướng mắc này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Vấn đề hỗ trợ không chỉ đơn thuần là việc tiếp cận nguồn vốn mà còn phải từ khía cạnh hỗ trợ, hướng dẫn họ sử dụng vốn hiệu quả và kế hoạch cũng như phương án trả nợ. Đây cũng chính là lý do vì sao các ngân hàng thương mại thường không mặn mà khi cho nông dân vay vốn”.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho biết thêm: “Nông dân vay vốn không thế chấp theo Nghị định 55 sẽ vô cùng khó nếu họ không được biết rõ các quy định, không được đơn giản các thủ tục và không được khiếu nại những việc làm chưa đúng của cấp cho vay bên dưới”.
Ông Cát Quang Dương-Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng ngân hàng nhà nước: Mạnh dạn cho vay tín chấp
Năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt một số kết quả tích cực khi “nới rộng” tín dụng hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Một số ngân hàng đã thí điểm thực hiện cho vay ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, với số vốn giải ngân hơn 6.000 tỷ đồng. Hay chương trình cho vay tái canh cà phê với tổng quy mô tín dụng 12.000 tỷ đồng, nay Agribank đã cho vay hơn 8.300 tỷ đồng. Để tăng cường cho vay tín chấp, NHNN đã có văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng xây dựng quy trình thu thập thông tin, xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp; chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cơ chế xếp hạng tín dụng nội bộ để nâng cao khả năng thẩm định các dự án khả thi, để từ đó tăng cường cho vay tín chấp không cần đảm bảo bằng tài sản.
Ông Trần Văn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Phước (Long Hồ, vĩnh long): Vốn hỗ trợ quá ít
Thời gian qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp 20 nông dân tại địa phương vay vốn để phát triển chăn nuôi. Đây là mô hình hay, mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, vốn hỗ trợ còn quá ít (10 triệu đồng/người), tôi đề nghị nâng lên 30 triệu đồng/người, như vậy mới có thể giúp nông dân đủ điều kiện đầu tư phát triển đàn dê, đàn bò, sớm nâng cao thu nhập.
TS Nguyễn Trí Hiếu - Thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình: Mở quỹ bảo lãnh tín dụng
Lâu nay, nhiều chính sách ưu đãi thường được đánh giá mang tính “hô hào”. Do đó, phải có sự giám sát chặt chẽ của người dân, xã hội trong thực hiện nghị định. Hầu hết các ngân hàng không dễ dàng cho vay không thế chấp với khoản tiền lớn. Vì vậy, để nghị định mới phát huy hiệu quả, cần thành lập và mở rộng ngay các quỹ bảo lãnh tín dụng nông nghiệp. Việc nới rộng hạn mức cho vay tín chấp đã mở ra cơ hội gỡ “nút thắt” về tài sản đảm bảo cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, song để tiếp cận được vốn vay ưu đãi, nông dân và doanh nghiệp cũng cần chứng minh được tính khả thi trong hoạt động sản xuất.
Hồ Hương (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.