Nông nghiệp TP.HCM: Đi lên từ "vành đai trắng"

Thứ hai, ngày 07/05/2012 10:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vùng nông thôn Sài Gòn từ chỗ là "vành đai trắng" đang không ngừng phát triển, trở thành vùng nông nghiệp mũi nhọn của cả nước...
Bình luận 0

Vùng nông thôn Sài Gòn trước đây là "vành đai trắng", với 80% đất nhiễm phèn mặn không thể sản xuất. Với những nỗ lực không ngừng của chính quyền và nông dân thành phố, nông nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển, trở thành vùng nông nghiệp mũi nhọn của cả nước...

Trong chiến tranh, 2/3 diện tích sản xuất (100.000ha) của thành phố bị bỏ hoang. Nhiều khu vực cài đặt bom mìn chưa kịp tháo gỡ. Sau ngày 30.4.1975, ND trở về quê cũ đều rất nghèo, phương tiện, vốn sản xuất thiếu thốn.

img
Nghệ nhân cây kiểng Trịnh Minh Tân giới thiệu nghề chăm sóc cây kiểng.

Màu xanh trên đất chết

Từ 1975-1985, thành phố vừa động viên ND tháo gỡ bom mìn, vừa phục hóa 70.000ha "đất chết" đưa vào sản xuất, nâng diện tích nông nghiệp lên 115.000ha, hình thành vành đai rau xanh cung cấp cho nội thị.

Những năm tiếp theo, nông nghiệp TP.HCM được Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi, điện, giao thông nông thôn… đặc biệt là hệ thống kinh Đông Củ Chi đưa nước ngọt hồ Dầu Tiếng về Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh… tạo cơ sở bền vững cho phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi của "vành đai xanh", hỗ trợ ND tích tụ đất, sản xuất quy mô trang trại; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang cây - con cho lợi nhuận cao như hoa lan, cây - cá cảnh; bò sữa; rau an toàn…

Không chỉ phát triển nông nghiệp, TP.HCM còn khởi xướng phong trào "Xóa đói, giảm nghèo"; "Xây nhà tình nghĩa" được cả nước học và làm theo.

Hình thành nền nông nghiệp đô thị

Thực hiện Nghị quyết số 26/TW (Hội nghị T.Ư 7, khóa X) về nông nghiệp - nông dân - nông thôn, năm 2010 thành phố phê duyệt "Đề án phát triển nông nghiệp đô thị đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025". Theo đó, ngành nông nghiệp tập trung phát triển các loại giống cây, con chất lượng cao, các loại thực phẩm tươi sống cung cấp cho cư dân nội đô; thực hiện các biện pháp an toàn dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản… theo tiêu chuẩn VietGAP. Phấn đấu thu nhập của người dân nông thôn bằng 75% bình quân toàn thành phố (4.500USD/người/năm).

Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp, đến năm 2020, TP.HCM sẽ sản xuất 2.250ha hoa lan-cây cảnh; 6.900ha rau an toàn; 8.670ha cây ăn quả; 75.000 con bò sữa; 180ha trại sản xuất giống thủy sản. Thành phố đầu tư cho 13 xã điểm thực hiện chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng nông nghiệp kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Tân Nhật là xã nghèo ở huyện Bình Chánh, năm 2005 thu nhập 1ha canh tác chỉ 27 triệu đồng/năm. Sau khi chuyển đổi từ trồng lúa năng suất thấp sang trồng rau màu, nuôi cá thịt, cá cảnh… năm 2010 giá trị 1ha đạt 70 triệu đồng. Ở xã Tân Thông Hội (huyện Củ Chi), xã viên HTX nuôi bò sữa được tiếp cận với công nghệ cao nên giá bán sữa cho HTX cao hơn thị trường.

Ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch Hội ND thông tin: "Mục tiêu của Đề án Phát triển nông nghiệp đô thị đến 2025, đàn bò sữa của thành phố đạt 75.000 con, nhưng đến tháng tháng 4.2012, tổng đàn đã là 82.000 con, vượt 7.000 con trước 8 năm".

Điểm nhấn của nông nghiệp đô thị ở TP.HCM là Khu nông nghiệp công nghệ cao (KNNCNC) ở Củ Chi rộng 88,17ha, có vốn đầu tư 152,6 tỷ đồng. Sau 1 năm hoạt động, KNNCNC đã thu hút 14 dự án đầu tư với số vốn 57 tỷ đồng. Ông Nguyễn Văn Hết - Giám đốc KNNCNC cho biết: "Nơi đây có nhiệm vụ tạo công nghệ mới để hỗ trợ kinh tế hộ và trang trại sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng nông nghiệp đô thị, không chỉ ở TP.HCM, miền Đông Nam Bộ mà cho cả nước".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem