dd/mm/yyyy

Nông thôn mới của khát vọng khởi nghiệp

Trong báo cáo về phát triển Việt Nam năm 2016 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, các chuyên gia có nhận định: Nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã ba đường, không chuyển đổi sẽ không còn kịp nữa

Ảnh minh họa 

Và, một kịch bản cho nông nghiệp với tầm nhìn đến năm 2035 được phác thảo với mục tiêu rất rõ ràng, đó là nông dân Việt Nam sẽ là tầng lớp trung lưu, nông nghiệp Việt sẽ đóng góp 20% trong GDP, Việt Nam lọt Top 20 nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới… Nông nghiệp sẽ có vị thế xứng đáng với kỳ vọng của Chính phủ và người dân.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để có thể hiện thực hóa kịch bản đầy khát vọng đó, Chính phủ Việt Nam cần “tăng kiến tạo, giảm chỉ đạo”. Việt Nam là 1 trong 2 quốc gia duy nhất trên thế giới (quốc gia thứ 2 là Trung Quốc) chỉ mất 10 năm chuyển đổi từ giai đoạn hoàn toàn dựa vào nông nghiệp sang giai đoạn tiền chuyển đổi, và cũng chỉ mất 10 năm từ giai đoạn tiền chuyển đổi sang chuyển đổi. Ngay cả các nước thành công, để bước qua mỗi giai đoạn cũng cần đến 20 năm.

Đó là góc nhìn và kỳ vọng của “người ngoài”. Còn trong nước, góc nhìn và hành động của chính những người trong cuộc thì sao? Tin mừng là nông nghiệp Việt Nam sẽ nhanh chóng... tự vươn lên.

Theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 vừa được ban hành, có hiệu lực từ 1/12/2016, có một mục tiêu khá cao được đặt ra: Chỉ 4 năm nữa thôi, đến năm 2020, thu nhập bình quân khu vực nông thôn sẽ đạt 45 triệu đồng/người trở lên, cao gần gấp đôi mức thu nhập 24,4 triệu đồng/người hiện tại.

Chia theo khu vực, nông dân vùng Trung du miền núi phía Bắc, Bắc Trung bộ thu nhập từ 36 triệu đồng/người trở lên; đồng bằng sông Hồng từ 50 triệu đồng/người trở lên; Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên từ 41 triệu đồng/người trở lên; Đông Nam bộ từ 59 triệu đồng/người trở lên; đồng bằng sông Cửu Long từ 50 triệu đồng/người trở lên...

Mới đây, tại hội nghị toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nông thôn mới phải là nông thôn của khát vọng khởi nghiệp, làm giàu, thu hút các nguồn lực phát triển và lan tỏa các giá trị bền vững; phải là nông thôn của thế hệ nông dân trí thức, dám nghĩ, dám làm, đổi mới sáng tạo.

Đó chính là mục tiêu đầy khát vọng của Chính phủ và của chính những người nông dân Việt Nam, kỳ vọng sẽ vươn tới trong tương lai gần, dù con đường “vượt qua chính mình” đầy cam go.

 

Trần Phương