Nông dân vựa lúa "đỏ mắt" tìm giống chịu mặn

Huỳnh Xây Thứ hai, ngày 12/06/2017 10:30 AM (GMT+7)
Theo các cơ quan chức năng vùng ĐBSCL, công tác nghiên cứu, chọn tạo và nhân rộng giống lúa có khả năng chống chịu được mặn đang gặp nhiều khó khăn, trong khi đó nhu cầu về loại giống lúa này ngày càng cao.
Bình luận 0

Bất cập trong nghiên cứu giống chịu mặn

Theo Sở NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL, hiện nay, đa số các giống lúa ở vùng này chỉ chịu được độ mặn từ 3-4‰ nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân (do tình hình hạn, mặn, vài năm gần đây có xu hướng tăng). Một số giống lúa có khả năng chịu được độ mặn cao hơn 4‰ nhưng vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu và thiếu các đánh giá thực tế.

img

Mô hình sản xuất lúa chịu mặn của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: H.X

Theo Chương trình ICMP, công tác nghiên cứu, chọn tạo giống lúa chịu hạn, mặn ở ĐBSCL thời gian qua chủ yếu được thực hiện bởi Viện Lúa ĐBSCL, Trường ĐH Cần Thơ, các trung tâm giống và một số nông dân. Nhìn chung, đơn vị nghiên cứu có nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân.

Ngoài ra, giống lúa có khả năng chịu mặn cao ở ĐBSCL hiện cho năng suất rất thấp, khó cạnh tranh, nhất là trong xuất khẩu. Riêng một số giống bản địa có thời gian canh tác trong khu vực ngập mặn, chất lượng gạo tốt nhưng nguồn giống lại bị lẫn, thoái hóa.

Thạc sĩ Phạm Trung Kiên - cán bộ tư vấn Chương trình quản lý tổng hợp vùng ven biển (ICMP) cho biết: “Ở Kiên Giang, các giống lúa chịu mặn đang được gieo trồng phổ biến là OM 2517, OM 5451, OM 6976, ST5; còn các giống lúa lai chịu mặn trồng thử nghiệm gồm BTE1, BTE vàng, MST8. Nhìn chung khả năng chịu mặn đều ở mức thấp (2-3‰)”.

Về tình hình sản xuất giống lúa chịu mặn ở Cà Mau, thạc sĩ Kiên cho biết thêm: “Tỉnh này gặp rất nhiều khó khăn. Cụ thể, tổng nhu cầu giống lúa ở Cà Mau khoảng 12.100 tấn/năm (trong đó nhu cầu về lúa chịu mặn là 3.500 tấn) nhưng khả năng sản xuất, cung ứng của địa phương chỉ đạt khoảng 40% yêu cầu (4.800 tấn), số còn lại phải mua từ các tỉnh lân cận”.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác nghiên cứu, chọn tạo giống chịu mặn cũng như phục tráng các giống lúa mùa ở ĐBSCL chưa hiệu quả là do nguồn vốn chưa đảm bảo, cơ sở vật chất và trang thiết bị không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Hình thành mạng lưới phát triển giống lúa chịu mặn

Ngày 6.6, tại TP.Cần Thơ, mạng lưới nghiên cứu, đánh giá và tuyển chọn giống lúa chịu mặn ở ĐBSCL đã được hình thành (gọi tắt là MPCRR-N).  MPCRR-N có sự tham gia của Cục Trồng trọt, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Nghiên cứu lúa quốc tế, Trường ĐH Cần Thơ, Sở NNPTNT các tỉnh, thành ĐBSCL...

TS Đào Thế Anh - Phó viện trưởng Viện Cây lương thực, cây thực phẩm (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết: “Mục tiêu của MPCRR-N là thúc đẩy công tác nghiên cứu, phát triển lúa giống chịu hạn, mặn ở ĐBSCL thông qua các hoạt động hợp tác, chia sẻ của các cơ quan quản lý, nghiên cứu, hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân. Ngoài ra, MPCRR-N còn tham gia kết nối thị trường và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đồng bộ nhằm phát triển chuỗi giá trị cho các vùng bị hạn, mặn”.

PGS-TS Võ Công Thành - Trưởng bộ môn Di truyền giống (Trường ĐH Cần Thơ) nói: “Thời gian qua, chúng tôi nghiên cứu thành công nhiều giống lúa chịu mặn cao (có thể từ 6-8‰) nhưng phần lớn các giống này chưa được công nhận để sản xuất đại trà. Vì vậy, tới đây việc hình thành mạng lưới chung là hết sức cần thiết. Qua đó, có thể hỗ trợ nhau khắc phục những khuyết điểm của giống lúa chịu mặn hiện tại”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem