Bí quyết giúp bưởi đường cho trái ngọt
Từ trung tâm xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, đi hơn 2km vào thôn Vân Giang, nơi đâu đâu cũng thấy bạt ngàn màu xanh của bưởi. Nhiều vườn bưởi sai trĩu tới sát gốc, tán rộng 5-6m, phải cần đến hàng chục cọc chống đỡ cành để không bị gãy vì đeo quá nhiều quả.
Nhờ trồng giống bưởi đường, nhiều hộ dân xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang có thu nhập cao.
ảnh: Thu Hà
Trong đó, vườn bưởi của ông Phạm Văn Dương được mệnh danh là đẹp nhất thôn. Vừa tất bật cắt bưởi bán cho thương lái, ông Dương vừa phấn khởi nói: “Gia đình tôi là một trong những hộ đầu tiên đưa giống bưởi đường vào trồng hàng hóa ở địa phương. Với diện tích 5.000m2, tôi đang trồng hơn 250 gốc bưởi đường, trong đó có 130 gốc đang cho thu quả năm thứ 11. Giống bưởi này đặc biệt ở chỗ trồng càng lâu năm, quả bưởi càng ngon ngọt”.
Chia sẻ về thu nhập từ bưởi, ông Dương cho biết, với chất lượng thơm ngọt, những năm gần đây, bưởi đường Xuân Vân tiêu thụ khá thuận lợi. Thương lái từ các nơi vào tận vườn thu mua với giá dao động từ 26.000 – 30.000 đồng/kg.
Theo các hộ trồng bưởi ngọt Xuân Vân, để vườn bưởi ngon nức tiếng có 4 yếu tố quyết định đến chất lượng bưởi. Đó là: Giống bưởi, chất đất, kỹ thuật chăm sóc và thời gian trồng.
Ông Dương cho biết: Trong 4 yếu tố trên thì kỹ thuật chăm sóc rất quan trọng, đặc biệt là kỹ thuật bón phân “4 đúng” cho bưởi. “4 đúng ở đây là đúng chủng loại, đúng liều lượng (không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất). Tiếp đến là đúng thời điểm và cuối cùng là đúng phương pháp”- ông Dương nói.
Xây dựng vùng sản xuất hàng hóa
Ông Nguyễn Văn Việt – Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân cho biết: Do đặc thù địa hình miền núi nên xã Xuân Vân có ít diện tích đất ruộng. Để phát triển kinh tế trên vùng đất khó, những năm gần đây, xã có chủ trương khuyến khích người dân đưa 3 loại cây vào sản xuất hàng hóa gồm: Bưởi, hồng không hạt và cây mía. Trong đó, diện tích trồng bưởi chiếm nhiều nhất với gần 700ha. Xã có 2.395 hộ dân, thì đến hơn 90% hộ trồng bưởi.
Nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế trên cây bưởi, UBND xã đã khuyến khích bà con nông dân xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Đặc biệt, năm 2015 UBND đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể “Bưởi đường Xuân Vân”.
Bên cạnh đó, UBND xã còn phối hợp với các doanh nghiệp uy tín như Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao KHKT trồng bưởi nhằm nâng cao chất lượng, năng suất giống bưởi đặc sản địa phương.
Đánh giá về hiệu quả kinh tế cây bưởi mang lại, ông Việt cho biết: “Giống bưởi đường Xuân Vân trồng hết năm thứ 3 bắt đầu bói quả. Từ năm thứ 5 trở đi cây bưởi cho năng suất ổn định thu nhập ước tính đạt khoảng 600 triệu đồng/ha. Đặc biệt, từ khi bưởi Xuân Vân được cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể thì giá trị thu nhập của cây bưởi ngày càng được nâng cao”.
Ông Vũ Xuân Hồng – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Supe Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, sản xuất, cung cấp phân bón NPK-S phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây bưởi đường Xuân Vân cũng cùng bà con tăng năng suất, chất lượng quả bưởi Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế”.
Kỹ thuật trồng bưởi “4 đúng”
Kỹ sư Phạm Đức Thành - Phó trưởng Phòng Kinh doanh Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết bà con trồng bưởi cần lưu ý nguyên tắc bón phân “4 đúng”. Đó là:
Đúng chủng loại: Ở giai đoạn nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì hàm lượng đạm cao giúp phát triển kích thước quả, nuôi dưỡng tốt cho quả; hàm lượng kali cao giúp tăng độ ngọt, chất lượng trái bưởi.
Đúng liều lượng: Liều lượng thích hợp từ 1,5-2 kg/cây, không được bón thừa tránh lãng phí và ô nhiễm môi trường, cũng không nên bón thiếu để cây đạt được năng suất cao nhất.
Đúng thời điểm: Bón khi đất đủ ẩm, không nên bón vào lúc trời nắng tránh bốc hơi, trời mưa tránh rửa trôi.
Đúng phương pháp: Bà con xới qua đất xung quanh tán với độ sâu từ 5-7 phân tránh tổn thương bộ rễ, rãi phân theo chiều thẳng tán xuống (hình vành khăn).
Đức Thịnh (ghi)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.