NÓNG: Nghi vấn về đường dây bắt cóc ngư dân để đòi tiền chuộc

Hùng Phiên Thứ tư, ngày 23/07/2014 06:41 AM (GMT+7)
Đã 2 tháng, tàu cá BĐ-30145 của ông Nguyễn Chim cùng 8 ngư dân xã Cát Tiến, huyện Phù Cát (Bình Định) bị bắt giữ tại Indonesia. Người thân các ngư dân đang ngày đêm mong ngóng với hàng loạt thông tin rối bời, trong đó có cả thông tin về việc tồn tại một đường dây bắt cóc ngư dân để đòi tiền chuộc.
Bình luận 0

Chưa biết ngày về

Theo cơ quan chức năng tỉnh Bình Định, vào ngày 20.5, tàu cá của ông Chim cùng tàu BĐ-93359 (thuyền trưởng Phạm Minh, ở Cát Tiến) và 1 tàu cá khác của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu đang đánh bắt ở tọa độ 5,58 độ vĩ Bắc – 106,26 độ kinh Đông thì bị tàu của Indonesia bắt giữ. Thế nhưng sau đó ít ngày, 2 tàu đi cùng đã được thả ngay trên biển, riêng tàu cá BĐ-30145 cùng 8 ngư dân đến nay vẫn chưa về.

img Công văn của UBND xã Cát Tiến, về việc ngư dân bị bắt giữ tại Indonesia. 

 

Theo ông Chim, sở dĩ 2 tàu được thả sớm là do đã nộp ngay tiền chuộc, mỗi tàu 800 triệu đồng. Còn với tàu BĐ-30145, sau khi chủ tàu nài nỉ đã được chấp nhận giảm xuống 450 triệu đồng, nhưng khi gia đình ông Chim đang chạy chuyển tiền thì những người Indonesia bỗng nhiên đổi ý, bắt giữ lại cả tàu và người.

Vợ chồng ông Chim đang có 3 con trai bị bắt giữ cùng tàu này là Nguyễn Văn Yến, Nguyễn Văn Nhạn và Nguyễn Văn Sang. Hai tháng qua, ông và người nhà của các bạn tàu vẫn thỉnh thoảng liên lạc được với các ngư dân bị bắt. Những ngư dân này cho biết, họ đang bị bắt giữ tại đảo Adan Banh-Aren Pha (Indonesia).

Họ bị bắt phải làm thuê cho người Indonesia với công việc là đào giếng, bốc vác đá, phụ hồ… nhưng mỗi chiều đều bị lục lấy hết tiền công. Nếu không làm việc thì bị đánh đập. Họ còn cho biết, ở đảo Adan Banh-Aren Pha còn có một số ngư dân Việt Nam khác đã bị giam giữ hơn 6 tháng qua, chưa biết ngày về…

Đối tượng môi giới ở Bà Rịa - Vũng Tàu?

Trao đổi với phóng viên, Công an xã Cát Tiến cho biết cơ quan chức năng đã làm việc với ông Phạm Minh (thuyền trưởng tàu BĐ-93359, người được thả sớm) để tìm hiểu cặn kẽ sự việc thì ông Minh chỉ nói ngắn gọn: “Do năn nỉ quá nên được thả”.

Thế nhưng cơ quan chức năng đang đặt ra nghi vấn về một đường dây móc nối chuộc người có đầu mối tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Bởi trước đó, 2 tàu được thả đã nhận điện thoại “tay trong” về chuyện chuộc người với giá 800 triệu đồng. Sau khi liên hệ người nhà chuyển tiền cho đối tượng môi giới “tay trong” tại Bà Rịa-Vũng Tàu thì 2 tàu này đã được thả ngay…

Chủ tịch UBND xã Cát Tiến - ông Nguyễn Từ Thiện cũng cho PV biết, địa phương đã cùng cơ quan chức năng xác định thông tin, báo cáo các cấp để tìm cách can thiệp đưa 8 ngư dân trên về nước. Tuy nhiên, theo công điện của Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, Bộ Biển và Nghề cá Indonesia trả lời là không bắt giữ tàu cá BĐ-30145.

Trao đổi với NTNN, bà Mai Kim Thi - Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Bình Định cho biết: Đơn vị vừa chuyển thông báo của Sở Ngoại vụ Bình Định đến UBND huyện Phù Cát, về trường hợp tàu cá của ông Nguyễn Chim.

Nội dung thông báo đề nghị chủ tàu và thân nhân 8 ngư dân nộp tiền để Quỹ Bảo hộ công dân (Bộ Ngoại giao) làm thủ tục can thiệp trao trả tàu và người. Theo bà Thi, tàu cá BĐ-30145 và 8 ngư dân đang bị cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ và hiện chưa biết thời gian chính thức trở về Việt Nam. Còn việc có hay không đường dây “bắt ngư dân, đòi tiền chuộc” thì bà cũng không nắm được.

  Ông Nguyễn Từ Thiện nhận định, những người bắt tàu của ngư dân ta với mục đích đòi tiền chuộc, khi không đạt được thỏa thuận thì sẽ đưa người và tàu vào các đảo để làm thuê cho họ mà không khai báo cho chính quyền Indonesia...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem