Nông nghiệp miền Trung - Tây Nguyên cần "cú hích" để tạo đột phá (bài 3): Hướng đến trung tâm nông nghiệp công nghệ cao

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 25/09/2020 14:09 PM (GMT+7)
Theo TS Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NNPTNT), nếu có những chính sách đột phá, khu vực miền Trung - Tây Nguyên có thể là một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao trong tương lai.
Bình luận 0

Nở rộ các mô hình công nghệ cao

Lâm Đồng được đánh giá là một trung tâm nông nghiệp công nghệ cao (CNC) của khu vực Tây Nguyên. Để có được kết quả đó, hàng năm, tỉnh Lâm Đồng thường dành khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp.

 Chỉ riêng năm 2020, tỉnh phê duyệt 6,84 tỷ đồng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp thông minh trên địa bàn.Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 4,05 tỷ đồng và các tổ chức, cá nhân đối ứng 2,79 tỷ đồng.

Cần "cú hích" để tạo đột phá (bài 3): Hướng đến trung tâm nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 1.

Công nhân chăm sóc rau trong nhà kính tại Lâm Đồng. Ảnh: I.T

"Tới đây, Thủ tướng Chính phủ sẽ đối thoại với nông dân tại Đăk Lăk, cùng với đó sẽ đánh giá lại 5 năm phát triển cây mắc ca; một nhà máy phát triển đàn lợn giống hạt nhân, dự án ứng dụng CNC lớn nhất tại Tây Nguyên cũng sẽ được khởi công. Tôi hy vọng những dự án này sẽ tạo đột phá cho nông nghiệp miền Trung – Tây Nguyên".

Bộ trưởng Bộ NNPTNT

Nguyễn Xuân Cường

Đến năm 2020, Lâm Đồng có 60.200ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC, tăng 17.116ha so với năm 2015. 

Trên địa bàn tỉnh đã hình thành được 19 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC và đã có có 2 vùng được công nhận đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp CNC với diện tích 308ha (tại làng hoa Thái Phiên và làng hoa Vạn Thành, TP.Đà Lạt). 

Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp CNC với quy mô canh tác trên 286,8ha, 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp CNC, 5 doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ và 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng công nghệ thông minh sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT).

Những năm gần đây, Gia Lai cũng có nhiều chính sách để thúc đẩy phát triển nông nghiệp CNC. Được biết, Công ty TNHH MTV Hương Đất An Phú (xã An Phú, TP.Pleiku) là doanh nghiệp đầu tiên của tỉnh được Bộ NNPTNT công nhận là "Doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC". Công ty hiện có khu nhà kính 5ha trồng rau theo phương pháp thủy canh, sử dụng công nghệ tưới, chăm sóc tự động hiện đại của Israel.

Đến nay, toàn tỉnh đã thu hút hơn 20 dự án sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC. Trong đó, có 1 dự án đã được công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC. 

Toàn tỉnh hiện có 23.571ha cây trồng được ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; xây dựng được 155 cánh đồng lớn với diện tích 3.040ha; sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 688 ha, GlobalGAP 500ha, Organic 46ha rau quả, cà phê, chè; có 210 cơ sở chăn nuôi áp dụng CNC.

Tại Đăk Nông, đến nay đã có 13 nhà đầu tư được UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án vào khu nông nghiệp ứng dụng CNC đồng thời với việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định, với tổng vốn đăng ký là 149,812 tỷ đồng. 

Các lĩnh vực đầu tư được phê duyệt gồm: Sản xuất rau, hoa trong nhà lưới chất lượng cao; sản xuất trà Ô long; sản xuất giống cây macca; sản xuất cây dược liệu; sản xuất cây ăn quả và xây dựng vườn cây đầu dòng chất lượng cao. Hiện nay đã có 10/13 đơn vị triển khai thực hiện dự án.

Trong khi đó, tỉnh Phú Yên cũng quy hoạch xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng CNC với diện tích giai đoạn 1 là 460ha. khu nông nghiệp ứng dụng CNC Phú Yên hiện có 5 dự án đang triển khai đầu tư, với tổng vốn đầu tư 252 tỷ đồng.

Khơi thông chính sách

Cần "cú hích" để tạo đột phá (bài 3): Hướng đến trung tâm nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh 3.

Sản xuất hoa công nghệ cao tại Lâm Đồng. Ảnh: I.T

Theo ông Nguyễn Quang Tin - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy ứng dụng CNC trong nông nghiệp phục vụ hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

"Việc ứng dụng CNC và khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp là một hướng đi tất yếu đảm bảo hiệu quả kinh tế cao và phát triển bền vững ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do" - ông Tin phát biểu.

Ðể thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trên cả nước, tỉnh Kon Tum ban hành nhiều chính sách như: Khuyến khích và ưu tiên bố trí quỹ đất cho các doanh nghiệp có dự án nông nghiệp CNC. Nhà đầu tư có hoạt động đầu tư, sản xuất nông nghiệp CNC tại Trại thực nghiệm giống cây trồng Ðăk La, huyện Ðăk Hà được miễn tiền thuê hạ tầng trong 3 năm và giảm 50% tiền thuê cho 2 năm tiếp theo. Thời gian hỗ trợ lãi suất đối với dự án của doanh nghiệp nông nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập là 8 năm…

Hiện, tỉnh Kon Tum đã thành lập khu nông nghiệp ứng dụng CNC Măng Ðen, huyện Kon Plông và tiếp tục thành lập thêm 2 khu nông nghiệp ứng dụng CNC tại huyện Ðăk Hà và TP.Kon Tum. Ngoài ra, tỉnh cũng xác lập được 2 vùng nông nghiệp ứng dụng CNC gồm vùng rau hoa củ quả Măng Ðen và vùng cà phê Ðăk Hà. Ðồng thời, công nhận 2 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng CNC là Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Ðăk Hà).

Tỉnh Đăk Nông cũng xác định sẽ hoàn thành các quy hoạch cây rau, mía đường, cao su, điều; quy hoạch chăn nuôi và giết mổ tập trung; quy hoạch thủy sản; đồng thời hoàn thiện các quy hoạch liên quan.

Tiếp tục rà soát các chế độ chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng CNC, làm cơ sở để tham mưu cho UBND tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm đối với các mô hình, quy trình công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC.

Tổ chức khảo sát, cập nhật, đánh giá hằng năm về hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp. 

Huy động các nguồn lực, liên kết, hợp tác phát triển; chủ động và tích cực thực hiện liên kết, hợp tác và thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp theo các danh mục đã được tỉnh công bố.

 Thực hiện xây dựng lộ trình liên kết, hợp tác với các viện, trường đại học, thu hút các doanh nghiệp đầu tư và gắn kết hợp tác với vùng động lực phát triển phía Nam để có thể khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh trong nghiên cứu, đào tạo chuyển giao công nghệ và đầu tư sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, xuất khẩu. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem