Nông thôn cần thay đổi về “chất”

Thứ bảy, ngày 31/12/2011 07:11 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - "Kết quả sơ bộ về tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản đã cho thấy một thực tế rằng, nông thôn nước ta mới có sự thay đổi về lượng chứ chưa có sự thay đổi về chất".
Bình luận 0

Ông Lưu Đức Khải - Trưởng ban Chính sách nông thôn (Viện Quản lý kinh tế Trung ương) nói vậy khi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo NTNN.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn, thủy sản vừa công bố?

- Tôi thấy rõ một vấn đề nổi lên là sinh kế của người dân nông thôn cần phải được chú ý hơn. Kết quả sơ bộ điều tra cho thấy nhiều vùng nông thôn còn đang khó khăn, không chỉ về hạ tầng cơ sở mà cả sinh hoạt, đời sống tinh thần...

img
Nông nghiệp Việt Nam muốn phát triển cần tiến tới sản xuất hàng hóa.

Những nơi có nhà máy điện lớn nhưng người dân lại chưa có điện để dùng là một bất cập, như Lai Châu chẳng hạn. Nhiều vùng mà điển hình như miền núi phía Bắc người dân còn thiếu đủ thứ, từ đất sản xuất, giao thương, y tế, giáo dục... Chính phủ đã có nhiều chính sách cho người dân nông thôn, nhưng áp dụng vào thực tế đang có khoảng cách lớn.

Thưa ông, ngay chuyển dịch ngành nghề nông thôn qua điều tra cũng đã cho thấy chênh lệch lớn giữa các vùng, ông nhìn nhận điều này như thế nào?

- Chênh lệch này phụ thuộc vào lợi thế sản xuất nông, lâm, nghiệp thủy sản của từng vùng nông thôn nước ta, điều này không quá lo ngại. Điều quan trọng là giá trị tăng lên của sản xuất nông nghiệp ở từng vùng nông thôn nước ta ra sao? để từ đó có sự chuyển dịch về "chất", và "chất" được chú ý hơn trong sự chuyển dịch này.

Kết quả sơ bộ điều tra cho thấy, chúng ta chưa phát huy hết thế mạnh của thủy sản và lâm nghiệp. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

- Điều này thể hiện sự khó khăn, rủi ro lớn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Với thủy sản hai mũi nhọn là nuôi trồng và đánh bắt đều gặp khó. Sản phẩm thủy sản nuôi trồng liên tục bị chi phí đầu vào tăng trong khi giá đầu ra tăng không tương ứng nên nông dân khó đẩy mạnh sản xuất...

Với hộ làm lâm nghiệp có thể nói có đời sống thấp nhất hiện nay và chính sách của ta với những người làm nghề này còn nhiều bất cập. Làm nghề rừng chủ yếu là vùng sâu, xa nhưng thu nhập từ rừng chưa đủ cho nông dân trang trải.

Trong điều kiện gắn kết sản xuất nguyên liệu rừng và chế biến lâm nghiệp chưa có sự liên kết thì giá trị nghề rừng thấp là khó tránh khỏi. Chính sách của ta khiến nông dân làm rừng bị "cắt khúc" ngay từ đầu, chỉ bán nguyên liệu rừng với giá rẻ, chưa liên kết được với chế biến, chưa được quyền phát triển mạnh kinh tế rừng. Những điều này phải sớm thay đổi.

Tôi cho rằng, sản xuất nông nghiệp của ta quá manh mún thì không hiệu quả. Nếu tập trung quá mà không quản lý được cũng gay. Do vậy, đề cao kinh tế trang trại là tốt, song phải tính đến trình độ quản lý, sản xuất của các trang trại.

Để nông thôn VN có sự thay đổi về "chất", ngành nghề nông thôn có giá trị gia tăng cao thì chúng ta phải có những bước đi và các chính sách cụ thể nào?

- Không có cách nào khác là xóa bỏ manh mún, lạc hậu trong sản xuất và đời sống nông dân. Nông nghiệp của ta phải dần dần sản xuất mang tính hàng hóa, chuyên sâu (từ vừa đến lớn) để tăng được sức cạnh tranh, để đảm bảo được các yêu cầu và đòi hỏi của thị trường trong và ngoài nước.

Muốn phá sự manh mún thì các chính sách về đất đai, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phải được cải tiến, bởi đất nhỏ, vốn ít thì không thể sản xuất lớn... Tất cả như một hệ thống liên hoàn với nhau, gắn kết với cả thu gom, xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước. Có vậy, sản xuất nông nghiệp mới đem lại giá trị cao và tránh rủi ro cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem