“Nóng” thao túng chứng khoán

28/10/2019 06:54 GMT+7
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) tiếp tục phát hiện và xử phạt nhiều vụ thao túng giá chứng khoán.

Mới đây, căn cứ kết quả giám sát, kiểm tra của UBCK và kết quả xác minh của cơ quan công an, UBCK xử phạt ông Nguyễn Quang Khải (Hà Nội) 550 triệu đồng, vì đã sử dụng 26 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DPS.

Mức phạt 550 triệu đồng cũng được UBCK áp dụng với ông Nguyễn Thanh Lâm (TP.HCM), vì đã sử dụng 57 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu DL1.

“Nóng” thao túng chứng khoán - Ảnh 1.

Thị trường chứng khoán phát triển công bằng, lành mạnh là yếu tố cốt lõi thu hút nhà đầu tư.

Với hành vi sử dụng 42 tài khoản để liên tục mua bán, tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá cổ phiếu PIV, bà Hoàng Thị Hoài, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị PIV (Hà Nội) bị UBCK xử phạt 600 triệu đồng.

Thực tế cho thấy, các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường chứng khoán ngày càng tinh vi, phức tạp. Nhiều hành vi thao túng giá chứng khoán, các giao dịch có dấu hiệu nội gián.

Khi trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 tại Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo với Quốc hội một số trường hợp đầu cơ, thao túng trên thị trường chứng khoán.

Đề xuất gia tăng chế tài xử phạt hành vi thao túng giá chứng khoán của cơ quan soạn thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang được đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội ủng hộ.

Theo dự thảo, nhà đầu tư có hành vi sử dụng một hoặc nhiều tài khoản giao dịch của mình hoặc của người khác hoặc thông đồng để thực hiện việc mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo;

Giao dịch chứng khoán bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác mua, bán để thao túng giá chứng khoán; kết hợp hoặc sử dụng các phương pháp giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để thao túng giá chứng khoán…, thì mức phạt tiền tối đa trong xử phạt vi phạm hành chính là 10 lần khoản thu trái pháp luật có được từ hành vi vi phạm.

Trường hợp không có khoản thu trái pháp luật, thì áp dụng mức phạt tiền tối đa là 3 tỷ đồng. Mức phạt tiền tối đa này được áp dụng đối với tổ chức. Riêng đối với cá nhân thực hiện cùng hành vi vi phạm, thì mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Nếu dự án luật được Quốc hội thông qua, thì so với quy định hiện hành, mức phạt tiền tăng từ tối đa 2 tỷ đồng lên 3 tỷ đồng đối với tổ chức vi phạm, còn mức phạt đối với cá nhân vi phạm tăng từ tối đa 1 tỷ đồng lên 1,5 tỷ đồng.

Cùng với gia tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, nhiều ý kiến cho rằng, UBCK, cơ quan công an cần tăng cường phối hợp để kịp thời áp dụng các chế tài xử lý hình sự đối với các hành vi thao túng giá chứng khoán nói riêng, các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác nói chung, nhằm gia tăng tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.

Thị trường chứng khoán ngày càng phát triển công bằng, lành mạnh là yếu tố cốt lõi nhằm gia tăng niềm tin trong giới đầu tư, từ đó thu hút được dòng tiền lớn còn nhiều tiềm năng cả ở nhà đầu tư trong và ngoài nước, góp phần sớm đưa thị trường chứng khoán đảm đương rõ nét là kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ lực cho nền kinh tế.

Nguyễn Hữu/ĐTCK
Cùng chuyên mục